80 ngày không ghi nhận ca Covid-19 trong nước
Tính đến ngày 20/11, Việt Nam đã có hơn 1.300 ca Covid-19, trong đó có 691 ca Covid-19 lây nhiễm trong nước, 35 ca tử vong. Hiện cũng đã có 1.142 ca Covid-19 được điều trị khỏi. Trong hơn 2 tháng qua, Việt Nam đã tiếp nhận hàng trăm ca Covid-19 là người nhập cảnh, được cách ly ngay từ khi xuống sân bay. Tuy nhiên, Việt Nam đã tròn 80 ngày không có ca Covid-19 lây nhiễm trong nước.
Kết quả phòng chống dịch Covid-19 tại Việt Nam đã được nhiều nước trên thế giới đánh giá cao.
Chia sẻ kinh nghiệm về phòng chống dịch Covid-19 tại Việt Nam, PGS-TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh: "Sự thành công bước đầu và tích cực của Việt Nam trong phòng chống, điều trị và kiểm soát dịch bệnh như trên nhờ sự nỗ lực không ngừng của tất cả hệ thống chính trị, xã hội, người dân và các đối tác".
"Khi tham gia các hoạt động nơi công cộng, nhiều người lạ, di chuyển trên các phương tiện giao thông công cộng, người dân vẫn nên đeo khẩu trang. Bởi, chúng ta sẽ không biết mầm bệnh tồn tại ở cộng đồng như thế nào. Nhất là đối với các thành phố lớn, lưu lượng người di chuyển nhiều...".
PGS-TS Trần Đắc Phu
PGS Khuê cũng chỉ ra 10 bài học kinh nghiệm về chống dịch Covid-19 của Việt Nam. Bao gồm: Sự vào cuộc sớm và quyết liệt của các hệ thống chính trị, bộ, ngành, sự đồng lòng của người dân. Thiết lập hệ thống chỉ đạo xuyên suốt; xây dựng chiến lược, kế hoạch ứng phó với các tình huống cấp độ dịch bệnh; tổ chức phân tuyến điều trị, quản lý chăm sóc, điều trị - Quản lý thông tin báo cáo ca bệnh.
Đồng thời, chúng ta cập nhật thường xuyên các hướng dẫn chuyên môn; xây dựng các quy định về trang thiết bị, thuốc, vật tư tiêu hao cho đơn vị điều trị Covid-19; thiết lập hệ thống xét nghiệm ngay tại cơ sở khám chữa bệnh; đánh giá thực trạng nhân lực chuyên khoa hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm, đào tạo, bổ sung năng lực chuyên môn; thành lập đội cơ động và hỗ trợ thường xuyên cho địa phương; thành lập Trung tâm Trực tuyến hỗ trợ điều trị Covid-19.
Cuối cùng là theo dõi, giám sát, kiểm tra thường xuyên thực hiện tiêu chí chất lượng bệnh viện an toàn phòng chống Covid-19.
Về định hướng trong thời gian tới, PGS Khuê chia sẻ, Việt Nam tiếp tục đặt trọng tâm vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế, trong đó ưu tiên phát triển mạng lưới y tế từ xa (Tele-Medicine Network) nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ y tế.
Người dân luôn phải cảnh giác với dịch
Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 đang diễn ra rất phức tạp với trên dưới 600.000 ca Covid-19 mắc mới mỗi ngày. Hiện trên thế giới đã có hơn 57 triệu ca Covid-19. Dịch bệnh đang bùng phát làn sóng thứ 3 mạnh mẽ ở các nước châu Âu, châu Mỹ và nhiều nước châu Á.
PGS-TS Trần Đắc Phu - cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế) nhận định, tình hình dịch Covid-19 đang vô cùng phức tạp, người dân không được lơ là, chủ quan. "Thời gian qua, trên nhiều chuyến bay đưa người Việt và chuyên gia lao động về (đến) Việt Nam, chúng ta đã phát hiện nhiều ca Covid-19, có chuyến bay đã có hàng chục ca bệnh. Do đó, chúng ta không thể lơ là. Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 luôn đánh giá Việt Nam có nguy cơ cao bùng phát dịch Covid-19 nếu như kiểm soát không tốt các ca nhập cảnh. Nếu chúng ta không kịp thời phát hiện các ca Covid-19 nhập cảnh, kể cả nhập cảnh hợp pháp hay bất hợp pháp thì nguy cơ dịch quay lại Việt Nam rất cận kề" - PGS Phu nói.
Ngoài ra, PGS Phu cho rằng, cần phải kiểm soát tốt các ca ho, khó thở ở các phòng khám bệnh viện, kịp thời cách ly các ca nghi ngờ để giám sát, xét nghiệm. Vì nếu trong các ca bệnh này có ca mắc Covid-19, vào điều trị trong bệnh viện mà không được kiểm soát, cách ly thì có thể một "Đà Nẵng thứ 2" lại xảy ra.
"Không chỉ kiểm soát tốt các ca nhập cảnh mà phải kiểm soát chặt chẽ cả các ca ho, sốt trong cộng đồng. Vì có thể có mầm bệnh lưu cữu trong cộng đồng khi mà ca bệnh Covid-19 có các triệu chứng nhẹ, họ không đi khám, không khai báo" - PGS Phu nói.