Đầu những năm 1840, khi mà thuốc mê vẫn chưa được phát minh ra thì tốc độ chính là thứ được các bác sĩ tin tưởng khi tiến hành phẫu thuật.
Được biết, các bác sĩ thời đó tin rằng việc phẫu thuật với tốc độ cao là bước cần thiết để giảm thiểu cơn đau của bệnh nhân và cải thiện tỷ lệ sống sót sau phẫu thuật của họ.
Các bác sĩ phẫu thuật chậm hơn đôi khi sẽ khiến những bệnh nhân bị đau đớn và hoảng loạn, thậm chí còn quay sang... đánh nhau với bác sĩ vì quá đau!
Trong thời điểm đó, bác sĩ Robert Liston nổi lên khắp thành London vì có thể phẫu thuật cắt chân chỉ đúng trong 2 phút rưỡi, thậm chí đã từng có lần ông chỉ cần đến 28 giây.
Thực tế đã chứng minh chỉ có khoảng 1/10 bệnh nhân của bác sĩ Liston chết trên bàn mổ tại Bệnh viện Đại học Cao đẳng London. Trong khi đó, các bác sĩ phẫu thuật tại St. Bartholomew's thì sơ sơ là cứ 4 người thì mất 1.
Tuy Liston vô cùng chắc chắn về khả năng của mình và ông đã trở nên nổi tiếng với câu khẩu hiệu được thốt ra trước mỗi cuộc phẫu thuật: "Tính giờ đi nào, các quý ông!".
Thế nhưng, sự nổi tiếng của bác sĩ Liston lại tới từ những màn phẫu thuật lỗi tùm lum...
Robert Liston đã từng dính "phốt" khi thực hiện màn phẫu thuật cắt cụt chân cho một bệnh nhân đang nằm bẹp trên bàn mổ.
Khi đưa con dao mổ xuống, ông đã quá chú tâm vào tốc độ đến nỗi cắt luôn cả ngón tay của trợ lý phẫu thuật cùng với chân của bệnh nhân.
Khi rút con dao trở lại, nó đã mắc kẹt vào áo của một một bác sĩ lớn tuổi đang đứng xem khiến người này lên cơn đau tim và đột tử tại chỗ.
Cả bệnh nhân và trợ lý của bác sĩ Liston lần lượt qua đời sau đó vài ngày vì vết thương bị nhiễm trùng. Ba cái chết đã khiến cho Liston trở thành bác sĩ duy nhất được ghi nhận với tỷ lệ tử vong khi phẫu thuật là 300%.
Lần khác, Liston đã tự phá vỡ kỷ lục của mình bằng cách hoàn thành một cuộc phẫu thuật trong hai phút rưỡi. Tuy nhiên, vì quá hào hứng, ông đã lỡ tay cắt nhầm tinh hoàn của bệnh nhân cùng với chân của họ.
Tuy dính "phốt" vài lần là vậy, nhưng các bác sĩ thời đó đều khó có thể coi thường Liston với bởi tốc độ và tài năng trời phú của ông.
Điều thú vị là khi thuốc gây mê được ra đời, Liston sử dụng chúng luôn và đạt được những thành công tốt đẹp.
Năm 1846, Liston tiếp nhận một bệnh nhân tên là Frederick Churchill, người mắc chứng bệnh ở đầu gối phải đã khiến ông này sống dở chết dở trong nhiều năm.
Mặc dù đã thử nghiệm rất nhiều phương pháp chữa trị, nhưng các bác sĩ vẫn cho rằng việc cắt cụt chân mới có thể giải quyết được triệt để vấn đề.
Vào ngày phẫu thuật, thay vì lấy dao và yêu cầu khán giả bấm giờ như mọi khi, Liston bước vào phòng phẫu thuật lại rút ra một lọ chứa chất Ether (chất gây mê).
Đồng nghiệp của Liston, Tiến sĩ William Squire, phụ trách tiến hành gây mê. Squire đặt một chiếc khăn tay lên mặt Churchill để giữ ông ta, sau đó Liston bắt đầu cuộc phẫu thuật.
Chỉ 25 giây sau, việc cắt cụt chi đã hoàn tất. Thậm chí rất nhiều bác sĩ vẫn không tin nổi là cuộc phẫu thuật đã thành công tốt đẹp!
Chỉ tiếc rằng sau 1 năm kể từ thời điểm cuộc phẫu thuật đỉnh cao diễn ra, bác sĩ Liston đã qua đời trong một tai nạn thuyền buồm.
Bất chấp những "tai nạn" đã từng xảy ra trong quá khứ, Robert Liston vẫn được các đồng nghiệp kính nể, họ đã dựng lên một bức tượng bằng đá cẩm thạch để vinh danh ông.
Kể từ ngày "con dao nhanh nhất khu West End" ra đi , chất gây mê cũng được cải tiến rất nhiều và khiến lối tư duy, kĩ thuật phẫu thuật cổ điển dần lùi lại vào dĩ vãng...