Giờ đây mỗi khi nhắc tới cái chết của Quan Vũ, không ít người vẫn cho rằng việc Lưu Bị không ra tay cứu vị tướng này xuất phát từ nhiều toan tính chính trị.
Bởi khi Quan Vũ thua chạy ở Mạch Thành, sau bị truy kích tại Lâm Thư, đây đều là nơi vốn cách địa bàn của Lưu Bị không xa.
Thế nhưng theo quan điểm của Qulishi, việc Lưu Bị không xuất binh cứu Quan Vũ lại xuất phát từ một nguyên nhân vô cùng dễ hiểu dưới đây.
Tình cảnh "lành ít dữ nhiều" của Quan Vũ trước Đông Ngô
Sau khi Quan Vũ thất bại trong chiến dịch Tương Phàn với Tào Ngụy, Đông Ngô cũng bắt đầu phái người hành động.
Bấy giờ, Lã Mông được phái tới tập kích quân của Quan Vũ. Sau đó, một số nhân vật đứng trong hàng ngũ Thục Hán như My Phương, Sĩ Nhân đã quyết định hàng Ngô, khiến Giang Lăng cùng Công An đều rơi vào tay địch.
Theo Qulishi, năm xưa, khi được điều động tới Kinh Châu trấn thủ, quân của Quan Vũ ước chừng có khoảng trên dưới 22.000. Trong khi đó, binh lực của Lã Mông khi đánh chiếm Kinh Châu không quá 20.000 người.
Nói cách khác, lúc đầu binh lực của Lã Mông vốn yếu hơn Quan Vũ. Với số quân này, Lã Mông có thể may mắn đánh bại Quan Vũ, nhưng lại không đủ nhân lực để bao vây đoàn quân vị tướng này.
Tuy nhiên sau khi quân Ngô chiếm được hai thành trì ở Kinh Châu, người thân của các tướng sĩ dưới trướng Quan Vũ đều bị bắt sống.
Chưa dừng lại ở đó, Lã Mông còn đánh vào tâm lý khi hạ lệnh cho người sớm tối đi chăm sóc, thăm hỏi những người này. Tin tức ấy truyền đến tai thủ hạ của Quan Vũ khiến họ suy sụp tinh thần, lòng quân tản mác.
Kết quả là khi ra trận, phải tới 2/3 số binh của Quan Vũ quyết định đầu hàng. Cho nên quân sĩ còn lại dưới tay ông chỉ xấp xỉ trên dưới 6000 – 8000 người. Tới lúc này, Lã Mông bắt đầu cho quân truy kích, Quan Vũ cũng chỉ còn cách bỏ chạy.
Vị tướng họ Quan ấy vốn có thể chạy về phía Tây Bắc, nhưng vì quan hệ của ông với các tướng trấn giữ ở đó là Mạnh Đạt và Lưu Phong không tốt, nên chỉ còn cách chạy về phía nam ra Mạch Thành. Đến đây, ông chờ đợi viện binh thì Mạnh Đạt và Lưu Phong án binh không cứu.
Nguyên nhân dễ hiểu giải thích vì sao Lưu Bị không cứu Quan Vũ
Về hoàn cảnh của Quan Vũ khi thua chạy Mạch Thành, "Lưu Bị truyện" đã từng nhận định bằng một câu: "… đã mất địa bàn, lại mất tướng sĩ, mất cả lòng dân".
Từ đó không khó để nhận thấy, tình cảnh của Quan Vân Trường lúc ấy vô cùng thê thảm.
Cuối năm 219, Tôn Quyền sai người dụ hàng Quan Vũ. Trong tình thế bị quân địch truy kích, Quan Vũ biết không thể dùng lực lượng ít ỏi còn lại để kháng cự.
Vì vậy, ông một mặt giả vờ đầu hàng, mặt khác tự dẫn theo khoảng 10 quân kỵ bí mật chạy về phía Bắc, hy vọng có thể thoát khỏi vòng vây để đến địa bàn của Lưu Bị ở Ích Châu hoặc Hán Trung.
Sau đó, ông chạy tới đất Lâm Thư. Vào thời bấy giờ, Lâm Thư ở vào phía nam Kinh Châu, cách Thành Đô của Lưu Bị khoảng trăm dặm, khoảng cách này không tính là quá xa.
Vì vậy có nhiều ý kiến cho rằng, Quan Vũ đã chạy tới đây, Lưu Bị không xuất binh ứng cứu hẳn là phải có âm mưu.
Tuy nhiên theo Qulishi, ở đây có một vấn đề quan trọng cần phải suy tính.
Đó là Lưu Bị khi nhận được tin chiến bại, nếu muốn tập trung đại quân để lên đường, trước nhất sẽ cần phán đoán xem Quan Vũ có thể tự chạy thoát thân hay không, việc cứu viện có thực sự khả quan không.
Để cân nhắc vẹn toàn vấn đề này, lại thêm hàng loạt công tác như chuẩn bị binh lực, tập trung lương thảo, đề ra chiến lược… cũng phải tốn ít nhất 10 ngày.
Hơn nữa vào thời bấy giờ, đường đi ở đất Thục lại tương đối khó khăn, nên rất có thể nếu xuất binh cũng phải mất tới 20 ngày mới đến nơi.
Trong khi đó, Quan Vũ khi ấy thân mang vết thương, kỵ binh bên cạnh đều mệt mỏi đuối sức, căn bản không cách nào so sánh với lính Đông Ngô, có thể chạy trốn nổi hai ngày đã là điều không dễ dàng.
Cho nên chờ tới lúc Lưu Bị tập hợp đủ binh sĩ thì có lẽ quân đoàn này còn chưa ra khỏi nước Thục, Quan Vũ đã bị giết.
Vì vậy, rất có thể Lưu Bị không phải không muốn xuất binh cứu hổ tướng mà là căn bản không có cơ hội cứu viện.
Đây là một nguyên nhân tương đối dễ hiểu. Bởi vào thời Tam Quốc, giao thông liên lạc đều còn vô cùng lạc hậu.
Hơn nữa, Đông Ngô khi ấy không thiếu soái tài, thế lực hẳn đã tính toán kỹ đường đi nước bước của Quan Vũ.
Cho nên với một Quan Vũ chỉ còn lại trong tay đội ngũ thiếu thốn lương thảo, lòng quân tan rã, có thể nói số mệnh của ông trong hoàn cảnh ấy là kết cục khó mà thay đổi.