Ông có thể chia sẻ về tình hình công khai giá trang thiết bị y tế hiện nay?
- Tính đến 8 giờ 30 ngày 19/11, tổng số trang thiết bị y tế đã công khai trên Cổng Công khai y tế là 16.659, trong đó, số thiết bị y tế đã công khai là 2.153; số vật tư y tế đã công khai là 11.758; số lượng trang thiết bị y tế chẩn đoán in vitro đã công khai là 2.748. Như vậy, đến nay thiết bị y tế đã công khai giá được khoảng 70%; vật tư y tế công khai giá được khoảng 60-70%; trang thiết bị y tế chẩn đoán in vitro đã công khai giá được 50%.
Dù công khai giá nhưng chỉ có thuốc là có quy định về mức giá trần, còn trang thiết bị y tế lại không? Vậy làm thế nào để kiểm soát việc công ty bán niêm yết giá quá cao?
- Thông qua Cổng Công khai y tế, người dân giám sát giá cả của dịch vụ. Còn nhưng đơn vị mua sắm đấu thầu sẽ phải căn cứ vào đó để so sánh. Trang thiết bị y tế là một mặt hàng đặc thù, đặc thù thì phải có quản lý đặc thù.
Để làm được điều đó, các bệnh viện cần có đội ngũ am hiểu về trang thiết bị y tế, người đó phải có kinh nghiệm nắm bắt, hiểu biết để tìm hiểu, tham mưu, tư vấn về trang thiết bị y tế phù hợp về giá cả, chất lượng, nhu cầu sử dụng của các đơn vị. Hơn nữa, các bệnh viện phải có Hội đồng khoa học cơ sở để xem xét, công khai minh bạch, xác định ưu tiên trong mua sắm thiết bị của bệnh viện mình.
Sau quá trình triển khai các giải pháp như vậy thì tự động thị trường sẽ dần dần điều chỉnh giá trang thiết bị y tế về đúng giá trị thực của nó. Người ta có thông tin, có kiến thức, anh muốn bán giá cao người ta không mua nữa. Trước đây có thể mù mờ chưa biết, giờ người ta biết rồi thì anh cố tình thổi giá quá cao sẽ lộ ra ngay.
Để làm tốt việc quản lý, giám sát giá lâu dài trên Cổng Công khai y tế cần thêm các điều kiện gì, thưa ông?
- Động thái mà Bộ Y tế làm là xây dựng cổng thông tin, công khai niêm yết giá. Trong quá trình vận hành, với đầy đủ thông tin được cung cấp, có sự so sánh giữa nhiều công ty với cùng một sản phẩm tương tự, các bệnh viện sẽ có sự lựa chọn thông minh nhất với sản phẩm phù hợp, giá cả đúng giá trị. Tuy nhiên, để làm tốt điều này chỉ mình Bộ Y tế không đủ mà cần sự vào cuộc của 4 nhà: Nhà cung cấp; nhà sử dụng; người dân, người bệnh và nhà quản lý. Trong đó, nhà quản lý có trách nhiệm điều chỉnh các vi phạm, phản ảnh của người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực mình quản lý.
Xin cảm ơn ông!