Như Dân Việt thông tin, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra vụ chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước xảy ra tại Hà Nội, chuyển Viện KSND Tối cao đề nghị truy tố ông Nguyễn Đức Chung (cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội) cùng 3 bị can khác về tội Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước.
Điểm mấu chốt giúp Cơ quan điều tra sớm phát hiện vụ án chính lại ở nhân vật đã giúp ông Nguyễn Đức Chung chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước.
Theo kết luận điều tra, ngày 14/5/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, điều tra vụ án hình sự xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Nhật Cường (Công ty Nhật Cường) và một số đơn vị liên quan (vụ án Công ty Nhật Cường).
Cơ quan điều tra xác định ông Nguyễn Đức Chung và vợ là bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Để nắm thông tin, tài liệu về quá trình điều tra vụ án, ông Chung đã thông qua ông Phan Huy Lệ (Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hà Thành) giới thiệu, làm quen với ông Phạm Quang Dũng, cán bộ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03)- Bộ Công an. Ông Dũng là người được trưng dụng tham gia hỗ trợ điều tra vụ án Công ty Nhật Cường.
Ngày 16/6/2019, ông Nguyễn Đức Chung đặt vấn đề và sau đó được ông Dũng đồng ý thu thập, cung cấp thông tin, tài liệu về tình hình, tiến độ và kết quả điều tra vụ án Công ty Nhật Cường.
Để có thông tin, tài liệu cung cấp cho ông Chung, ông Dũng đã lợi dụng việc được trưng dụng hỗ trợ điều tra vụ án để lấy thông tin, tài liệu mà mình được phép tiếp cận hoặc đột nhập vào phòng làm việc của cán bộ chiến sỹ thuộc Phòng 14 –C03 (đơn vị được giao thụ lý vụ án) chụp trộm các tài liệu, báo cáo.
Sau khi thu thập được các tài liệu, Phạm Quang Dũng đã nhiều lần cung cấp thông tin, tài liệu cho ông Nguyễn Đức Chung thông qua 3 phương thức: dùng ứng dụng phần mềm Viber trên điện thoại di động để trao đổi, cung cấp thông tin hoặc chuyển trực tiếp file ảnh chụp tài liệu qua Viber, hoặc thông qua người trung gian để cung cấp tài liệu bản giấy cho ông Nguyễn Đức Chung.
Theo Cơ quan An ninh điều tra, Phạm Quang Dũng đã 5 lần chiếm đoạt 9 tài liệu thuộc danh mục bí mật Nhà nước; 3 lần cung cấp tài liệu cho ông Nguyễn Đức Chung, trong đó 2 lần cung cấp tài liệu thuộc danh mục bí mật Nhà nước ở mức độ "mật".
Sau khi chiếm đoạt tài liệu bí mật để cung cấp cho ông Nguyễn Đức Chung, mặc dù hành vi phạm tội chưa bị phát hiện nhưng đến ngày 10/7/2020, Phạm Quang Dũng đã ra tự thú, báo cáo sai phạm của bản thân với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu.
3 ngày sau, tức ngày 13/7/2020, Cơ quan An ninh điều tra đồng loạt khám xét khẩn cấp chỗ ở và nơi làm việc của 3 người là Phạm Quang Dũng, Nguyễn Anh Ngọc (lúc đó đang là Phó trưởng phòng Thư ký biên tập, Văn phòng UBND TP.Hà Nội), Nguyễn Hoàng Trung (lái xe của ông Nguyễn Đức Chung).
Đến ngày 16/7/2020, Cơ quan An ninh điều tra đã khởi tố vụ án Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước. Đến ngày 21/7/2020, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam đối với Phạm Quang Dũng, Nguyễn Anh Ngọc và Nguyễn Hoàng Trung.
Hơn 1 tháng sau, ngày 28/8/2020, Cơ quan An ninh điều tra đã khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Đức Chung (lúc này đã bị tạm đình chỉ chức Chủ tịch UBND TP.Hà Nội).
Như vậy trong vụ án này từ việc tự thú của Phạm Quang Dũng, Cơ quan điều tra đã sớm phát hiện hành vi phạm tội của ông Nguyễn Đức Chung và đồng phạm. Sau khi khởi tố, bắt tạm giam những trường hợp liên quan, Cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Đức Chung. Quá trình điều tra đã xác định, ông Nguyễn Đức Chung giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu.
Đối với Phạm Quang Dũng, hành vi của bị can này được xác định phạm vào tội Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước được quy định tại khoản 3 điều 337 Bộ luật hình sự (có mức hình phạt từ 10-15 năm tù).
Bên cạnh việc tự thú trước khi hành vi phạm tội được phát hiện, trong quá trình điều tra bị can Phạm Quang Dũng thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích cực hợp tác với Cơ quan điều tra để làm rõ hành vi phạm tội của bản thân và những người liên quan. Gia đình bản thân bị can Dũng có công với cách mạng, bị can này là người có thành tích xuất sắc trong quá trình công tác trước đó. Chính vì thế Cơ quan điều tra đã đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng (Viện Kiểm sát và Tòa án) xem xét, áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị can Dũng trong quá trình truy tố, xét xử.
"Tự thú" là tự mình nhận tội và khai báo hành vi phạm tội của mình trong khi chưa ai phát hiện được mình phạm tội. Người nào bị bắt, bị phát hiện về một hành vi phạm tội cụ thể, nhưng trong quá trình điều tra đã tự mình nhận tội và khai ra những hành vi phạm tội khác của mình mà chưa bị phát hiện, thì cũng được coi là tự thú đối với việc tự mình nhận tội và khai ra những hành vi phạm tội của mình mà chưa bị phát hiện.