Dân Việt

Sự ra đời của võ phái Vịnh Xuân quyền (Kỳ 2): 3 thủ pháp cơ bản

Trần Tâm 27/11/2020 10:32 GMT+7
Vịnh Xuân quyền nổi tiếng với các đòn tay thần tốc, dũng mãnh nhưng dù biến hóa cách nào vẫn khởi từ 3 thủ pháp căn bản là Bàng Thủ, Tản Thủ (hoặc Than Thủ) và Phục Thủ trong quyền sáo Tiểu Niệm Đầu.

Diệp Vấn thuộc một gia đình thế phiệt tại Quảng Đông nên được gửi ra Hong kong theo học tại trường Cao Đẳng St.Stephan. Vốn tính hiếu động lại đang ở độ tuổi thiếu niên sôi nổi, Diệp Vấn đã nhiều phen lao vào những cuộc thử thách sức lực với các bạn học người Âu có thể vóc cao lớn hơn. Dù vậy, Diệp Vấn chưa hề thất bại. Nhờ đó, Diệp Vấn trở thành một thiếu niên có tên tuổi. 

Một hôm, người bạn học họ Lê tìm Diệp Vấn cho biết có một ông già trạc ngoài 50 tuổi rất muốn lãnh giáo võ công của Diệp Vấn. Diệp Vấn theo bạn tới gặp ông già nọ và được nghe giới thiệu là ông Lương, làm công tại một cửa hàng tơ lụa. Ông già tỏ ý không tin tài năng của Diệp Vấn khiến cậu tức giận yêu cầu ông đấu thử. Diệp vấn giở hết tuyệt kỹ tấn công nhưng chỉ trong một thoáng ngắn ngủi đã bị ông già quăng té dài ba lần trên mặt đất. 

Thất bại khiến Diệp Vấn nhục nhã xấu hổ. Nhưng người bạn họ Lê lại tìm đến nói là ông già Lương rất muốn gặp lại Diệp Vấn. Lần gặp gỡ này, Diệp Vấn mới được biết ông già nọ là sư thúc của mình, vì ông chính là Lương Bích, con trai cả của Vịnh Xuân Quyền Vương Lương Tán và là sư đệ của Trần Hoa Thuận. Lương Bích nhận xét Diệp Vấn có các điều kiện tiên thiên rất cao và tận tình truyền thụ mọi bí quyết của môn phái. 

Năm 24 tuổi, Diệp Vấn thật sự trở thành một cao thủ, nhưng chưa quên bài học đầu tiên của vị sư thúc nên tiếp tục tìm học. Diệp Vấn trở về quê hương của môn phái là vùng Phật Sơn, Quảng Đông vừa khổ luyệt vừa nghiên cứu tham bác cùng nhiều người khác. Cuối cùng, đúng như dự đoán của Trần Hoa Thuận, Diệp Vấn đã bước vào hóa cảnh của người học võ và trở thành Chưởng Môn của môn phái. Ông trở lại Hong kong và mở võ đường truyền thụ bí quyết Vịnh Xuân khi đã 56 tuổi. Sau khi ông mất, người tiếp nối ông trong vai trò Chưởng Môn là Tiến sĩ Lương Đĩnh, một đệ tử chân truyền của Diệp Vấn. Tuy nhiên, theo dư luận thì người học trò đắc ý một thời của Chưởng Môn Diệp Vấn chính là Lý Tiểu Long, một môn đệ cũng vừa 13 tuổi khi được ông thâu nhận.

Sự ra đời của võ phái Vịnh Xuân quyền (kì 2) - Ảnh 1.

Diệp Vấn và Lý Tiểu Long

Ba Bậc rèn luyện của võ Sinh Vịnh Xuân

Chương trình rèn luyện của môn sinh Vịnh Xuân gồm có 3 bậc: Sơ cấp, Trung cấp, Cao cấp. Chương trình này được hình thành từ thuở sinh thời của cố Chưởng Môn Diệp Vấn và vẫn được áp dụng tiếp tục. Chương trình dựa trên 4 bộ quyền sáo của môn phái là Tiểu Niệm Đầu, Nhị Tự Kiềm Dương Mã, Tầm Kiều và Phiêu Chỉ.

– Sơ cấp: Tập theo hai quyền sáo căn bản là Tiểu Niệm Đầu và Nhị Tự Kiềm Dương Mã. Nhị Tự Kiềm Dương Mã dạy 3 thế tấn căn bản nhằm giúp võ sinh đạt một bộ pháp vững chắc còn Tiểu Niệm Đầu dạy các thủ pháp chủ yếu của môn phái.

Sự ra đời của võ phái Vịnh Xuân quyền (kì 2) - Ảnh 2.

– Trung cấp: Vững chắc về tấn và thành thục về thủ pháp rồi, võ sinh sẽ được học tiếp quyền sáo trung cấp là Tầm Kiều. Các bài tập theo Tầm Kiều giúp võ sinh biến hóa thủ pháp và bộ pháp một cách mau lẹ để ngăn chặn hoặc giải trừ các đòn tấn công.

– Cao cấp: Quyền sáo cao cấp mang tên là Phiêu Chỉ dựa trên thành quả học được từ 2 cấp trước sẽ dạy các thế tấn kích bằng cách phối hợp bộ pháp với thủ pháp để tung ra các đòn công thủ biến hóa.

Tóm lại, sơ cấp chủ giúp võ sinh làm chủ được các bộ phận thân thể, thành thục các thế tấn và cách ra đòn, còn trung cấp chủ giúp võ sinh biết cách ngăn đỡ hoặc tiêu giải đòn đánh của các đối thủ, tức chú trọng hoàn toàn về tự vệ. Cao cấp là bậc cuối cùng giúp võ sinh nắm vững kỹ thuật phản công hoặc tấn kích.

Sự ra đời của võ phái Vịnh Xuân quyền (kì 2) - Ảnh 3.

18 thế tay của Vịnh Xuân

Võ công Vịnh Xuân nổi tiếng với các đòn tay thần tốc, dũng mãnh nhưng dù biến hóa cách nào vẫn khởi từ 3 thủ pháp căn bản là Bàng Thủ, Tản Thủ (hoặc Than Thủ) và Phục Thủ trong quyền sáo Tiểu Niệm Đầu. Về tấn, võ công Vịnh Xuân bao gồm 3 thế chủ yếu trong Nhị Tự Kiềm Dương Mã là Chính Thân Kiềm Dương Mã, Trắc Thân Kiềm Dương Mã và Trực Tuyến Phiêu Mã. Các thế này thường được gọi tắt là Chính Thân Mã, Trắc Thân Mã và Trực Tuyến Mã.