Dân Việt

Vì sao Đại tổng thống Viên Thế Khải vừa béo, vừa xấu lại là “sát thủ tình trường"?

Đại Nam 25/11/2020 16:33 GMT+7
Cao chưa tới 1m60, vừa béo lại vừa xấu, học vấn cũng chẳng bằng ai thế nhưng Viên Thế Khải không chỉ trở thành một đại tổng thống “thét ra lửa” một thời mà còn là một “sát thủ” thực sự trên tình trường.

Các sử gia khẳng định rằng, với tiêu chuẩn của một người đàn ông thì Viên Thế Khải hoàn toàn không có cả “phong độ” lẫn “cao độ”. Viên đọc sách không nhiều và cũng không hề tỏ ra mình là người xuất sắc trong lĩnh vực này. Cả hai lần tham gia các kỳ thi tuyển lựa quan chức của triều đình, Viên Thế Khải đều thi trượt. Chức quan nhỏ của Viên trong quân đội nhà Thành là phải nhờ tới mối quan hệ của cha mình mới có được. Nếu nói về dung mạo, Viên Thế Khải càng không phải là một người đàn ông “đạt chuẩn”. Viên chỉ cao có 1m60, người mập mạp, đầu tròn, cổ ngắn, có thể coi là một người có tướng “ngũ đoản” tiểu chuẩn.

Vì sao Đại tổng thống Viên Thế Khải vừa béo, vừa xấu lại là “sát thủ tình trường"? - Ảnh 1.

Lùn, béo và có học thức không cao, nhưng Viên Thế Khải lại là "sát thủ tình trường".

Chính con gái thứ ba của Viên là Viên Tịnh Tuyết trong cuốn hồi ký của mình đã nói: “Cha tôi từ khi sinh ra đã có tướng ngũ đoản. Tôi từng xem một bức ảnh hồi ông còn làm tổng đốc Trực Lệ, khi đó ông đã mập rồi. Sau này đến Trung Nam Hải, ông còn mập hơn trước nữa”.

Theo đó, trong mắt một người phụ nữ dù là bình thường nhất ở Viên Thế Khải không thể tồn tại cái gọi là “nam tính” hay “hấp dẫn” được. Thế nhưng nhờ sự lão luyện tham vọng và đầy mưu mô, Viên Thế Khải từ tổng đốc đã leo lên chức đại tổng thống của Trung Hoa Dân Quốc, thậm chí còn âm mưu khôi phục đế chế quân chủ do chính mình làm Hoàng đế. Và cũng có lẽ nhờ lý do ấy, “thành tích” trên “tình trường” của họ Viên cũng không hề chịu kém bất cứ trang “tu mi nam tử” nào.

Chết năm 57 tuổi, cả cuộc đời họ Viên có tất cả 10 người vợ được cưới hỏi một cách chính thức. Con số này hoàn toàn không phải nhiều trong một xã hội còn nặng tư tưởng quân chủ và với một người quyền lực có lúc tột đỉnh như Viên. Tuy nhiên, những cuộc hôn nhân của Viên Thế Khải lại cực kỳ gây sốc bởi vì trong số 10 người vợ của Viên thì có tới 3 người xuất thân là kỹ nữ, nhiều người từng là nữ tì, văn hóa cực thấp, có người còn không biết chữ song lại có người từng là quận chúa nước Triều Tiên. Điều đặc biệt hơn nữa chính là, 10 bà vợ này, dù xuất thân cao sang hay thấp hèn, tất cả đều một lòng một dạ trung thành với Viên Thế Khải.

Từ những cô vợ kỹ nữ

Trước khi nói tới những cô vợ đình đám của vị đại tổng thống Trung Hoa Dân Quốc có lẽ phải nhắc tới người vợ đầu của ông ta: Vu thị. Vu thị vốn là con gái một ông chủ lớn ở Hà Nam, cùng quê với Viên Thế Khải, tuy nhiên, Vu thị lại không hề biết chữ, cũng không thông những lễ tiết nghiêm ngặt thời bấy giờ. Cuộc hôn nhân giữa Viên và Vu thị là do cha của Viên sắp đặt vì vậy, Viên không hề thích thú gì với cô con gái  nhà họ Vu này.

Sau khi sinh đứa con trai đầu tên là Viên Khắc Định, Viên gần như không bao giờ ở cùng với Vu thị nữa, dù vẫn coi Vu thị là “bà cả” trong nhà. Sau khi Viên Thế Khải thay thế Tôn Trung Sơn làm đại tổng thống, người vợ cả không biết chữ này càng lộ rõ mình không thể đảm nhiệm vai trò của một “đệ nhất phu nhân” được. Một lần, Viên Thế Khải mở tiệc mời công sứ các nước đến tham dự.

Theo lệ thường thì Vu thị với tư cách “đệ nhất phu nhân” sẽ cùng tổng thống họ Viên là chủ bữa tiệc tiếp đãi các vị công sứ. Tuy nhiên, khi một vị công sứ bước tới trước mặt Vu thị chìa tay ra xin được bắt tay thì vị phu nhân tổng thống đã hét lên mộ tiếng “á” rồi vòng tay ra sau lưng khiến ông ta được một phen tẽn tò. Cũng từ đó về sau, Viên Thế Khải cho rằng, Vu thị không thể tham gia những hoạt động ngoại giao như vậy được, vì thế tuy là vợ cả song thực tế, Viên Thế Khải chỉ coi Vu thị như một bài vị còn sống mà thôi.

Cũng có thể vì người vợ cả có phần kém cỏi mà ngoài vợ cả 9 người vợ còn lại của Viên đều được gọi là dì, bắt đầu tính từ dì cả cho tới dì thứ chín. Viên Thế Khải chủ yếu sống với 9 người dì này. Và người vợ thứ hai của Viên Thế Khải, người “dì cả” rất được họ Viên yêu chiều chính là một trong số 3 người vợ xuất thân kỹ nữ của vị đại tổng thống. Người phụ nữ này họ Thẩm vốn là một kỹ nữ nổi tiếng ở Tô Châu.

Chuyện kể rằng, trong thời gian hai lần liên tiếp thi trượt trong các kỳ thi quan chức do triều đình tổ chức khiến con đường công danh bế tắc, họ Viên đã vùi đầu vào những cuộc chơi thâu đêm suốt sáng. Và trong thời điểm này, Viên Thế Khải đã gặp cô kỹ nữ họ Thẩm. Là một kỹ nữ nhưng họ Thẩm lại là một cô gái khá tài năng và nhan sắc. Chính vì vậy, cô kỹ nữ này chính là người đã ủng hộ giúp đỡ Viên cả về tiền bạc lẫn tinh thần để Viên đeo đuổi mộng công danh của mình.

Trước khi Viên lên đường, họ Thẩm còn bày tiệc rượu đưa tiễn, tình cảm rất thắm thiết. Chính vì vậy, ngay sau khi Viên Thế Khải có được chỗ đứng trong quân đội nhà Thanh đã ngay lập tức cho người về Tô Châu đón cô kỹ nữ họ Thẩm về nhà làm vợ hai. Nhờ nhan sắc và những kinh nghiệm ngoại giao từ thời còn ở lầu xanh, Thẩm thị chính là người được Viên Thế Khải lựa chọn thay thế người vợ cả họ Vu trong các hoạt động ngoại giao với tư cách “đệ nhất phu nhân”.

Cũng có lẽ vì lý do này mà mặc dù cả đời Thẩm thị không hề sinh cho Viên một đứa con nào, song Viên vẫn rất yêu chiều cô vợ bé này. Với một thứ kỷ luật thép thường sử dụng trong quân đội, Viên còn bắt những đứa con của các người vợ khác gọi họ Thẩm là “mẹ đẻ”. Chỉ chừng ấy cũng đủ hiểu, Viên Thế Khải cực kỳ ưu ái cô “dì cả” họ Thẩm này.

Câu chuyện về cô vợ kỹ nữ thứ hai của Viên là một sự “nhầm lẫn” thú vị. Những năm đầu thế kỷ 20, khi đó, Viên Thế Khải đang làm tổng đốc tỉnh Trực Lệ và cũng đã có tới 6 bà vợ. Một lần, Viên sai con trai thứ của mình là Viên Khắc Văn đến Nam Kinh giải quyết công việc.

Khi tới đây thì Viên Khắc Văn gặp một kỹ nữ họ Diệp vô cùng xinh đẹp. Hai người vừa gặp nhau chưa được bao lâu đã thề non hẹn biển, Viên Khắc Văn hứa hẹn sau khi trở về xin ý kiến cha sẽ quay trở lại đón Diệp thị về làm vợ. Diệp thị đồng ý, còn tặng cho Viên Khắc Văn một bức ảnh để làm tin. Tuy nhiên, khi Viên Khắc Văn về đến nhà, trong lúc đang cúi đầu lạy cha mình thì bức ảnh người yêu từ trong túi đột nhiên rơi ra. Vừa thấy hình bóng người đẹp, Viên Thế Khải đã liên miệng hỏi: “Cái gì đấy? Đó là cái gì?”.

Viên Khắc Văn sợ cha quở trách chuyện trăng hoa của mình nên không dám nói thật mọi chuyện mà lại nói rằng: “Con ở Nam Kinh đã chấm cho cha được một cô gái rất xinh đẹp để nạp làm vợ bé. Con mang ảnh về đây để cha xem trước xem cha có thích hay không?”. Viên Thế Khải đòi xem bức ảnh, quả nhiên thấy cô gái trong bức ảnh rất xinh đẹp.

Ngay sau đó, Viên sai người đến Nam Kinh đón cô kỹ nữ họ Diệp về phủ. Sau một đám cưới linh đình, đêm động phòng hoa chúc, cô ca nữ xinh đẹp họ Diệp mới té ngửa ra rằng, đấng lang quân của mình không phải là chàng công tử hào hoa Viên Khắc Văn lúc trước mà một ông già tóc đã hoa râm, người ngắn ngủn mập ú và xấu xí vô cùng. Công tử thứ 2 nhà họ Viên sau đó cũng chỉ còn biết nhìn dì sáu của mình mà lắc đầu ngao ngán. Chỉ có mình vị đại tổng thống họ Viên là không hề hay biết chuyện gì.

Ngoài vợ thứ 2 và vợ thứ 7, người vợ thứ 9 của Viên Thế Khải cũng là một kỹ nữ. Người phụ nữ này họ Quách, vốn là một kỹ nữ nổi tiếng ở vùng Tô Châu. Khi Viên Thế Khải làm chức Quân cơ đại thần, một cấp dưới của Viên vì muốn lấy lòng thượng cấp đã dùng một số tiền lớn mua cô kỹ nữ họ Quách làm món quà tặng cho Viên. Khi đó, Viên tuổi tác đã cao, nhưng một người đẹp như Quách thị, lại là một món quà tặng, Viên Thế Khải cũng chẳng lòng nào từ chối. Vì thế, Quách thị trở thành gương mặt thứ 3 trong danh sách những người vợ kỹ nữ của vị tổng thống họ Viên.

Thực ra, chuyện lấy kỹ nữ làm vợ hoàn toàn không phải là chuyện hiếm thấy trong lịch sử. Nhiều người vì trót si mê sắc đẹp của những cô ca nữ mà sẵn sàng từ bỏ tất cả cái gọi là tư cách, phẩm giá để lén lút đưa họ về làm vợ bé. Tuy nhiên, Viên Thế Khải thì không thế. Cô vợ nào, dù là xuất thân kỹ nữ, Viên cũng tổ chức đám cưới linh đình và công khai. Nhiều người cho rằng, với Viên những từ như mất tư cách, hủy hoại phẩm giá vì lấy kỹ nữ dường như không tồn tại. Thế nhưng, vợ của Viên cũng không phải tất cả đều là kỹ nữ, có những người xuất thân cực kỳ cao quý, thậm chí là quận chúa của nước Triều Tiên.

Và người vợ xuất thân hoàng tộc…

Câu chuyện về người vợ xuất thân hoàng tộc Triều Tiên của vị tổng thống họ Viên có lẽ phải bắt đầu từ mối tình ít người biết tới giữa Viên Thế Khải và nữ hoàng Triều Tiên lúc bấy giờ: Minh thành Vương hậu hay còn gọi là Mẫn phi.

Năm 1884, Viên Thế Khải theo Ngô Trường Khánh, thống lĩnh Hoài quân tiến vào Triều Tiên. Khi đó Viên Thế Khải mới có 2 người vợ và là một tướng quân trẻ chỉ 25 tuổi rất oai phong. Một năm sau khi đến Triều Tiên, Ngô Trường Khánh chết, Viên Thế Khải nghiễm nhiên được nâng lên làm đại sứ toàn quyền trú tại Triều Tiên. Với cương vị mới của mình, Viên Thế Khải đã giúp đỡ Minh Thành Vương hậu trừ khử kẻ thủ chính trị là Đại Viện Quân, được những kẻ thống trị tối cao ở Triều Tiên hết lời khen ngợi.

Đương thời người cầm quyền thực tế ở Triều Tiên không phải là vua Cao Tông mà chính là vợ ông ta, Mẫn phi. Mẫn phi khi đó đã nghe theo kiến nghị của Viên Thế Khải, tổ chức xây dựng Nghĩa dũng đoàn, đồng thời nhờ Viên Thế khải làm người huấn luyện quân đội, biến Nghĩa dũng đoàn trở thành lực lượng quan trọng nhất trong việc bảo vệ sự thống trị của tập đoàn Mẫn phi.

Ngoài tài năng và tham vọng chính trị, Mẫn phi còn nổi tiếng xinh đẹp, được người Triều Tiên tôn xưng là người đẹp nhất thế giới. Chuyện kể rằng, khi đó, Mẫn phi vì muốn cảm ơn Viên Thế Khải đã giúp bà ta trừ khử thế lực của Đại Viện Quân nên có ý định lấy thân mình để đền đáp. Ở nơi đất khách quê người, Viên Thế Khải cũng không chịu sự cô đơn nên chuyện tình giữa hai người nảy nở nhanh chóng. Mẫn phi và Viên Thế Khải không hề kiêng dè gì điều tiếng, đã tư thông với nhau trong suốt một thời gian dài sau đó.

Vì không muốn mọi người nghi ngờ về chuyện tư thông giữa mình với Viên Thế Khải, Mẫn phi đã nghĩ ra một cách là về nhà mẹ đem em gái của mình là Bích Thiền gả cho Viên Thế Khải. Bích Thiền tuy không xinh đẹp như chị mình nhưng cũng thuộc hàng đổ nước nghiêng thành và cũng lập chí rằng không phải kẻ anh hùng thì quyết không lấy làm chồng. Được Vương phi cổ vũ, Bích Thiền đã đồng ý chuyện hôn sự với Viên Thế Khải. Sau khi đã gả Bích Thiền về nhà họ Viên, Mẫn phi ngày nào cũng lấy cớ sang thăm em để đến nhà Viên Thế Khải gặp tình nhân. Không lâu sau thì Bích Thiền phát hiện. Bích Thiền rất tức giận, nhiếc mắng Viên Thế Khải và đòi Viên chấm dứt ngay quan hệ với chị mình là Mẫn phi.

Bản thân Viên Thế Khải cũng lo rằng việc tư thông với bậc quốc mẫu thiên hạ bại lộ sẽ có ảnh hưởng rất lớn, nên đã chấp nhận phương pháp của Bích Thiền, mang người vợ cả họ Vu từ Hà Nam tới để chủ trì việc trong gia đình. Sự xuất hiện của người vợ cả Vu thị khiến Mẫn phi không thể ngày nào cũng chạy sang nhà Viên Thế Khải được nữa. Chuyện tình giữa Mẫn phi và Viên cũng nhạt dần. Điều này làm Mẫn phi căm giận vô cùng đã tìm mọi cách để hãm hại chính cô em ruột của mình.

Sau đó quân Nhật bắt đầu tấn công Triều Tiên, Viên Thế Khải nhận được lệnh của triều đình nhà Thanh rút quân về nước. Họ Viên về nước đương nhiên không thể đem theo Vương hậu của Triều Tiên nên chỉ đành mang cô em Bích Thiền cùng hai cô người hầu của Bích Thiền theo về Trung Quốc.

Sau đó, chẳng hiểu vì sao, Viên Thế Khải cưới luôn cả 2 cô người hầu họ Lý và họ Ngô làm vợ bé rồi phân theo tuổi tác lần lượt làm “dì ba”, “dì tư”, “dì năm”. Bích Thiền vì tuổi kém cô người hầu họ Lý nên đành phải làm dì tư của Viên. Nghe nói, Bích Thiền vì chuyện này mà không vui, từ ngày về nhà họ Viên suốt ngày ủ rột. Bích Thiền chính là mẹ ruột của cậu con trai thứ Viên Khắc Văn, người đã bị cha mình chiếm mất ý trung nhân. Tuy nhiên, hai người vợ Triều Tiên họ Lý và họ Ngô không phải là những cô vợ xuất thân từ người hầu duy nhất của Viên Thế Khải.

Đến cả người hầu

Trong số tất cả 9 người vợ bé của Viên Thế Khải, ngoài 3 người vợ là kỹ nữ thì có tới 4 người vốn là người hầu của các cô vợ bé khác. Ngoài cô vợ ba họ Lý và vợ thứ năm họ Ngô vốn là người hầu của cô vợ thứ tư Bích Thiền vốn xuất thân từ hoàng tộc Triều Tiên, Viên Thế Khải còn có hai người vợ khác cũng xuất thân từ người hầu: Một người là cô vợ thứ 8: Trương thị, người hầu của cô vợ thứ 2. Một người khác là cô vợ thứ 10, Lưu thị, vốn là người hầu của cô vợ thứ 6.

Người ta nói rằng, sở dĩ, Viên Thế Khải lấy hai cô người hầu này là vì ông ta cực kỳ cưng chiều hai cô vợ thứ 2 và cô vợ thứ 6. Nếu như “dì cả” là người đã giúp đỡ Viên Thế Khải trong những ngày tháng khó khăn thì “dì năm” họ Dương lại là người mà Viên yêu quý như một tri âm tri kỷ.

Nếu như cô vợ hai họ Thẩm là người giỏi trong việc giao tế, thì cô vợ họ Dương này lại rất khéo léo trong việc quản lý các công việc trong gia đình. Vì vậy, Viên Thế Khải đã giao mọi công việc quản lý chi tiêu cũng như quản chế, giáo dục đàn con cháu của mình cho cô vợ thứ 6 họ Dương này. Chính vì sự ưu ái dành cho hai cô vợ này mà Viên Thế Khải mới quyết định lấy hai cô người hầu của họ làm vợ chính thức của mình.

Tuy nhiên, việc lấy làm vợ chính thức hoàn toàn không có nghĩa hai cô gặp may mắn. Người ta nói rằng, cô vợ thứ 8 họ Dương khi đến ở cùng với Viên Thế Khải tại một căn nhà nhỏ ở Hà Nam đã bị họ Viên bắt quả tang đang trêu đùa với một người thợ trồng hoa. Kết quả là cô ta bị Viên Thế Khải ép phải uống thuốc độc tự sát. Cô vợ thứ 10 họ Lưu, người vợ cuối cùng của Viên Thế Khải vốn là người hầu của người vợ thứ 6, Dương thị.

Khi theo Dương thị về phủ Viên Thế Khải, cô gái họ Lưu còn rất nhỏ. Một thời gian sau, khi cô gái trưởng thành, nhìn thấy tướng mạo xinh đẹp của cô, Viên Thế Khải không kìm được lòng nên đã quyết định “sủng hạnh” và cưới làm “dì 9”. Tuy nhiên, mới được làm vợ bé của đại tổng thống được vài năm thì Viên Thế Khải đã vội vã qua đời. Cô gái họ Lưu trẻ tuổi sớm đã phải trở thành một góa phụ.

Và tuyệt chiêu tề gia của vị đại tổng thống

Có tất cả 10 người vợ và 32 đứa con, xuất thân lại rất khác biệt, từ người cao quý, xuất thân hoàng tộc đến gái lầu xanh, tuy nhiên, “đại gia đình” của vị tổng thổng họ Viên lại nổi tiếng là một gia đình “ít điều tiếng”. Bí quyết “tề gia” của vị tổng thống họ Viên chính là mang những khuôn mẫu quân đội vào trong gia đình.

Biết rằng, những người vợ của mình xuất thân khác nhau nên ngay từ khi họ bước chân vào phủ họ Viên, Viên Thế Khải đã bắt họ học thuộc điều lệ của gia đình. Một trong những điều lệ là việc ông phân chia thời gian dành cho các bà vợ, thứ đã gây ra không ít những cuộc tranh giành đẫm máu trong hậu cung của các Hoàng đế thời xưa. Để tránh được vết xe đổ của các vị Hoàng đế thời phong kiến, Viên Thế Khải chia đều thời gian dành cho những người vợ của mình.

Trong chuyện này, Viên Thế Khải không ưu tiên ai hơn mà cũng không coi nhẹ bất cứ người nào. Mỗi một người sẽ có 7 ngày để vui vẻ với đức lang quân của mình, và trong 7 ngày ấy, dù vì bất cứ lý do gì, Viên Thế Khải cũng sẽ chỉ ngủ ở phòng của người vợ đó. Cách làm này của Viên Thế Khải đã không làm các bà có lý do để ghen ghét hay đố kỵ nhau vì tất cả đều cùng có phần mà không ai chịu thiệt hơn ai.

Ngoài việc cực kỳ công bằng trong “chuyện ấy”, để tránh nảy sinh mâu thuẫn giữa các bà vợ, Viên Thế Khải cũng rất phân minh trong vấn đề tiền bạc. Thường thì mọi khoản chi tiêu trong nhà, Viên Thế Khải đã giao cho người vợ thứ 6 họ Dương đảm nhiệm. Tuy vậy nhưng Viên Thế Khải vẫn quản lý rất chặt chẽ. Trong sổ sách chi tiêu, Viên Thế Khải luôn kiểm tra lại cẩn thận trước khi đi ngủ. Nếu như phát hiện ra gian lận hoặc chi tiêu vào những việc không cần thiết, lập tức Viên Thế Khải sẽ phạt vị phu nhân nắm giữ sổ sách đó, hình phạt thường là cắt mọi khoản chi tiêu trong tháng.

Việc phân bổ tiền bạc cho các bà vợ cũng được Viên thực hiện theo chế độ bình quân, không có người nào hơn người nào. Viên Khắc Tề, người con trai thứ bảy của Viên Thế Khải kể lại rằng: “Tôi còn nhớ khi đó mẹ ba muốn mua một chiếc dây chuyền vàng. Cha tôi khi nghe xong đã đồng ý và lập tức chi tiền để mua 9 dây tương tự như nhau để tặng thêm cho 8 mẹ còn lại.

Hàng tháng, tiền tiêu vặt, tiền mua sắm đồ vật trong phòng của mỗi mẹ, cha tôi cũng chia rất đều. Mẹ nào muốn mua thứ gì mới, cha tôi đều xem xét có thích hợp không. Nếu ông đồng ý thì số tiền chi ra sẽ không phải là 1 mà là 9 vì đồng thời còn mua cho 8 mẹ khác. Vì thế tôi chưa bao giờ nghe thấy tiếng cãi vã hay hiềm khích nhau dù là nhỏ nhất xảy ra trong gia đình mình”.

Tuy nhiên, chẳng biết có phải vì các bà vợ sống với nhau quá hòa thuận hay không mà mới ở tuổi 57, vị đại tổng thống của Trung Hoa Dân Quốc đã vội vã qua đời, bỏ lại những cô vợ còn đang thời son trẻ. Nhiều người vẫn nói rằng, Viên chết ở cái độ tuổi chín muồi của một chính trị gia là vì quá lo nghĩ cho đế chế quân chủ Hồng Hiến mà ông ta đang tìm mọi cách khôi phục lại. Song trên thực tế, nguyên nhân thực sự dẫn đến cái chết của họ Viên là vì vị đại tổng thống Trung Hoa Dân Quốc vẫn cố gắng chiều lòng tất cả 9 bà vợ đang cùng chung sống dù đã ở độ tuổi ngoại ngũ tuần.