Dân Việt

“Đất đẹp” cho những người yêu nghề báo

Đỗ Doãn Hoàng 27/11/2020 06:31 GMT+7
Tôi ít hiểu về các câu chuyện làng báo, vì thời gian chính là đi đâu đó, làm gì đó, hầu hết làm một mình ở xa Hà Nội. Song, với NTNN/ Dân Việt, tôi lại có nhiều kỷ niệm từ hồi sinh viên.

Còn nhớ, hồi trụ sở báo còn ở 13 Thụy Khuê, tôi hay viết bài cộng tác với báo. Tôi sinh ra ở nông thôn và giờ U50 tuổi vẫn về quê sống như một gã nông dân 1-2 ngày/tuần.

Từ hồi đó, chắc khoảng năm 1995, các câu chuyện "Thành hoàng cũng khóc", rồi bi kịch "Cây cảnh cảnh cây" do tôi viết đã được đăng ở báo Nông Thôn Ngày Nay. Toàn những chuyện gần gũi mỗi lần cậu sinh viên 36kg đạp xe từ trường báo chí về làng cổ Đường Lâm xin tiền bố mẹ để ăn cơm bụi và nhai bánh mì chay. Thành hoàng linh thiêng, bị mấy ông văn hóa vào trùng tu phá mất đình cổ, xây bù vào một cái nhà gạch mới toe để giải ngân gần chục tỷ đồng. Các hiệp thợ tục tĩu đem cả mắm tôm vào hậu cung đình ăn bún đậu với nhau. Các bô lão khắc khoải viết đơn kiến nghị: Cái xú uế xôi thịt của bọn chúng làm thành hoàng chạy bạt vía mất rồi, ông Giám đốc Sở Văn hóa ơi. Thế là viết "Thành hoàng cũng khóc", báo in ra, giắt lưng quần đi khoe người yêu; và cắt lấy trang báo Nông Thôn Ngày Nay dán vào bìa cứng thành cuốn sổ đóng gáy lưu trữ đến tận bây giờ.

“Đất đẹp” cho những người yêu nghề báo - Ảnh 1.

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng trong chuyến tác nghiệp tại Nam Phi về nạn săn bắn tê giác. Ảnh: T.L

Sau này, làm báo Thanh Niên, vì duyên phận nghề báo, tôi thỉnh thoảng vẫn ở nhờ tại nhà cựu Tổng Biên tập Báo Nông Thôn Ngày Nay. Cái hồi chưa mua được nhà, cũng chưa vướng vợ con, thấy các bề trên trong nghề báo chứa chấp và bao dung, là đến học nghề thôi.

Một lần, sau 17 năm làm ở Báo Lao Động, giữa mới năm 2019, Tổng Biên tập Lưu Quang Định đến dự một lễ ra mắt 3 cuốn sách của tôi, mang tên "Hành trình vạn dặm". Nghe anh nói về nghề báo, lại được anh khen ngợi, động viên, trong tôi dậy lên một câu hỏi: Tại sao không? Tại sao không làm báo cùng những con người như thế? Với người viết, ngoài cơm áo và các lo toan thường nhật, cái mà họ đau đáu nhất, chắc chắn là con chữ và các khát vọng làm cái gì đó hữu ích cho đời. Để không hổ thẹn với nghề.

Chắc là vì đọc mấy cuốn sách của tôi, 21/6/2019, thấy nhà báo Vũ Kiều Minh thừa lệnh Tổng Biên tập Lưu Quang Định nhắn tin bảo "em phỏng vấn bác". Tin nhắn ấy khiến tôi thật sự hào hứng trả lời, vì tôi và Minh hiểu và quý nhau suốt gần hai chục năm qua, không trả lời thành bài in báo thì ngồi uống bia hơi và tâm sự đã sướng lắm rồi. Hơi bất ngờ, bài lên trang, thật dài, trình bày E-magazine siêu đẹp, lại rút tít: "Gã mộng mơ hoang tưởng về sức mạnh của con chữ". Họ nói đúng cái tim đen hoang tưởng và mơ mộng của mình, trong hàng trăm bài trả lời phỏng vấn của tôi bao năm qua, chắc đó là một bài "tri âm tri kỷ" nhất. Thế là câu hỏi "tại sao không?" lại thêm một lần dấy lên trong tôi. Sao vẫn có những người làm lãnh đạo báo mà yêu nghề, trân trọng chữ nghĩa đến thế? Con số này ở làng báo thật sự có còn đủ nhiều không?

“Đất đẹp” cho những người yêu nghề báo - Ảnh 2.

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng trên đường vào xã vùng cao của Cao Bằng phản ánh nỗ lực phòng chống dịch Covid-19 của Bộ đội Biên phòng tháng 8/2020. Ảnh: C.H

Và sau một tin nhắn xin phép được "đầu quân", tôi đã viết đơn xin về Dân Việt, chưa một mảy may nghĩ: Mình về đó có làm "chức" gì không; hay lương bao nhiêu tiền. Đến giờ, sau gần cả năm, vẫn chưa nghĩ điều đó. Đơn giản tôi làm một phóng viên và cần một không gian để sáng tạo: nhân văn, chân thành, cái miệng chỉ nói điều mà cái bụng đang nghĩ. Cứ làm với một niềm tin, nghề báo là thế, gái có công thì chồng chẳng phụ. Được tung hoành, tự do trong giới hạn, được nói chuyện nghiệp vụ nghề báo say sưa (và có lúc nảy lửa) với từ Tổng Biên tập, đến các Phó Tổng Biên tập và anh chị em trong toà soạn, để làm sao cho bài viết trúng, đúng và hay hơn! Để "chắt chiu" cho các bài viết có hiệu ứng xã hội tích cực nhất…

Được thế, thì còn, đòi hỏi gì hơn.