Dân Việt

Truyền hình số: Tiến tới một thế giới phẳng hơn

Trường Anh 27/11/2020 06:25 GMT+7
Ngay khi công nghệ truyền hình số phát triển mạnh mẽ, người ta bắt đầu nhận ra những tác dụng của nó trong truyền thông và cũng đồng thời thấy được sự cồng kềnh, tốn kém của mô hình truyền hình truyền thống.

Sùng A Lủi chạy hớt hải. Chân thằng bé 17 tuổi nhanh như con dê núi, thoăn thoắt nhảy từ mỏm đá này sang mỏm đá khác. Lủi đang cố gắng để chạy đến cái mỏm đá cao chót vót kia.

Chiều nay đến giờ giảng bài trên truyền hình.

Đấy chính là nguyên nhân khiến thằng Lủi phải chạy thật nhanh đến cái mỏm đá cao ấy, nơi duy nhất ở cái thung lũng này có thể bắt được sóng 3G. Chỉ có ở cái chỗ này, Sùng A Lủi mới có thể mở điện thoại lên và tham gia vào lớp học trực tuyến.

Truyền hình số: Tiến tới một thế giới phẳng hơn - Ảnh 1.

Một buổi tọa đàm trực tuyến tại Trung tâm Truyền hình số Dân Việt.

Thay đổi hay là chết

Ngay khi công nghệ truyền hình số phát triển mạnh mẽ, người ta bắt đầu nhận ra những tác dụng của nó trong truyền thông và cũng đồng thời thấy được sự cồng kềnh, tốn kém của mô hình truyền hình truyền thống.

Internet, mạng xã hội, công nghệ số và trí tuệ nhân tạo (AI) đã khiến truyền hình truyền thống đối diện với nhiều thách thức hơn bao giờ hết. Khán giả cũng đã thay đổi cách thức thu nạp thông tin từ thụ động sang chủ động. Họ không còn phải phụ thuộc vào TV và khung phát sóng cứng nhắc. Chỉ một cú click chuột, một cái vuốt tay, cả thế giới hình ảnh đã bày ra trước mắt.

Ít ai có thể tưởng tượng được rằng, bây giờ, một chương trình truyền hình trực tiếp trong trường quay, đôi khi chỉ cần tối thiểu 2 người, với vài chiếc điện thoại thông minh cùng chiếc máy tính xách tay đơn giản.

Truyền hình số: Tiến tới một thế giới phẳng hơn - Ảnh 2.

Phóng viên tác nghiệp trong thời đại truyền hình số. Ảnh: T.A

Nhà của Sùng A Lủi nằm dưới thung lũng Sủng Là, khuất sau một cánh đồng hoa tam giác mạch. Đối với thằng Lủi, thung lũng này đẹp thì có đẹp, nhưng rất bất tiện cho nó vì sóng 3G không vươn tới nơi được.

Trong thời gian dịch Covid-19 đang hoành hành, trường học buộc phải đóng cửa và chuyển sang học online, thằng Lủi chiều nào cũng phải lên mỏm núi đá, điểm cao nhất kia, để "hứng sóng", chuẩn bị cho kỳ thi cuối cấp.

Từ đầu năm 2020, một số huyện xa nhất của tỉnh Hà Giang bắt đầu được đầu tư các trạm thu phát sóng di động – BTS để tăng cường tín hiệu thoại, Internet, phục vụ đời sống dân sinh. Các chương trình truyền hình Internet như giáo dục, y tế, nông nghiệp sẽ có điều kiện để phổ rộng khắp đến các vùng sâu, vùng xa của miền núi đá Hà Giang. Và Sùng A Lủi có lẽ đã vui nhất bản khi biết rằng nó không còn phải hớt hải chạy như con dê núi cho kịp giờ học online trên truyền hình.

Xa xa, hoa tam giác mạch đang nở rộ, những bông hoa tim tím sáng lấp lánh trong ánh mặt trời, tựa như muôn vàn vệ tinh truyền tín hiệu, kết nối lại thành một thế giới phẳng.

Đó là thế giới của thời đại số…

Hay hơn thế, một cầu truyền hình trực tiếp từ khắp nơi trên thế giới, đều có thể được kết nối đơn giản bằng điện thoại, gửi về Tổng khống chế bằng tín hiệu 3G và đưa thẳng lên sóng với ê-kíp nhỏ gọn.

Điều kiện tiên quyết, đó là công nghệ hỗ trợ. Đã từ lâu, Internet đã và đang hỗ trợ người làm truyền hình rất tốt trong việc giải quyết mối lo về đường truyền, về các gói tín hiệu đầu cuối và cung cấp gần như mọi giải pháp phần mềm cho việc xử lý tín hiệu hình ảnh đó.

Chưa hết, càng ngày, các hãng điện thoại dường như càng tối ưu hóa hơn cho các thiết bị của mình.

Chụp ảnh, quay phim, ghi âm, xử lý các tác vụ từ dễ đến khó như zoom, lia, chồng mờ, xóa phông..., chiếc điện thoại đều phục vụ quá tốt cho mảng truyền hình. Hơn thế nữa, điện thoại giờ đây còn có thể quay dưới nước, quay trong điều kiện thời tiết cực đoan, hoặc cực nhỏ gọn để lắp được trên những thiết bị bay không người lái – flycam để truyền tải những khung hình cực kỳ sống động và mới lạ.

Các chuyên gia trong lĩnh vực truyền hình, truyền thông đều nhất quán một đánh giá: Truyền hình buộc phải thay đổi, hoặc sẽ tự đi tới chỗ diệt vong. Vì thế, không phải quá ngạc nhiên khi đã có một kênh truyền hình mới đây khẳng định sẽ thay thế hoàn toàn máy quay kiểu cũ bằng điện thoại thông minh cho các phóng viên, quay phim của mình.

10 năm - bản lề cho sự thay đổi

Báo điện tử Dân Việt ra mắt bạn đọc vào năm 2010, tính đến nay tròn đúng 10 năm. Có lẽ cả Ban Biên tập và các phóng viên khó nghĩ được rằng, Dân Việt lại ra đời và trưởng thành vào đúng khoảng thời gian bản lề của sự thay đổi, đặc biệt là thay đổi phương thức sản xuất báo chí từ truyền thống sang hiện đại.

Tính từ năm 2010 cho đến cuối năm 2019, báo chí nói chung đã chứng kiến sự thoái trào của truyền hình truyền thống và thay vào đó là sự lên ngôi của thế hệ truyền hình tương tác 4.0. Ông Vũ Quang- nguyên Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ Truyền hình (VTV) cũng nhận định: "Khán giả thời nay, nhất là những người trẻ, họ đòi hỏi truyền hình phải tiếp cận họ theo một hướng mới. Họ muốn được tương tác với chính cái mà họ đang xem".

Nắm bắt được sự dịch chuyển của công nghệ và hơn hết, nắm bắt được nhu cầu thông tin của bạn đọc, báo Điện tử Dân Việt đã tiên phong, mở lối cho việc phát triển truyền hình, truyền thông đa phương tiện trên nền tảng web.

Được thai nghén từ giữa những năm 2010, bộ phận truyền hình – Media của báo Điện tử Dân Việt đã từng bước xác lập những vị trí căn bản và dựa trên cơ sở khoa học kỹ thuật hiện đại, tiên tiến nhưng vẫn mang đậm bản sắc của báo NTNN khi luôn Sát cánh cùng nông dân Việt.

Trung tâm Truyền hình số (TT THS) Dân Việt ra đời trong bối cảnh sức ép về cải tiến kỹ thuật, công nghệ của ngành truyền hình đang ở đỉnh điểm; cộng thêm thói quen xem – nghe – nhìn của khán giả bị thay đổi mạnh với sự tác động của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu.

Nhờ sự đầu tư đúng đắn và định hướng nhất quán của Ban Biên tập báo NTNN/Dân Việt, TT THS Dân Việt đã bước đầu làm chủ công nghệ, phát triển hầu hết những tác vụ mà truyền hình thời đại số đòi hỏi như: Thực hiện các buổi tọa đàm trực tuyến; tường thuật trực tiếp các sự kiện lớn, các sự kiện nóng bỏng; phản ánh đa dạng các khía cạnh của đời sống - của bà con nông dân, thông qua các Bản tin Thời sự cập nhật, các chương trình đặc sắc giầu chất nhân văn.

Đặc biệt những nội dung trên đều được lan tỏa trên tất cả các nền tảng có tính tương tác mạnh nhất hiện này như Facebook, YouTube… để từ đó tiệm cận với môi trường truyền thông số - multimedia khổng lồ của thế giới.

Hiện tại, TT THS Dân Việt định hướng sẽ phát triển thành một trong những đơn vị sở hữu hệ thống Social Media về tin tức mạnh mẽ. Các hệ thống Social Media được Trung tâm đầu tư phát triển dựa trên chính những mạng xã hội và ứng dụng phổ biến mà người dùng đang sử dụng hiện nay, bao gồm hệ thống fanpage trên Facebook, ứng dụng Zalo, ứng dụng Instagram và tất nhiên không thể thiếu kênh YouTube...