Mạnh mẽ từ những yêu thương
Mũ năm nay 18 tuổi. Em về Hà Nội, thăm Báo NTNN/Báo Điện tử Dân Việt để báo tin vừa giành được học bổng du học tại Trung Quốc. Nhìn cô gái khỏe khoắn, luôn thường trực trên môi nụ cười, tôi không khỏi xúc động khi nghĩ về hình ảnh cô bé người Mông gầy gò lưng địu em trai 8 tháng tuổi, tay dắt em trai 6 tuổi, trong cái nắng chiều hiu hắt, ngược con dốc thẳng đứng về ngôi nhà xơ xác đã vĩnh viễn vắng đi bóng dáng của người mẹ cách đây gần 10 năm.
"Những năm qua, 3 chị em Mũ thực sự như những đứa con của Báo Điện tử Dân Việt, được quan tâm rất thường xuyên. Đến nay, Mũ đã chuẩn bị đi du học... Đó là thành công lớn của Báo Điện tử Dân Việt và cũng là niềm hạnh phúc vô bờ của chúng tôi".
Nhà báo Lê Minh -
nguyên Trưởng Ban Bạn đọc
"Những ngày sau khi mẹ mất, cháu rất ít khóc, vì cháu còn phải chăm hai em nữa" - Mũ kể về những tháng ngày buồn, khi mẹ và em trai 4 tuổi của Mũ bị nước dòng Gâm cuốn đi, để lại cho em 2 em trai còn nhỏ...
Mũ kể, dù có lúc bật khóc bất lực giữa đêm khi em bé khát sữa và em lớn nhớ mẹ không chịu ngủ, nhưng việc thay mẹ chăm sóc 2 em những ngày ấy không khiến Mũ thấy vất vả. Mũ bảo, vì Mũ là chị cả, đã được mẹ dạy bế em, nấu cơm từ khi 3 tuổi, và vì ở nơi Mũ ở, ai cũng khó khăn cả...
Tôi nói, Mũ là cô bé mạnh mẽ nhất mà tôi từng gặp, em chỉ cười hiền: "Cháu có lúc khóc nhè và thấy mệt mỏi nhưng cứ nghĩ đến việc các thầy cô giáo, bác Xuân Trường (phóng viên đã thực hiện phóng sự ảnh về Mũ - PV) và nhiều cô chú khác đã giúp đỡ và tin tưởng mình, cháu lại cố gắng...".
Mạch nguồn thầm lặng...
Trong cuộc gặp gỡ với nhà báo Lưu Quang Định - Tổng Biên tập Báo Điện tử Dân Việt, Mũ được xem phóng sự ảnh về câu chuyện của em. Tôi khá bất ngờ khi biết đây là lần đầu em được xem phóng sự này. Giữa khoảnh khắc vui vẻ, tôi thấy mắt Mũ chợt đỏ hoe khi xem bức ảnh chụp 2 chị em ngồi trên tảng đá nhìn về phía xa. "Đây là tảng đá mấy chị em cháu hay ngồi đợi mẹ về. Hôm đó, em Bình nhớ mẹ khóc, nên cháu địu em ra đó ngồi"...
Giờ tôi đã hiểu, vì sao khi dựng phóng sự ảnh về Mũ, anh Xuân Trường (khi đó là phóng viên ảnh của Báo Điện tử Dân Việt) lại cẩn trọng, trăn trở, thậm chí tranh luận gay gắt với đồng nghiệp về từng câu chữ đến thế. Có lẽ, bởi ngay từ giây phút theo chân cô bé Mũ ngược con dốc dựng đứng về căn nhà thiếu hơi mẹ, anh đã coi Mũ như con gái của mình.
Sau khi phóng sự ảnh "Bé 9 tuổi làm mẹ" được đăng tải, nhiều bạn đọc trên cả nước đã gửi về ủng hộ trực tiếp chị em Mũ hàng trăm triệu đồng. Cuộc sống vật chất của chị em Mũ cơ bản được đảm bảo... Nhưng có lẽ, ít ai biết, trong suốt 10 năm trưởng thành của Mũ, có một mạch ngầm tình thương vẫn âm ỉ và lặng lẽ...
Tôi nhớ, khi Mũ 14 tuổi, cả tuần trời, anh Xuân Trường gọi điện cho tôi, lo lắng về việc có 1 bạn trai "hình như" thích Mũ... Rồi lúc Mũ buồn chuyện gì đó mà xao nhãng việc học, anh cũng sốt ruột... Trong 10 năm qua, anh chỉ lên viết bài về Mũ 1 lần, nhưng đã ngược Cao Bằng không biết bao nhiêu lần vì lo lắng cho chị em Mũ...
Không chỉ anh Xuân Trường, chị Lê Minh (nguyên Trưởng Ban Bạn đọc), chị Tống Hương - Phó Ban Bạn đọc, chị Minh Hồng, anh Trần Nam... của Báo NTNN/Dân Việt cũng luôn dõi theo sự trưởng thành của chị em Mũ...
Tôi nhớ, có 1 lần trong câu chuyện về công tác từ thiện xã hội của tờ báo, anh Lưu Quang Định đã nói với tôi: "Anh vẫn mong, sẽ ngày càng có nhiều những bạn trẻ trưởng thành từ hỗ trợ của Báo NTNN/Điện tử Dân Việt, giống như những "đứa con" của tờ báo này vậy".
Từ thiện xã hội cũng giống như việc bạn lựa chọn sự tử tế, cần sự dũng cảm nhiều hơn là lòng thương cảm. Bởi đó không chỉ đơn giản là việc bạn cho ai đó một cái gì. Đó là sự tác động đến tâm lý, tình cảm và thậm chí là số phận của một con người. Vậy nên nó cần sự cẩn trọng, tâm huyết, khoa học và thậm chí là sự dũng cảm đối mặt và niềm tin vào những điều tốt đẹp. Câu chuyện 10 năm của Mũ đã thực sự khiến những người làm công tác từ thiện xã hội của Báo NTNN/Dân Việt vững tin hơn vào con đường mình đã lựa chọn.