Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Kể chuyện làng để Dân Việt thêm gần gũi nông dân
Tôi thấy rằng nếu có chuyên mục kể chuyện làng trên Dân Việt sẽ thể hiện được hơi thở cuộc sống, mang hiện trạng đời sống mới và lại rất phong phú, đa dạng trong cách kể chuyện. Tôi bàn với nhà báo Lưu Quang Định - Tổng Biên tập Báo NTNN/Dân Việt nên mở chuyên mục Kể chuyện làng.
Với chuyên mục Kể chuyện làng, chúng ta có thể đưa cả câu chuyện cũ, câu chuyện mới vào trong chuyên mục. Chuyện làng là có phong tục, tập quán, văn hoá, có điều hay và không hay của ngày xưa và cả những chuyện làng ngày nay với mặt tốt, mặt chưa tốt, bức xúc của người nông dân… Sẽ có rất nhiều vấn đề, biên độ rộng mà người ta có thể không viết thành truyện ngắn được thì người ta kể chuyện.
Và điều này thu hút rất đông bạn đọc, ở nhiều giai tầng khác nhau. Nhà văn như tôi cũng viết chuyện làng. Còn những bạn không viết văn thì có thể kể chuyện mà kể một cách sinh động, chân thực và trở thành tư liệu để cho các nhà văn lấy đó lắp ghép, sáng tạo nên những tác phẩm văn học.
Chuyên mục Kể chuyện làng ra đời đã đóng góp để tờ Dân Việt thêm xứng đáng là tờ báo của nông dân, của người dân nông thôn. Người nông dân ở trong điều kiện cuộc sống, thị trường ngày nay phải chấp nhận thực tế để giữ lại những điều tử tế của ngày hôm qua và ngày hôm xưa. Tôi xin nhấn mạnh ngày hôm qua khác với ngày hôm xưa. Ngày hôm xưa, đó là hương ước, tập tục, tập quán. Và những điều hôm qua là những điều trong kháng chiến và hôm nay là những điều mang hơi thở của đương đại, của thử thách kinh tế, thị trường.
Những câu chuyện làng ấy va đập hàng ngày của những người không phải là nhà văn, họ không biết viết văn, nhưng họ kể bằng lời kể chân thực, đúng với câu chuyện mà ở làng quê họ đang xảy ra.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: Nhiều món ăn tinh thần
bổ ích, lý thú
Từ lâu, Dân Việt luôn là người bạn một nắng hai sương, người bạn đồng hành chia sẻ niềm vui nỗi khổ với nông dân. Tờ báo không chỉ đưa những thông tin của Đảng, của Chính phủ đến với từng người dân Việt Nam, mà đặc biệt hơn, tờ báo còn là một kho kinh nghiệm giúp người dân xoá đói giảm nghèo. Báo giúp người nông dân tự tin vào sức mạnh của chính mình, giúp họ đứng vững trên chính đôi chân mình ở ngay trên mảnh đất giàu sương dãi nắng của mình.
Tôi đặc biệt đánh giá cao Báo NTNN/Dân Việt đã tổ chức cuộc thi viết Tự hào Nông dân Việt Nam. Cuộc thi rất thành công, phát hiện được nhiều tấm gương vượt khó làm giàu của bà con nông dân Việt Nam ta. Mới hay nông dân mình rất giỏi. Nhiều người thành triệu phú, tỷ phú từ hai bàn tay trắng. Những tấm gương, kinh nghiệm vượt khó ấy có sức lan toả rất nhanh, rất rộng.
Rồi từ thành công của các cuộc thi ấy, Báo NTNN/Dân Việt lại kết hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức cuộc thi truyện ngắn về nông thôn Việt Nam trong công cuộc đổi mới đất nước. Cuộc thi có tên Làng Việt thời hội nhập. Từ đó, người nông dân lại có thêm món ăn tinh thần rất bổ ích và lý thú.
Điều cũng cần nói nữa là tờ báo luôn đổi mới, có nhiều chuyên mục thiết thực với đời sống nông dân. Và rồi cũng từ kinh nghiệm này, nhiều nông dân rất mong tờ báo của chúng ta trổ thêm nhiều cánh cửa để bà con ta có thể nhìn sang các nước văn minh, tiên tiến, xem nông dân của họ sống như thế nào, làm giàu như thế nào.
Chúc tờ báo của chúng ta ngày càng tươi mới, sinh động, hấp dẫn và không ngừng cải tiến, khởi sắc.
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên: Tôi làm mục "Đọc sách cùng bạn"
Báo Điện tử Dân Việt đã tuổi lên 10. Nhanh thật, đã 10 năm qua! Khoảng thời gian ấy nói thực tôi chưa chính thức viết gì cho tờ điện tử này cả, thỉnh thoảng anh em của báo gọi tôi xin bài, đặt bài, vậy thôi. Chủ yếu tôi vẫn viết cho báo giấy và hiện đang giúp cho cuộc thi viết truyện ngắn "Làng Việt thời hội nhập" của báo.
Tổng Biên tập Lưu Quang Định nhiều lần bảo anh phải viết gì cho Dân Việt bọn em đi, báo điện tử đăng nhanh, đăng nhiều, tha hồ cho anh tung bút, không anh cứ chơi hoài nó phí. Phí gì tôi cũng chẳng biết. Lần nào Định nói tôi cũng bảo để anh nghĩ, riết rồi Định phải gắt "Anh nghĩ xong chưa? Anh cứ cầm cho em một mục, hay là mục đọc sách đi, đúng nghề anh mà". "Ừ được đấy, thì làm".
Thế là một sáng nhà báo Trần Lê Tuấn được Tổng Biên tập Lưu Quang Định giao gọi tôi bàn chuyên mục đọc sách. Tuấn bảo, này nhé anh nghĩ tên mục đi, này nhé tuần hai bài vào thứ Ba thứ Sáu, này nhé bọn em đã lập một hộp thư riêng cho mục rồi, này nhé nhuận bút và tiền giữ mục là thế này… OK, tôi nhận và việc đầu tiên là nghĩ tên chuyên mục. Sau khi nghĩ ra mấy cái tên trong đầu, tôi chốt lại cái tên "Đọc sách cùng bạn" từ gợi ý tên cái câu lạc bộ của nhà thơ, dịch giả Thụy Anh đã có cũng gần chục năm là "Đọc sách cùng con".
Nghĩ xong tên mục thì chọn cuốn sách mở đầu. Định muốn giới thiệu cuốn "Tôi và làng tôi" của Lê Bá Thự - một dịch giả văn học tiếng Ba Lan, vì đó là cuốn viết về nông thôn. Tôi nhất trí. Tôi viết ngay bài "Thương nhớ đồng quê" và đăng ngay mở đầu chuyên mục "Đọc sách cùng bạn" trên Dân Việt ngày 21/2/2020.
Từ đó đến hôm nay khi viết những dòng này, "Đọc sách cùng bạn" đã đăng bài đều đặn vào thứ Ba và thứ Sáu, các bài chủ yếu viết về sách văn học, nhưng không chỉ thế. Rồi đây nó sẽ mở rộng ra các loại sách khác nữa, nhưng người viết vẫn là tôi. Chuyên mục là thế, người cầm mục sẽ xác lập với bạn đọc một cách nhìn, cách viết. Và ở tuổi lên 10 của Dân Việt hôm nay, tôi tin "Đọc sách cùng bạn" sẽ đi được đường dài.