Vị trí Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khoá X là thách thức rất lớn
Thưa nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, khi được bầu vào vị trí Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, ông có bất ngờ hay điều này đã được dự báo trước?
- Trước hết đây là một niềm vui nhưng sau đó là một sự thách thức rất lớn, bởi vì chúng tôi đang bước vào một thời đại, một nhiệm kỳ mới của văn học và bị rất nhiều phương tiện giải trí truyền thông khác lấn áp.
Nhưng khi tôi quay lại nhìn gương mặt các thành viên Ban chấp hành khóa mới, họ là những đồng sự, đồng nghiệp tôi đã biết từ lâu, thì sự tin tưởng của tôi lại được trỗi dậy với những con người đó. Tôi tin rằng chỉ cần một sự gắn kết là các ủy viên Hội Nhà văn Việt Nam hay Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa X sẽ làm nên những điều tốt đẹp, đáp ứng phần lớn hy vọng của các hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Có thể cách đây 1 năm tôi chưa nghĩ đến điều đó, 6 tháng có thể mơ hồ, 3 tháng có thể bớt mơ hồ một chút. Nhưng khi tôi biết phiếu bầu của Đại hội, biết tinh thần của Đại hội muốn làm gì, muốn chọn lựa cái gì và chọn lựa ai để làm việc đó, đó là hành động, hành động và hành động, khát vọng, khát vọng và khát vọng.
Đấy là ý chí của hội viên và khi ý chí như vậy thì hội viên sẽ chọn ra người có thể giúp họ thực thi hay cùng họ thực hiện những điều đó. Nhưng, tất nhiên cũng là sự bất ngờ. Tôi nghĩ tôi là một nhà thơ đúng hơn, một họa sĩ đúng hơn, 1 người chơi nhạc dân tộc đúng hơn là làm một người đứng đầu cả một hội vô cùng phức tạp. Đó là sự bất ngờ. Nhưng bây giờ tôi lại bước đến với một sự trân trọng, tin tưởng của các hội viên, và không còn con đường nào khác là tiến lên với tất cả những gì mình có thể làm được.
Khó khăn nhất khi ông nhận cương vị tân chủ tịch là gì và điều ông muốn làm đầu tiên ở vị trí này?
- Tôi nghĩ rằng có rất nhiều khó khăn, nhưng khó khăn trước mắt là những công việc, hoạt động thuộc về Hội Nhà văn Việt Nam như báo chí, xuất bản. Còn những công việc dài lâu là đánh thức tiềm năng, khả năng cảm hứng còn ẩn giấu, thậm chí bị khuất đi hay có vẻ đã bị đánh mất.
Cảm hứng cho người đọc và cảm hứng cho người viết là tiền đề để tạo ra những tác phẩm tốt. Nếu đánh mất cảm hứng đó thì người ta sẽ không viết được tác phẩm hay và người đọc mất cảm hứng đó thì không tạo ra một đời sống của văn học nghệ thuật. Nó phải song hành 3 thứ: Nhà văn, tác phẩm và bạn đọc. Nếu một trong ba thứ đó rời bỏ chúng ta thì nền văn học sẽ rất khó khăn.
Vậy khó khăn tiếp theo ở vị trí này khi điều hành hơn 1.000 hội viên?
- Khó khăn lớn nhất là làm sao lựa chọn được một con đường chung cho tất cả cá tính của mọi con người. Trên một cánh đồng ngô mọc, lúa mọc, khoai mọc và cả những thứ khác, có nghĩa là tất cả các cá tính nhà văn đều phải hướng về những điều thiện nhất là làm sao để cho tất cả mọi người không phải chịu bất công, bớt đi bất hạnh, bớt đi khổ đau.
Chúng ta chia sẻ với họ và mang cho họ những giấc mơ đẹp. Mỗi người một cách, nó là đặc tính của văn học nghệ thuật, nó cũng là đặc tính của đời sống này và khi chúng ta chọn được một con đường đúng, con đường đại lộ, con đường mà tất cả các nhà văn đều muốn làm thì các cá tính của cá nhân chỉ là những phần rất nhỏ và có thể đấy là điều hay khi họ mang đến những phong cách riêng biệt trong ngôn ngữ và trong sáng tạo nghệ thuật.
Việc xã hội hoá là điều quan trọng
Một số nhà văn có ý kiến, muốn Ban chấp hành mới thành lập Ban kinh tế để Hội Nhà văn có thể lo liệu các hoạt động, tổ chức các sự kiện giải thưởng của Hội Nhà văn, cũng như duy trì hoạt động của Hội. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Tôi có quan hệ và làm bạn với không ít doanh nghiệp. Ở đó họ sẵn sàng làm những điều cho một nền văn hóa, một nền văn học. Nhưng việc làm của chúng ta có đủ tin tưởng có lợi cho xã hội, cho bạn đọc không? Kinh phí của Đảng và Nhà nước đã làm hết sức cho các Hội, tôi cho rằng không thể làm tốt hơn được nữa, và chúng tôi biết điều đó. Để Hội mở rộng các hoạt động như dịch thuật, truyền bá văn học nước ngoài, rồi giao lưu, thúc đẩy văn học trẻ và văn học thiếu nhi.
Chúng tôi nghĩ rất nhiều đến văn học trẻ, văn học thiếu nhi vì cho đến hôm nay, như tôi 63 tuổi có thể kết thúc sự sáng tạo của mình được rồi và không có khả năng gây đột biến nữa. Những người 16, 20, 25 mới là những chủ nhân chính của nền văn học Việt Nam trong 10 - 20 năm nữa.
Việc xã hội hóa là điều quan trọng. Chúng tôi sẽ cố gắng thuyết phục, kêu gọi doanh nhân, những người có khả năng hãy cùng đồng hành với chúng tôi, trợ giúp cho Hội Nhà văn Việt Nam thực hiện những công việc mong muốn của chúng tôi.
Đảm nhận vai trò quản lý, điều hành Chủ tịch Hội Nhà văn, liệu rằng điều đó có ảnh hưởng tới việc sáng tác của ông?
- Điều đó luôn luôn đe dọa, luôn xảy ra với tất cả mọi người, nhưng tôi có một bí mật để có thể sáng tạo. Tôi chuẩn bị triển lãm tranh vào đầu tháng 1 năm sau với 60 bức tranh lớn. Tôi chuẩn bị viết cuốn sách thứ hai về hai đứa cháu tôi. Tôi chuẩn bị ra hai tập thơ mới và tôi chuẩn bị khởi công viết kịch bản 1 phim truyện mà tôi muốn nước ngoài làm, đó là thành Cổ Loa.
Tôi biết cách phân thân mình ra như lâu nay tôi đã làm. Tất nhiên sự phân thân lần này sẽ khó hơn những lần trước bởi vì phải gánh trách nhiệm khó khăn hơn.
Nhiều ý kiến nhà văn cho rằng gần đây nhiều vấn đề nóng trong xã hội như cuộc cách mạng công nghệ 4.0, đạo đức xuống cấp, cuộc chống tham nhũng thành công… nhưng thời gian qua không thấy tác phẩm văn học nào viết về các đề tài đó. Có vẻ như các nhà văn đang e ngại khi viết về các vấn đề nhạy cảm đó. Với cương vị mới, ông có dự định như thế nào để thúc đẩy các nhà văn viết về các đề tài đó?
- Chúng tôi vẫn có những tác phẩm như vậy nhưng chưa ra mắt trong thời điểm này. Đúng như câu hỏi bạn đưa ra, các nhà văn cần lý giải những vấn đề về tội phạm, những vấn đề của tham nhũng, những vấn đề của đạo đức con người đang xuống cấp, để từ đó cảnh báo con người, những cơ quan quản lý được tốt hơn. Chúng tôi vẫn đang nỗ lực hết sức để cải thiện điều đó.
Theo ông, Ban chấp hành mới cần có những kế hoạch nào để "thổi bùng lên ngọn lửa" trong sáng tác của các nhà văn?
- Tôi nghĩ sáng tác thuộc quyền của mỗi người. Ban chấp hành không thể thò tay vào trong mỗi căn phòng viết của mỗi nhà văn. Như tôi cũng đã chia sẻ, đây là một thách thức rất lớn đối với Ban chấp hành. Nhưng đồng thời thách thức lớn cho từng hội viên chính là trong căn phòng của họ, họ phải thực hành điều đó.
Điều quan trọng là chúng tôi phải công bằng với hội viên, tìm cách truyền cảm ứng cho họ, tìm cách làm sao để họ giao tiếp với những nhà văn lớn, những tri thức lớn trên thế giới để từ đó tiếp xúc va đập. Và không ai khác, Ban chấp hành Hội Nhà văn chỉ là nơi để tôn vinh đúng nhất các tác phẩm, kêu gọi đúng nhất năng lượng và đánh thức tất cả khả năng kỳ diệu nhất của nhà văn mà thôi.
Hội Nhà văn Việt Nam có 11 ủy viên Ban chấp hành hay 1.000 ủy viên Ban chấp hành cũng không bao giờ chạm được vào ngòi bút của các nhà văn. Họ tự quyết định lấy. Chúng tôi chỉ là người làm cho họ thấy rằng cần phải làm như họ muốn làm.
Chúng tôi luôn tôn trọng và đợi chờ họ. Chúng tôi có thể bị các nhà văn khác thắc mắc, nhưng chúng tôi vẫn đặt cược vào các nhà văn trẻ, dù có ngăn cản thì họ vẫn trở thành chủ nhân trong thời gian tới. Bởi vậy chúng tôi muốn họ chia sẻ với chúng tôi, hiểu chúng tôi và cùng chúng tôi đồng hành. Còn những điểm khiếm khuyết như giải thưởng đã làm vang dội chưa, kết nạp hội viên có vấn đề gì không thì điểm đó chúng ta khắc phục dần dần.
Tôi trong Ban chấp hành, làm Phó chủ tịch 10 năm rồi. Tôi biết những điều khó và bây giờ khi làm Chủ tịch tôi biết nó càng khó như thế nào. Nhưng tôi đã hứa với Đại hội, những người đã bỏ phiếu cho tôi là những người tin tưởng tôi, còn những người chưa bỏ phiếu cho tôi là những người chỉ cho tôi khiếm khuyết, tôi sẽ cố để có những bước chuyển mình đáng giá.
Từng giữ vị trí là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khoá IX, ông nhận xét thế nào về những điều đã làm được trong nhiệm kỳ này?
- Tôi nghĩ rằng mỗi một nhiệm kỳ đều có những thành tựu riêng, như tổ chức được cuộc thi tiểu thuyết. Chúng tôi đã trao giải cho cuốn tiểu thuyết "Từ Dụ Thái Hậu" của nhà văn Trần Thuỳ Mai, đó là tác phẩm xuất sắc; "Gió bụi đầy trời" của nhà văn Thiên Sơn, viết về Bác Hồ và những chiến sĩ cách mạng, đây là cuốn tiểu thuyết đầu tiên viết về lịch sử hiện đại đầy khó khăn, phức tạp nhưng chúng tôi được Ban Tuyên giáo Trung ương, báo chí, xuất bản rất ủng hộ.
Hay chúng tôi vừa trao thưởng cho cuốn hồi ký của bà Xuân Phượng - "Gánh Gánh Gồng Gồng" - một cuốn hồi ký cá nhân mong manh như một câu chuyện riêng lẻ của họ. Nhưng ở đó chúng ta thấy được đường đi, số phận của con người. Mà trong mỗi số phận của con người dù ở đâu thì luôn mang theo trong đó thông tin hay tín hiệu của số phận một dân tộc. Chúng tôi đã trao giải thưởng cho cuốn sách đó, dám làm và thành công. Đồng thời 5 năm vừa rồi chưa bao giờ có thể kết nạp các nhà văn trẻ nhiều như thế.
Xin cảm ơn ông.