Núi thiêng gần Hà Nội đẹp mê mải nhìn từ muôn phương tám hướng
Ba Vì là dãy núi nhỏ cuối cùng của dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ sau khi vượt qua sông Đà và dừng lại trước vùng đồng bằng Bắc Bộ. Nếu lấy núi Nghĩa Lĩnh (cố đô nước Văn Lang thời tiền sử) làm tâm điểm thì Ba Vì và Tam Đảo là hai điểm đối xứng tạo thành thế tay ngai theo quan điểm phong thủy của người xưa.
Những hình ảnh đa dạng, nhiều chiều sẽ cho thấy nhiều góc nhìn bao quát về dãy núi linh thiêng bậc nhất của khu vực đồng bằng Bắc Bộ.
Dãy núi Ba Vì (thuộc địa phận huyện Ba Vì, huyện Thạch Thất của Hà Nội và một phần nằm trên địa phận tỉnh Hòa Bình) ở phía Tây Hà Nội, cách trung tâm thủ đô 50 km theo đường chim bay. Vào những ngày đẹp trời từ thủ đô có thể nhìn rõ ngọn núi với hình dáng cân đối và ba đỉnh cao nhất gồm: đỉnh Vua cao 1.296 m; đỉnh Tản Viên cao 1.281 m; đỉnh Ngọc Hoa cao 1.131 m. Trong ảnh là tầm nhìn từ trên cầu Nhật Tân.
Dãy núi linh thiêng trong tâm thức của người Việt, gắn liền với truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh và Tản Viên Sơn Thánh, một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Từ trên cầu Phùng có thể bao quát rõ dãy núi theo hướng Quốc lộ 32.
Núi Ba Vì có phạm vi rộng khoảng 5000 ha, trong đó 3500 ha thuộc địa phận Hà Nội, 1500 ha thuộc Hòa Bình. Ngoài ba đỉnh cao nhất là Tản Viên, Đỉnh Vua và Đỉnh Ngọc Hoa, dãy núi Ba Vì còn có các ngọn núi khác là Ngọc Lĩnh, Tương Miêu, U Bò, Núi Tre, Ghẹ Đùng, Trăm Voi... Trong ảnh là hướng nhìn từ huyện Mê Linh.
Trên dãy núi Ba Vì có Vườn quốc gia Ba Vì với hệ sinh thái phong phú đa dạng, có nhiều khu du lịch sinh thái như Khoang Xanh, Ao Vua, suối nước khoáng Tản Đà, các đền thờ. Dưới chân núi có hồ Đồng Mô, hồ Suối Hai. Trong ảnh là núi Ba Vì mờ ảo trên mặt hồ Đồng Mô.
Núi Ba Vì nằm trong vùng đồng bằng xen kẽ đồi gò, được tạo lập bởi sự xâm thực, chia cắt các thềm đá gốc và thềm phù sa cổ sông Hồng, địa chất ở đây rất bền vững, được hình thành từ những cuộc chuyển động kiến tạo xảy ra vào cuối Triat muộn (khoảng 210 triệu năm về trước) trong khu vực Đông Dương và Trung Quốc, hình thành từ những cuộc vận động tạo sơn Idosinias. Trong ảnh là núi Ba Vì nhìn từ xã Yên Bài (huyện Ba Vì).
Hình ảnh núi Ba Vì được nhìn từ xã Sơn Đông (Thị xã Sơn Tây).
Núi Ba Vì xanh thẫm trên nền trời đỏ màu hoàng hôn, quan sát từ vị trí thuộc địa phận huyện Phúc Thọ.
Là ngọn núi linh thiêng, Ba Vì còn được dân gian tương truyền gọi là núi Tổ.
Núi Ba Vì nhìn từ sông Đà, thuộc xã Đồng Trung (Thanh Thủy, Phú Thọ).
Các đỉnh cao của dãy núi Ba Vì.
Núi Ba Vì nhìn từ xã Đồng Trung (Thanh Thủy, Phú Thọ) đây là hướng nhìn đối xứng so với hướng nhìn từ trung tâm thủ đô.
Núi Ba Vì trong chiều hoàng hôn trên chuyến đò ngang qua sông Đà thuộc địa phận xã Tinh Nhuệ (Thanh Sơn, Phú Thọ).
Một vị trí bao quát núi Ba Vì thuộc xã Sơn Đà (huyện Ba Vì), cách đỉnh cao nhất 14 km.
Núi Ba Vì được nhìn thấy từ địa phận xã Lương Nha (Thanh Sơn, Phú Thọ), đây là vị trí quan sát đối xứng với điểm nhìn ở xã Sơn Đà.
Vùng bờ bãi xanh tốt ven sông Đà thuộc xã Yến Mao (Thanh Thủy, Phú Thọ) hướng về núi Ba Vì.
Núi Ba Vì phía xa và sông Đà đoạn qua địa phận xã Tu Vũ (Thanh Thủy, Phú Thọ).