Dân Việt

Tự ý uống thuốc nam thuốc bắc, bác sĩ chật vật vì không còn thuốc kháng sinh nào có tác dụng

Bạch Dương 27/11/2020 13:50 GMT+7
Tình trạng kháng kháng sinh tại nhiều bệnh viện đã ở mức báo động. Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, số ca kháng thuốc đang ngày một nhiều và mức độ nặng tăng dần.
Tự ý uống thuốc nam thuốc bắc, bác sĩ chật vật vì không còn thuốc kháng sinh nào có tác dụng - Ảnh 1.

Bệnh nhân C. đang điều trị tại khoa Cấp cứu vì tình trạng kháng thuốc quá nặng.

Bác sĩ Dư Lê Thanh Xuân, Khoa cấp cứu - hồi sức tích cực chống độc người lớn Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho biết, khoa đang điều trị cho bệnh nhân nam N.N.C (56 tuổi, ngụ Bình Thuận). Bệnh nhân này nhập viện khoa Nhiễm B trong tình trạng sốt kéo dài, tiêu chảy.

Bệnh nhân cho biết có tự mua thuốc uống nhưng không nhớ tên. Nhìn cơ địa bệnh nhân với da mỏng, mập phần thân nhưng tay chân gầy nhỏ, các bác sĩ xác định đây là biểu hiện thường gặp của các trường hợp uống thuốc nam, thuốc bắc hoặc thuốc giảm đau khớp có chứa corticoid. Đây là một dạng cơ địa nguy hiểm, dễ dẫn tới nhiễm các vi trùng đa kháng.

Bệnh nhân sốt kéo dài 2 tuần kèm tiêu chảy, nhập viện được điều trị bằng kháng sinh phổ rộng nhưng không có tác dụng. Tình trạng bệnh nặng hơn, có dấu hiệu sốc nên được chuyển xuống khoa Cấp cứu – hồi sức tích cực chống độc người lớn, phải thở máy. Bệnh nhân được chỉ định dùng loại kháng sinh rất mạnh phổ rộng, là thuốc có thể điều trị được đa phần các tác nhân đa kháng.

Bác sĩ Xuân chia sẻ: "Đối với các bệnh nhân khác thì việc sử dụng kháng sinh này điều trị rất nhanh, nhưng với bệnh nhân này thì hồi phục rất chậm, huyết áp không ổn định. Chúng tôi quyết định xét nghiệm kỹ hơn thì kết quả cấy máu cho thấy, bệnh nhân nhiễm vi trùng đa kháng, phải xài một loại kháng sinh mới, chuyện biệt để diệt. 

Mới diệt được vi trùng đa kháng đó xong thì bệnh nhân lại tiếp tục sốt trở lại, tình trạng xấu hơn, suy thận tăng. Các bác sĩ nghi ngờ nên cấy lại toàn bộ dịch trong cơ thể và máu, phân, phát hiện bệnh nhân nhiễm vi nấm nên tiếp tục phải dùng kháng sinh đặc biệt. 

Thông thường các ca bệnh khác chỉ cần dùng kháng sinh 7-10 ngày là hết nhưng, đây là ca kháng thuốc quá nặng, bệnh nhân phải điều trị đến 25 ngày tình trạng mới ổn định".

Hiện bệnh nhân đang hồi phục, huyết áp ổn định, đã được cai máy thở, tri giác đã tỉnh táo trở lại. Theo bác sĩ Xuân, trong 10 ca bệnh nặng nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng mà được chuyển xuống điều trị ở khoa cấp cứu thì có đến 5 ca sẽ nhiễm vi trùng tác nhân đa kháng. 

Gần đây những tác nhân đa kháng xuất hiện ngoài cộng đồng nhiều hơn, trong đó có nguyên nhân từ việc người bệnh tự ý uống quá nhiều loại kháng sinh khiến các bác sĩ rất khó khăn khi xác định tác nhân gây bệnh.