Cụ thể, thông tin từ Tòa án nhân dân TP.Hà Nội, cơ quan này đã quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm đối với 10 bị cáo trong vụ nâng khống giá máy xét nghiệm Covid-19 ở CDC Hà Nội.
Các bị cáo sắp bị xét xử gồm Nguyễn Nhật Cảm – cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, Nguyễn Vũ Hà Thanh – nguyên Trưởng phòng Tìa chính kế toán CDC Hà Nội, Nguyễn Thị Kim Dung – nguyên Trưởng phòng Tổ chức hành chính CDC Hà Nội, Nguyễn Ngọc Quỳnh – nguyên Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ CDC Hà Nội, Hoàng Kim Thư – nguyên Kế toán Trưởng, Phó trưởng phòng Tài chính kế toán CDC Hà Nội, Lê Xuân Tuấn – nguyên cán bộ CDC Hà Nội, Nguyễn Ngọc Nhất – nhân viên Công ty TNHH Phát triển khoa học Vitech, Nguyễn Trần Duy – nguyên Tổng giám đốc Công ty CP định giá và bán đấu giá Nhân Thành, Nguyễn Thanh Tuyền – nhân viên Công ty TNHH Thiết bị y tế Phương Đông.
Các bị cáo bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", quy định tại khoản 3, Điều 222, Bộ luật Hình sự.
Theo quyết định của Tòa án nhân dân TP.Hà Nội, phiên tòa sẽ được mở vào sáng ngày 10/12 tới. Phiên tòa dự kiến sẽ diễn ra trong 3 ngày với sự điều hành của Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa Chử Phương Ngọc.
Về phía Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, có 1 kiểm sát viên cao cấp và 2 kiểm sát viên trung cấp tham gia phiên xét xử sơ thẩm này.
Theo cáo trạng mà Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố Nguyễn Nhật Cảm cùng đồng phạm ra trước Tòa án nhân dân TP.Hà Nội, hành vi vi phạm của Nguyễn Nhật Cảm trong vụ nâng khống giá máy xét nghiệm Covid-19 đã phạm vào tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".
Với vai trò Giám đốc CDC Hà Nội, ông Cảm có trách nhiệm chính trong việc mua sắm hàng hóa, thực hiện đấu thầu theo hình thức chỉ định thầu thông thường đối với gói thầu số 15 theo quy định, tuy nhiên ông này đã lợi dụng tình trạng dịch bệnh, vì động cơ vụ lợi, trực tiếp thỏa thuận, thống nhất giá mua sắm các máy, thiết bị y tế với các bị can khác, ấn định giá gói thầu số 15 là hơn 9,5 tỷ đồng trước khi thực hiện quy trình chỉ định thầu thông thường.
Vị cựu Giám đốc CDC Hà Nội này còn trực tiếp ký hợp đồng cung cấp dịch vụ thẩm định giá với bị can Nguyễn Trần Duy – Tổng Giám đốc, thẩm định viên về giá Công ty Nhân Thành để Duy giả mạo hồ sơ, ký ban hành chứng thư thẩm định giá theo mức giá do CDC Hà Nội yêu cầu, ghi lùi ngày ký để hợp thức các thủ tục chỉ định thầu.
Nguyễn Nhật Cảm còn chỉ đạo cán bộ cấp dưới hợp thức hồ sơ đấu thầu gói thầu số 15 để chỉ định Công ty TNHH Vật tư khoa học và Thương mại Việt Nam (MST) trúng thầu trái quy định, gây hậu quả thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 5,4 tỷ đồng, gây dư luận xấu trong xã hội.
VKSND tối cao xác định, bị can Nguyễn Nhật Cảm giữ vai trò chủ mưu, các bị can còn lại trong vụ án giữ vai trò đồng phạm giúp sức.
Với Nguyễn Vũ Hà Thanh – nguyên Trưởng phòng Tài chính kế toán, Ủy viên Hội đồng tư vấn mua sắm, chọn giá hàng hóa/dịch vụ của CDC Hà Nội, thành viên tổ chuyên gia lựa chọn nhà thầu gói thầu số 15, người này có trách nhiệm thực hiện quy trình chỉ định thầu, lựa chọn nhà thầu trúng thầu theo đúng quy định.
Theo chỉ đạo và giao nhiệm vụ của Nguyễn Nhật Cảm, Hà Thanh đã trực tiếp thực hiện, chỉ đạo Lê Xuân Tuấn – nhân viên phòng Tài chính kế toán CDC Hà Nội thực hiện việc gian lận, giả mạo hồ sơ, hợp thức quy trình chỉ định thầu.
Hà Thanh còn trực tiếp ký hợp thức các thủ tục: Ký duyệt nội dung để Nguyễn Nhật Cảm ký công văn của CDC Hà Nội đề nghị Công ty Nhân Thành thẩm định giá các gói thầu ghi ngày 21/2/2020; lập hồ sơ yêu cầu gói thầu số 15, ký tờ trình về việc xin phê duyệt hồ sơ yêu cầu gói thầu số 15.
Bị can nguyên là Trưởng phòng Tài chính kế toán CDC Hà Nội còn ký báo cáo đánh giá hồ sơ đề xuất gói thầu số 15 của tổ chuyên gia lựa chọn nhà thầu, việc này để chỉ định Công ty MST trúng thầu trái quy định, gây thiệt hại cho Nhà nước.
Với Nguyễn Ngọc Nhất – nhân viên Công ty Vitech, người này đã có hành vi trực tiếp bàn bạc, thống nhất với Nguyễn Nhật Cảm để thực hiện gian lận trong đấu thầu dưới hình thức chỉ định thầu gói thầu số 15.
Nhất đã cùng với Nguyễn Thanh Tuyền – nhân viên kinh doanh Công ty Phương Đông thỏa thuận, thống nhất với bị can Cảm để mua bán hệ thống Realtime PCR tự động hãng Qiagen với giá 7 tỷ đồng.
Nhất đã thỏa thuận với Đào Thế Vinh – Giám đốc Công ty MST là đơn vị dự thầu và trúng thầu gói thầu số 15, cùng với Vinh thỏa thuận với Cảm ấn định giá mua bán 1 máy tách chiết hãng Qiagen là 1,2 tỷ đồng, 3 tủ lạnh thuộc gói thầu số 15 với giá 1,3 tỷ đồng trước khi hợp thức quy tình chỉ định thầu thông thường.
Người được xác định có hành vi gian lận trong đấu thầu, giúp sức tích cực cho Nguyễn Nhật Cảm là Giám đốc Công ty MST Đào Thế Vinh.
Cụ thể, Vinh đã thỏa thuận với Nhất sử dụng pháp nhân Công ty MST dự thầu gói thầu số 15, việc này để được hưởng lợi 1,5% giá trị gói thầu.
Vinh đã cùng Nhất thỏa thuận, thống nhất với Nguyễn Nhật Cảm bán máy tách chiết DNA/RNA tự động với giá 1,2 tỷ, 3 tủ lạnh với giá 1,3 tỷ trước khi CDC Hà Nội hợp thức quy trình chỉ định thầu.
Cùng với đó, Đào Thế Vinh còn mượn pháp nhân Công ty Hưng Long, Công ty KĐ ký hợp đồng giả mạo, nhằm nâng giá trị hệ thống Realtime PCR tự động, máy tách chiết DNA/RNA tự động của hãng Qiagen từ 4,1 tỷ lên 7,8 tỷ đồng trước khi bán cho CDC Hà Nội.
Vinh cũng được xác định đã ký hợp thức các báo giá gói thầu số 15 theo đúng giá đã thỏa thuận mua bán từ trước với cựu Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm để gửi cho CDC Hà Nội, hợp thức thủ tục trong hồ sơ gói thầu.
Bên cạnh đó, Vinh còn ký hợp thức biên bản thương thảo hợp đồng gói thầu số 15 với Nguyễn Nhật Cảm; ký hợp thức hợp đồng gói thầu số 15 với Cảm ghi ngày 3/3/2020.
Hành vi của Đào Thế Vinh đã gây hậu quả thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 5,4 tỷ đồng.
Trong vụ án này, có nhiều đối tượng ở CDC Hà Nội, Công ty Hưng Long, Công ty KĐ, Công ty Phương Đông, Công ty Nhân Thành có liên quan, Cơ quan điều tra xác định chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự, VKSND tối cao thấy điều này là có căn cứ.