Dân Việt

Phú Thọ: Dân nuôi cá lồng trên sông Đà cứ mở mắt ra là mất hàng chục triệu đồng

Việt Hoàng 28/11/2020 15:08 GMT+7
Trước đây, nhiều hộ dân thuộc huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ giàu lên nhờ nghề nuôi cá lồng sông Đà. Nhưng 3 năm trở lại đây, những bè cá lồng sông Đà thường xuyên bị chết, còn người nuôi cá lồng mất ăn mất ngủ, nợ đầm đìa.

Ông Thiều Minh Thế, Giám đốc Hợp tác xã cá lồng huyện Thanh Thủy là một trong những người tiên phong trong việc nuôi cá lồng trên sông Đà thuộc huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ. Hơn chục năm nuôi cá lồng, chưa bao giờ ông rơi vào cảnh nợ đầm đìa như hiện nay.

Đứng bên những lồng cá trơ đáy, sắc mặt ông đanh lại, cay đắng, bất lực và lo lắng cho tương lai, không biết sau này lấy tiền đâu để trả nợ.

Nước mắt người nuôi cá lồng sông Đà khi cứ mở mắt ra là mất hàng chục triệu đồng - Ảnh 1.

Nước sông Đà đang ở mức thấp kỷ lục khiến cho nông dân nuôi cá lồng ở huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ điêu đứng.

Theo ông Thế, hơn 10 năm trước, thấy mô hình nuôi cá lồng ở một số nơi đem lại lợi nhuận kinh tế cao, ông cùng một số người dân ở xã Xuân Lộc cũng đầu tư, làm lồng, nuôi cá.

"Đầu tiên chúng tôi chỉ dám nuôi thử nghiệm vài lồng. Sau đó, nhận thấy cá sinh trưởng tốt, cho chất lượng cao, thương hiệu cá lồng sông Đà vang xa, cung không đủ cầu, thu về lãi lớn nên mọi người tiếp tục đầu tư", ông Thế cho biết.

Nước mắt người nuôi cá lồng sông Đà khi cứ mở mắt ra là mất hàng chục triệu đồng - Ảnh 2.

Những lồng cá này có thời đem về cả chục, cả trăm triệu đồng tiền lãi mỗi năm, nhưng giờ đành bỏ không vì nước sông Đà quá cạn

Cũng theo ông Thế, chỉ sau một thời gian, 7 hộ dân ở quanh vùng Thanh Thủy đã sở hữu 171 lồng với đủ các loại cá như: Lăng, diêu hồng, chép, rô phi...Nhờ thiên thời địa lợi, nguồn nước sông Đà ổn định, sạch sẽ, cá sinh trưởng tốt, nhiều nhà đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

"Nhiều nhà nuôi cá lồng ở Thanh Thủy đã giàu lên nhờ nghề nuôi cá lồng. Tuy nhiên, từ năm 2017, đập thủy điện Hòa Bình xả 8 cửa đáy trong đêm khiến người dân trở tay không kịp. Hàng trăm tấn cá chuẩn bị xuất xưởng bị cuốn theo dòng lũ, công sức người dân chăm sóc, nuôi nấng cả năm trời tan tành mây khói", ông Thế chua xót.

Được biết, sau khi sự cố xảy ra, chính quyền huyện Thanh Thủy cùng các cơ quan chức năng đã xuống kiểm tra, động viên và hỗ trợ.

"Đợt đó, mỗi bè của chúng tôi được hỗ trợ 10 triệu đồng, số tiền này quá ít ỏi so với những thiệt hại. Tuy nhiên, đó là còn may, bởi cũng từ đó đến nay, ngoài việc thủy điện Hòa Bình đóng mở cửa xả một cách thất thường, còn là thời tiết khắc nghiệt khiến nước sông Đà liên tục cạn trơ đáy", ông Thể tâm sự.

Nước mắt người nuôi cá lồng sông Đà khi cứ mở mắt ra là mất hàng chục triệu đồng - Ảnh 3.

Người dân tiến hành gia cố lại lồng cá với hy vọng có thể nuôi cá lại...

Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, một vài năm gần đây, sông Đà chuyển đổi dòng chảy, hình thành các bãi cát bồi cục bộ đoạn qua khu vực nuôi cá lồng. 

Khi nước từ thượng nguồn đổ về ít, dòng chảy trên sông kém, thêm phía ngoài khu vực nuôi cá đã bị cát bồi lấp kín nên việc khơi thông dòng chảy gặp rất nhiều khó khăn. Cộng thêm hoạt động hút cát bên phía Hà Nội đã tạo ra đáy sâu, nước dồn sang bên đó khiến nước bên Phú Thọ bị cạn.

Để hạn chế việc cá lồng bị chết, ngoài việc dùng sục oxy cho cá, người dân còn tiến hành hút cát ở đáy lồng để cá có không gian thở. Tuy nhiên, nỗ lực ấy chỉ hạn chế được phần nào.

Những ngày gần đây, như gia đình ông Thế, mỗi ngày cũng thiệt hại ít nhất 20 triệu đồng. Đó là chưa kể, đợt Thủy điện Hòa Bình xả lũ vào tháng 10/2020, hơn 4 tấn cá của ông đã chết.

"Mấy năm liên tiếp hết thủy điện xả lũ lại đến nước sông Đà xuống thấp kỷ lục đã khiến kinh tế nhà tôi kiệt quệ. Đến nay, nhà tôi đang nợ hơn tỷ đồng mà không biết lấy tiền đâu để trả khi nuôi cá thì bết bát, thua lỗ, bỏ thì thương mà vương thì nợ", ông Thế buồn bã.

Nước mắt người nuôi cá lồng sông Đà khi cứ mở mắt ra là mất hàng chục triệu đồng - Ảnh 4.

Những con cá lăng đen ngắc ngoải được chủ lồng sơ chế, bán cho người dân với giá chỉ vài chục ngàn đồng/kg

Còn ông Trần Văn Hướng, chủ của hơn chục bè cá trên sông Đà thuộc huyện Thanh Thủy cho biết, hơn chục ngày nay, gia đình ông mất ăn mất ngủ vì cá. Gia đình ông bắt đầu nuôi cá từ năm 2013, giờ có hơn chục lồng mà đợt này cá chết, gom lại còn 3 lồng.

"Đây là lần nước rút nhanh nhất từ trước đến nay khiến chúng tôi không kịp trở tay. Gần chục ngày nay, ngày nào chúng tôi cũng phải 2 – 3 lần đi vớt cá chết để hạn chế nước bị ô nhiễm. Những con cá chết thì đem đi tiêu hủy, những con còn ngắc ngoải thì thịt, để vào tủ đông hoặc bán rẻ cho người dân quanh vùng".

Cũng theo ông Hướng, thời gian đầu nuôi cá, gia đình ông cũng thu nhập ổn định. Do đó, ông đã vay hơn 1 tỷ đồng của ngân hàng để mở rộng quy mô.

"Mấy năm nay liên tục xảy ra tình trạng cá chết, càng nuôi nhiều càng thiệt hại. Cứ tình trạng này, tôi phải bán nhà trả nợ ngân hàng mất", ông Hướng nói như khóc.

Nước mắt người nuôi cá lồng sông Đà khi cứ mở mắt ra là mất hàng chục triệu đồng - Ảnh 5.

Những nhà nuôi cá lồng ở đây, mấy năm gần đây thường rơi vào cảnh bị thua lỗ

Trước tình trạng trên, Chi cục Thủy sản tỉnh Phú Thọ đã khuyến cáo người nuôi cần lựa chọn vị trí nuôi an toàn, có mực nước ổn định để đảm bảo sản xuất. Đặc biệt, khi cá đạt kích cỡ xuất bán, cần nhanh chóng liên hệ với các thương lái để xuất bán, tránh giữ cá, chờ giá cao.

Cần thực hiện đúng khung lịch thời vụ, thay đổi cơ cấu giống, kích thước giống nuôi phù hợp. Nên tăng cường sử dụng các loại giống có kích cỡ lớn và các loại giống ngắn ngày để rút ngắn thời gian nuôi hoặc khi gặp sự cố bất thường có thể thu hoạch xuất bán luôn.

Đặc biệt, người dân nên ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi thủy sản, sử dụng mô hình nuôi "sông trong ao", nuôi trong bể tuần hoàn tiết kiệm nước, nuôi thâm canh cá giống trong ao để chủ động việc cung ứng giống ra nuôi lồng. Đồng thời, đây cũng là môi trường nuôi phù hợp để các hộ nuôi có thể di chuyển cá từ sông vào ao khi có sự cố xảy ra.

Chi cục Thủy sản cũng phối hợp với huyện Thanh Thủy tiếp tục rà soát quy hoạch nuôi cá lồng trên sông Đà, khuyến cáo người dân giảm quy mô nuôi cá lồng trên sông ở những vị trí đã có dấu hiệu bị bồi cát cục bộ để hạn chế thiệt hại về kinh tế.