Bên lề hội thảo "Tự chủ trong giáo dục đại học - từ chính sách đến thực tiễn", Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn khẳng định trước hết phải quan niệm đúng về tự chủ đại học. Đó là các trường được chủ động quyết định căn cứ theo quy định của pháp luật mà không phải thực hiện cơ chế xin – cho.
Tuy nhiên, không phải tự do nghĩa là không chịu sự ràng buộc mà phải trong khuôn khổ pháp luật. Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, quản lý một trường đại học ngoài Luật Giáo dục đại học thì còn chịu sự chi phối của hàng loạt luật khác nữa, đó là các Luật Cán bộ, Công chức, Viên chức, Luật Đầu tư công, Đấu thầu, Quản lý ngân sách, Quản lý tài sản công… và cao nhất là Hiến pháp. Các luật này khi vận dụng có sự quan hệ lẫn nhau.
Bên cạnh đó, các trường cần thực hiện nguyên tắc dân chủ, công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động, giải trình không chỉ với xã hội mà với nội bộ, cán bộ sinh viên, người học và cơ quan quản lý nhà nước. Công khai, dân chủ là cơ chế để thực hiện trách nhiệm giải trình. Đương nhiên như thế cần xây dựng tốt thiết chế Hội đồng trường.
Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã có Hội đồng trường từ rất lâu nhưng gần đây có xảy ra một số chuyện mà theo đánh giá của Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn thì xuất phát từ hai điểm ông vừa nêu.
Nếu thực hiện công khai, dân chủ, nhìn nhận về tự chủ đại học đúng đắn hơn, đúng quy định của pháp luật thì sẽ đảm bảo hoạt động của hệ thống. Các trường ngoài công lập, ngoài tính chất là một trường đại học thì còn là đơn vị sự nghiệp công lập nữa nên có những chi phối của nhiều luật, cần hết sức lưu tâm.
Quay trở lại câu chuyện cách chức hiệu trưởng trường Đại học Tôn Đức Thắng, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng Luật Giáo dục đại học quy định về việc bầu, công nhận, bổ nhiệm, miễn nhiệm chứ không quy định cách chức, hình thức kỷ luật đối với một viên chức như Hiệu trưởng. Do đó, cần phải lưu ý điều này.
Ông cũng khẳng định, Bộ GD&ĐT là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đại học. Các vấn đề liên quan đến nhân sự thì cần hỏi ý kiến cơ quan chủ quản liên quan: Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Bộ Nội vụ.
Trước đó, tại phiên chất vấn trong kỳ họp Quốc hội, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Đoàn TP.Hà Nội) cho rằng, trong hệ thống pháp luật Việt Nam chỉ có duy nhất Luật Viên chức và các nghị định hướng dẫn thi hành Luật này có quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, thời hiệu, thời hạn và các hình thức xử lý kỷ luật viên chức. Còn các luật chuyên ngành, trong đó có Luật Giáo dục đại học không có quy định về vấn đề này.
Đại biểu dẫn nhiều quy định của pháp luật để khẳng định việc xử lý kỷ luật cách chức với ông Lê Vinh Danh của Tổng LĐLĐ Việt Nam là đúng quy định. Theo đó, tại các điều từ 52 đến 56 của Luật Viên chức và Nghị định số 27/2012/NĐ-CP của Chính phủ, Nghị định 112/2020/NĐ-CP về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức quy định về vấn đề này. Khoản 1 Điều 14 Nghị định 27 quy định về xử lý kỷ luật viên chức như sau: "Đối với viên chức quản lý, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật".
Trường hợp ông Lê Vinh Danh, Tổng LĐLĐ Việt Nam bổ nhiệm lại vào năm 2014; đến nay Trường Đại học Tôn Đức Thắng chưa thành lập được hội đồng trường. Luật Giáo dục đại học tại điểm d, Khoản 2, Điều 16 quy định về thẩm quyền hội đồng trường: "Quyết định và trình cơ quan quản lý có thẩm quyền ra quyết định công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng trường đại học". Trường hợp của Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Tổng LĐLĐ Việt Nam không bãi nhiệm, miễn nhiệm Hiệu trưởng mà tiến hành thủ tục kỷ luật do viên chức quản lý vi phạm quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước, trước đó đã bị tổ chức đảng xử lý kỷ luật.
Cũng theo đại biểu Ngọ Duy Hiểu, theo quy định của pháp luật, có 4 hình thức kỷ luật đối với viên chức quản lý là khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc, không có hình thức nào là bãi nhiệm, miễn nhiệm. Tổng LĐLĐ Việt Nam đã xử lý kỷ luật ông Lê Vinh Danh bằng hình thức cách chức.