Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hà - Giám đốc Văn phòng Đề án, lần đầu tiên việc biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam được thực hiện theo hướng "mở": Truyền thông rộng rãi tới cộng đồng, để cộng đồng cùng tham gia đặc biệt là các nhà khoa học, các giảng viên, sinh viên ở các lĩnh vực khoa học khác nhau góp ý, biên soạn qua mã nguồn mở bktt.vn. Mục tiêu đặt ra là để cộng đồng quan tâm và hiểu hơn về Đề án cũng như cách thức biên soạn, mặt khác nhằm thu hút các ý kiến đóng góp từ các nhà khoa học uy tín để chuẩn bị cho việc triển khai biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam theo hướng mở ra cộng đồng.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà cho biết: Việc biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam gặp không ít khó khăn. Đặc biệt, khi lần đầu tiên áp dụng song song cả phương pháp biên soạn truyền thống và phương pháp mở. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc đưa ra cộng đồng hội thảo dạng Bách khoa toàn thư Việt Nam "mở" cũng cần phải có một số điều kiện nhất định hỗ trợ.
Nhưng theo GS.TS Tạ Ngọc Tấn - Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Ủy viên Ban chủ nhiệm Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam: Nếu muốn biên soạn, xây dựng bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam đáp ứng mục đích "trở thành công cụ học tập, tra cứu chính thức, chuẩn mực, thiết yếu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của Việt Nam". Rõ ràng, lựa chọn tốt nhất là phương pháp bác học.
Việc khắc phục những hạn chế của phương pháp bác học có thể giải quyết bằng cách tăng cường giải pháp tin học trong quản lý, huy động nguồn vốn xã hội để bổ sung một phần cho kinh phí nhà nước và sau khi hoàn thành có thể xuất bản trên môi trường mạng theo phương thức open access, qua đó thu thập ý kiến góp ý của cộng đồng để sửa chữa, bổ sung trong lần xuất bản mới.
Mặt khác, việc lựa chọn phương thức cộng đồng có một số ưu điểm nhưng những ưu điểm đó không thể bù đắp được những hạn chế, trong đó có những hạn chế ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả của Bách khoa toàn thư không thể đáp ứng mục tiêu đặt ra...
Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 28/7/2014 gồm 36 quyển (và 1 quyển sách dẫn) nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng một bộ sách phản ánh những tri thức cơ bản về đất nước, con người Việt Nam và thế giới. Đề án quy tụ hàng ngàn nhà khoa học trong 70 ngành khoa học thuộc các khối ngành xã hội và nhân văn, tự nhiên và công nghệ, nghệ thuật, quốc phòng, an ninh cùng chung tay xây dựng.
Như vậy, chủ thể được giao biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam thời kỳ này thuộc các nhà khoa học, giống như cách mà thế giới vẫn làm hàng ngàn năm nay.
Năm 2020, Đề án bước vào giai đoạn 2 với việc mời cộng đồng cùng tham gia biên soạn theo sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dựa trên ý tưởng chúng ta đang bước vào thời đại bùng nổ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, điều kiện công nghệ đã khác hoàn toàn bối cảnh ra đời của các bộ bách khoa toàn thư hiện đại trên thế giới vốn đã được hoàn thành cách đây nhiều thập kỷ.
Do vậy cần tận dụng được các lợi thế của khoa học công nghệ để huy động được nguồn lực khổng lồ từ cộng đồng, giảm bớt chi phí và có thể rút ngắn thời gian biên soạn. Khi đó, vai trò của các nhà khoa học hiện đang trực tiếp biên soạn có thể sẽ chuyển sang biên tập những mục từ được cộng đồng xây dựng thô. Hiện nay nền tảng bktt.vn đã sẵn sàng để cộng đồng tham gia biên soạn.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà cho biết: Dự kiến bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam biên soạn theo phương pháp truyền thống sẽ hoàn thành trong 10-15 năm tới; còn bộ Bách khoa toàn thư biên soạn theo hướng cộng đồng thì chưa xác định được.