Dân Việt

An toàn lao động giúp nâng giá trị sản phẩm

Nguyệt Tạ 30/11/2020 14:28 GMT+7
Năm 2020, Cục An toàn Lao động (Bộ LĐTBXH ) đã tổ chức khảo sát, tư vấn và thực hiện đánh giá tác động cho hàng trăm hộ dân làm xưởng gỗ ở các làng nghề trong cả nước. Trong số này có làng gỗ Vân Du (xã Vân Du, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ).

Các nguy cơ tai nạn thường thấy trong xưởng gỗ

Mới đây, Cục An toàn lao động (Bộ LĐTBXH) tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm triển khai áp dụng các hệ thống quản lý an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) phù hợp trong làng nghề chế biến gỗ" tại tỉnh Phú Thọ, sau nhiều tháng thực hành khảo sát, tư vấn thực hành cho làng nghề chế biến gỗ Vân Du (xã Vân Du, huyện Đoan Hùng).

Lao động Nguyễn Văn Hải - làm việc cho xưởng sản xuất đồ mỹ nghệ tại xã Vân Du cho biết, anh và nhiều lao động ít khi chú trọng tới vấn đề ATVSLĐ cũng như không đeo đồ bảo hộ. Vì thế, nhiều lao động gặp phải tai nạn lao động đáng tiếc như đứt tay, chân, mù mắt, ho, viêm phổi...

An toàn lao động giúp nâng giá trị sản phẩm  - Ảnh 1.

Cơ sở sản xuất của hộ anh Hà Văn Quân tại làng nghề mộc Vân Du (xã Vân Du, Đoan Hùng, Phú Thọ). Ảnh: Liên Linh

Làng nghề mộc Vân Du được UBND tỉnh công nhận từ năm 2011 với sản phẩm chính là mộc gia dụng. Trung bình mỗi năm làng nghề sản xuất và cung cấp ra thị trường trên 7.000 sản phẩm mộc gia dụng các loại như giường, tủ, bàn ghế… Tổng doanh thu làng nghề mỗi năm ước đạt trên 300 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 700 lao động với thu nhập bình quân từ 8 - 12 triệu đồng/người/tháng.

Do tính chất công việc làm tự do, những lúc đơn hàng nhiều, anh Hải cùng các lao động phải làm từ sáng sớm tới 9-10 giờ tối. Anh Hải cho biết, lương dù không cao hơn nhiều, nhưng vẫn phải làm vì công việc. Những lúc đó, nguy cơ mất ATLĐ lại càng cao.

"Nhiều máy bào, máy cưa, tiện có guồng quay cả nghìn vòng trên phút. Chỉ cần trục trặc hay lơ là chút là có thể xảy ra nguy cơ tai nạn, đứt tay đứt chân... thậm chí mù mắt" - anh Hải bày tỏ.

Bà Trần Thị Vân Thu - chuyên gia ATVSLĐ đã chia sẻ những điều gây mất an toàn lao động trong các xưởng gỗ. Bà Thu cho biết, tình trạng gỗ đặt ngổn ngang, tràn lan ở xưởng xảy ra phổ biến, ngay cạnh đó là các ổ điện, nếu xảy ra cháy nổ thì rất khó để lao động thoát thân.

"Ngoài ra, việc bố trí vị trí đặt các bình cứu hỏa cũng chưa hợp lý. Các bình cứu hỏa cần phải đặt ở nơi an toàn, dễ lấy. Các tiêu lệnh phòng chống chữa cháy phải được dán ở nơi dễ nhìn để lao động thường xuyên được nhắc nhở" - bà Vân Thu chia sẻ.

Lúc đầu mới khảo sát, chuyên gia trong đoàn thấy, hầu hết các máy móc sử dụng dây curoa không có thiết bị che chắn. Qua kiểm tra, tất cả các thiết bị có bộ phận chuyển động, máy cắt nguy hiểm đều không có bảo vệ. Thêm vào đó, hệ thống điện chưa an toàn, đường dây lùng nhùng, chạy lung tung. Hệ thống cách điện không được đảm bảo...

"Sau khi khảo sát, tư vấn, nhìn chung các xưởng gỗ đều có những cải thiện về ATVSLĐ. Nhiều xưởng gỗ làm được các giá để đồ bảo hộ lao động; máy được sắp xếp khoa học, cầu dao cũ, vỡ không an toàn được thay mới, nhà xưởng sạch sẽ hơn..." - bà Vân Thu cho hay.

Đảm bảo an toàn giúp tăng năng suất lao động

Ông Nguyễn Anh Thơ - Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động cho biết, trong bối cảnh hội nhập, các sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn vươn ra tầm quốc tế. Các đối tác nước ngoài rất coi trọng vấn đề môi trường lao động. Vì thế việc đảm bảo ATVSLĐ là cách để các sản phẩm được thị trường quốc tế chấp nhận. Mặt khác, việc đảm bảo ATVSLĐ còn giúp nâng cao chất lượng và năng suất lao động, từ đó tăng giá trị cho sản phẩm.

"Hiện nay lao động làng nghề khá trẻ, vì thế cơ hội tiếp cận các kiến thức ATVSLĐ khá tốt. Việc đảm bảo ATVSLĐ không chỉ đảm bảo an toàn cho bản thân, cho gia đình mà còn đảm bảo an toàn cho thế hệ con em - tương lai của đất nước. Nếu không tuân thủ đảm bảo ATVSLĐ thì sẽ không thể lao động, tương lai con em có thể không được đảm bảo. Vấn đề đảm bảo ANTVSLĐ không đơn giản chỉ là vấn đề thực hành tuân thủ pháp luật mà còn là vấn đề đạo đức" - ông Thơ nói.

Ông Thơ cũng cho biết, tại các xưởng gỗ sử dụng các loại sơn, ngâm tẩm, phun gỗ. Những loại sơn này tuy thơm, nhưng rất độc. Các loại chất này có thể làm cơ thể gây nhiễm độc, gây ra các bệnh ung thư.

Vừa qua Cục An toàn lao động đã hỗ trợ, cung cấp các sản phẩm đảm an toàn lao động. Ông Thơ khuyến cáo các lao động phải đeo bảo hộ lao động, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sử dụng máy móc. Bên cạnh đó, phải trang bị thêm các bảng chỉ dẫn đảm bảo an toàn trong nhà xưởng, ví dụ bảng biển chỉ dẫn: "Nơi nguy hiểm, cấm sờ" hoặc "đang sửa máy, không đóng điện"... Trước khi làm việc phải kiểm tra máy móc, xem máy móc nhà xưởng an toàn chưa. Nếu an toàn mới bắt đầu làm việc.

Về phía địa phương ông Trần Văn Luận - Chủ tịch UBND xã Vân Du thay mặt bà con nhân dân trong làng gỗ, cho biêt: "Rất may mắn vì xã Vân Du được Cục An toàn lao động về khảo sát, tư vấn, cung cấp trang thiết bị bảo hộ lao động. Nhờ đó mà nhận thức của bà con làm nghề về thực hành đảm bảo vấn đề ATVSLĐ trong làng nghề được nâng cao. Nguy cơ mất ATVSLĐ cũng vì thế mà được giảm đi nhiều".

Ông Lưu cũng cho biết, địa phương sẽ giám sát việc thực hành đảm bảo ATVSLĐ trong làng nghề, cố gắng để làng nghề thực hành thường xuyên, trở thành kỹ năng cho các lao động.