Dân Việt

TP HCM: Đáng mừng, 10 năm qua nhiều nông dân đã khoác áo doanh nhân nhờ được Quỹ này hỗ trợ, tiếp sức

Trần Đáng 02/12/2020 06:26 GMT+7
Mới đây, tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) TP HCM, giai đoạn 2011-2020”, Hội Nông dân TP HCM cho biết, nhiều nông dân trên địa bàn nhờ được "tiếp sức" bởi Quỹ Hỗ trợ nông dân mà đã trở thành doanh nhân.

Theo ông Đoàn Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP HCM, Trưởng Ban Quản lý Quỹ Hỗ trợ nông dân TP, qua 10 năm thực hiện Đề án, hiệu quả của Quỹ Hỗ trợ nông dân mang lại về chính trị, kinh tế, xã hội, thúc đẩy công tác xây dựng Hội, các phong trào nông dân khá rõ nét. 

Nhiều nông dân giỏi của TP HCM sử dụng vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân hiệu quả đã mở rộng sản xuất, thành lập công ty, doanh nghiệp. Trong số đó, có nhiều doanh nghiệp, công ty của nông dân hoạt động sản xuất hiệu quả nhờ ứng dụng công nghệ cao.

Trở thành doanh nhân nhờ Quỹ Hỗ trợ nông dân - Ảnh 1.

Anh Bùi Công Đức và gian hàng giới thiệu nấm rơm được trồng với sự hỗ trợ của công nghệ cao.

Từ nông dân vươn lên thành doanh nhân

Sau mấy năm "lên bờ xuống ruộng", giờ anh Bùi Công Đức xem như khá thành công với mô hình trồng nấm rơm. Thậm chí, anh Đức đã thành lập Công ty TNHH DUCSACO (trụ sở tại quận Thủ Đức, TP HCM) để chuyên tâm sản xuất và kinh doanh loại nấm rơm này. 

Theo anh Đức, sau khi "trắng tay" với số vốn ít ỏi ngay từ đầu khi bắt tay vào trồng nấm rơm, không thoái chí, thông qua Hội Nông dân, anh đã tìm đến Quỹ Hỗ trợ nông dân quận Thủ Đức để vay vốn. 

Nhờ thêm bạn bè, người thân giúp vốn, anh Đức có được số vốn 50 triệu đồng để bắt đầu lại hành trình trồng nấm rơm đặc sản. 

"Mỗi ngày tôi vượt gần 50km để đến Khu nông nghiệp công nghệ cao TP HCM (huyện Củ Chi) và Viện công nghệ sinh học và môi trường (thuộc Trường Đại học Nông lâm TP HCM) nhờ tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật trồng nấm rơm", anh Đức thổ lộ.

Sau khi được hỗ trợ từ các chuyên gia nông nghiệp công nghệ cao, anh Đức đã thành công với mô hình trồng nấm rơm trong nhà theo hướng hữu cơ, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. 

Cứ theo thời gian anh phát triển và lắp thêm thiết bị cảm biến và tưới tự động để việc quản lý chăm sóc nấm rơm được thuận tiện. Việc làm này giúp giảm công lao động trong trại trồng nấm. Hiện, sản phẩm nấm rơm tươi của anh Đức được khách hàng khá ưa chuộng.

Tại xã Nhơn Đức (huyện Nhà Bè) gần đây xuất hiện Hợp tác xã Thương mại-Dịch vụ (HTX TM-DV) Nhơn Đức. Giám đốc HTX này là ông Trần Văn Tấn, một nông dân cũng đi lên nhờ sự tiếp sức của vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân của Hội Nông dân. 

Ông Tấn cho biết, năm 2019, ông vay 100 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện Nhà Bè để mở trang trại trồng nấm mối rộng 1.500m2. Từ cơ ngơi sản xuất này, ông Tấn đưa ra thị trường mỗi ngày hàng chục kg nấm mối đặc sản theo hướng hữu cơ. 

"Năm rồi, nấm mối được mùa, được giá. Hiện, mỗi ngày tôi đưa ra thị trường hàng chục kg nấm mối tươi nhưng vẫn không đủ hàng cung cấp", ông Tấn cho biết. 

Theo ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhơn Đức (huyện Nhà Bè, TP HCM), ông Tấn đang có kế hoạch mở rộng diện tích trang trại trồng nấm mối lên 3.000m2. "Ông Tấn đang rất thành công với cây nấm mối, một điển hình thành công từ vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân", ông Hùng chia sẻ.

Trở thành doanh nhân nhờ Quỹ Hỗ trợ nông dân - Ảnh 2.

Nhờ phần vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân TP HCM, ông Trần Văn Tấn (huyện Nhà Bè) đã xây dựng được trang trại trồng nấm mối đặc sản.

Quỹ Hỗ trợ nông dân: Đáp ứng tốt nhu cầu vay vốn của nông dân

Theo Hội Nông dân TP HCM, qua 10 năm thực hiện Đề án "Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân TP HCM, giai đoạn 2011-2020", doanh số cho vay là hơn 859 tỷ đồng/38.804 lượt hộ vay thực hiện 5.627 dự án.

Ông Đoàn Văn Thanh cho biết, hàng năm Ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân TP HCM xây dựng kế hoạch tài chính năm, tuyên truyền tập huấn, kiểm tra nghiệp vụ Quỹ HTND ở huyện, quận và cơ sở để công tác quản lý nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân ngày càng chặt chẽ hơn. 

Căn cứ vào nhu cầu vay vốn thực tế của hội viên nông dân, Ban Thường vụ Hội Nông dân TP HCM đề xuất UBND TP HCM ủy thác bổ sung nguồn vốn cho Quỹ Hỗ trợ nông dân thông qua Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP (HFIC). 

"Được sự chấp thuận của UBND TP HCM về thực hiện Đề án "Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân TP.HCM, giai đoạn 2016 – 2020" và chủ trương bổ sung nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân TP, từ năm 2011 đến nay, Ban Thường vụ Hội Nông dân TP HCM đã nhận ủy thác từ Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TP là 140 tỷ đồng. Nguồn vốn này để bổ sung vào nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, đáp ứng tương đối tốt nhu cầu vay vốn của hội viên nông dân trên địa bàn TP", ông Thanh thông tin.

Theo ông Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng Ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân thuộc Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, điểm ấn tượng của Hội Nông dân TP HCM trong hoạt động cung ứng vốn hỗ trợ nông dân là sự chủ động, tích cực.

Hội đã chủ động trong việc tham mưu với cấp ủy, phối hợp với chính quyền thực hiện ủy thác ngân sách hàng năm của TP cho Quỹ Hỗ trợ nông dân cùng cấp theo Kết luận số 61/2009 của Ban Bí thư và Quyết định số 673/2011 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp của TP HCM đến nay đạt hơn 154 tỷ đồng, gấp 2 lần so với trước khi thực hiện Đề án Đổi mới hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân. "Đây là một trong những địa phương đứng đầu của cả nước trong việc phát triển nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân. Một trong số ít các tỉnh, thành phố luôn đạt và vượt chỉ tiêu Trung ương giao", ông Nguyễn Xuân Thắng đánh giá.

Trở thành doanh nhân nhờ Quỹ Hỗ trợ nông dân - Ảnh 3.

Trong khuôn khổ hội nghị, Ban Thường vụ Hội Nông dân TP HCM đã tuyên dương, khen thưởng những nông dân điển hình trong việc sử dụng hiệu quả Quỹ Hỗ trợ nông dân ở TP HCM.

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Thắng, nhờ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân dồi dào này, Hội Nông dân TP HCM đã giúp hàng chục ngàn hội viên, nông dân có vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và làm giàu chính đáng. 

Đặc biệt, nhờ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân dồi dào mà nhiều nông dân được tiếp cận vốn Quỹ đã vươn lên trong lao động, sản xuất, mạnh dạnh áp dụng công nghệ cao, tạo nhiều việc làm, góp phần phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp thông minh và trở thành những doanh nhân nông dân thành đạt...