Dân Việt

Vì sao hải ly phải đắp đập, ngăn dòng chảy?

PV 02/12/2020 12:33 GMT+7
Gia đình hải ly thường xây nhà có hai cửa ra vào, một trong hai cửa ấy nằm chìm dưới nước. Và để chắc chắn rằng nước luôn ở đúng mức đó, những con hải ly đã xây một hoặc nhiều đập chắn trên dòng sông, quy hoạch thành 'hồ nước nhân tạo' có lợi cho chúng.

Hải ly là một loài động vật kỳ dị, phân bố chủ yếu ở những vùng thuộc Liên Xô cũ, Bắc Mỹ, biên giới Tân Cương và Nội Mông (Trung Quốc). Cái đầu của hải ly to bè, khuôn mặt phẳng, hình dạng kỳ lạ, miệng thì mọc ra những cái răng cửa nhọn sắc, có thể cắt đứt được những cây gỗ to và các vật dụng cứng.

Vì sao hải ly phải đắp đập, ngăn dòng chảy? - Ảnh 1.

Những cái đập do hải ly xây dựng thường rất chắc chắn.

Hải ly là loài thú sống lưỡng cư (cả dưới nước và trên cạn). Chúng làm tổ ven bờ. Từ xa đứng nhìn sẽ thấy những nóc "nhà" hình tròn, vách tường dày khoảng 0,7 m, được đắp rất kiên cố. Mỗi căn nhà như thế có hai cửa, một cái thông lên mặt đất, một cái phải đi qua một đường hầm mở ra dưới mặt nước. Như thế sẽ rất thuận lợi cho cuộc sống lưỡng cư của hải ly.

Mỗi "ngôi nhà nhỏ" của hải ly lại chia ra làm hai tầng: Tầng trên khô ráo, là nơi ở của đại gia đình, tầng dưới ở trong nước, dùng để làm kho, xếp một ít lương thực, vỏ cây hoặc mẩu gỗ. Tầng dưới này thông ra một cái cửa nằm sâu dưới mặt nước 1 m, đề phòng khi nước đóng băng thì cửa hang cũng không bị lấp kín, hoặc khi khô hạn, cái cửa vẫn mở ra ở dưới mặt nước.

Ở những nơi gần sông nước chảy lưu thông, hải ly xây mấy cái đập kiên cố, để khống chế mực nước mà chúng cần. Nguyên liệu đắp đập là cành cây và sỏi đá. Ở những chỗ có kẽ hở, hải ly dùng đuôi đập nát đất bùn rồi trát kín. Chúng không ngừng sửa chữa và củng cố những đập chắn của mình, nên những chiếc đập này thường rất kiên cố, đến mức 5 - 6 người có thể cùng lúc đi qua mà không bị sập. Đôi khi, những đập chắn của hải ly còn dài tới hơn 100 mét.