Dân Việt

Đọc sách cùng bạn: Tờ báo và áo dài

Phạm Xuân Nguyên 04/12/2020 08:00 GMT+7
Chào bạn, ta gặp lại nhau. Hôm nay tôi mời bạn đọc cuốn biên khảo "Áo dài Lemur và bối cảnh Phong Hoá & Ngày nay" của tác giả Phạm Thảo Nguyên.
Đọc sách cùng bạn: Tờ báo và áo dài - Ảnh 1.

Đọc cuốn sách này bạn sẽ biết được người đã sáng tạo nên chiếc áo dài mà hiện nay đã trở thành thương hiệu và mỹ hiệu của người phụ nữ Việt Nam. Đó là họa sĩ Nguyễn Cát Tường (1912 - 1946). Hai chữ "cát tường" là tốt lành. Nhưng người hoạ sĩ tốt nghiệp khoá 4 (1928 - 1933) trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã tinh nghịch dùng tiếng tây "Le Mur" nghĩa là "bức tường" làm tên hiệu của mình. Từ đó Lemur Cát Tường tên ông thành tên gọi kiểu áo dài do ông vẽ kiểu dạy may và dùng hai tờ báo "Phong Hoá", "Ngày nay" của nhóm "Tự Lực Văn Đoàn" phát động hô hào nữ giới nước Nam thực hành và ăn vận.

ÁO DÀI LEMUR VÀ BỐI CẢNH PHONG & HOÁ NGÀY NAY

Tác giả: Phạm Thảo Nguyên

Khai Tâm & Nhà xuất bản Hồng Đức, 2019

Số trang: 263

Số lượng: 1000 cuốn

Giá bán: 135.000 đồng

Nhà văn Nhất Linh, ông chủ bút báo "Phong Hoá" đã mời người hoạ sĩ trẻ 22 tuổi mới ra trường phụ trách mục "Vẻ đẹp riêng tặng các bà các cô" khai trương trên số báo xuân ra ngày 11/2/1934. Trong bài viết mở mục, hoạ sĩ Cát Tường đã khẳng định: "Ưa thích sự đẹp là tính thường của người ta. Phái đẹp được cái ân riêng của tạo hoá cho vẻ đẹp và tính dịu dàng nên có tính ưa trang điểm. Trang điểm để mình đẹp thêm, cho đẹp lòng trời, lòng người, là biết tự quý mình, trọng người. Giá trị và hạnh phúc của phụ nữ là ở sự trang điểm và làm đẹp" (tr. 13-14). 

Liên tục ở những số báo sau ông nêu ra quan điểm của mình về vẻ đẹp của người phụ nữ nước Nam và đề xuất những cải tiến về áo quần cho chị em. Theo ông "các bạn là phụ nữ Việt Nam, vậy áo của các bạn phải có một vẻ riêng để người khác khỏi nhầm các bạn với phụ nữ nước ngoài, như nước Tàu, nước Pháp, nước Nhật Bản chẳng hạn" (tr. 14). Chiếc áo dài mang tên ông chính là một sản phẩm sáng tạo nghệ thuật ông tặng cho chị em để tạo nên vẻ riêng của nữ giới Việt Nam. Hành trình ra đời và chiến thắng của áo dài Lemur Cát Tường đã được tác giả thuật lại chi tiết ngắn gọn cùng với những hình chụp các số báo, các hình vẽ. 

Sự cải cách y phục này không đơn thuần là chuyện cái áo cái quần. Nó là sự mở đầu cho một đường hướng xa hơn của Nhất Linh và nhóm Tự Lực Văn Đoàn như đã được Việt Sinh (tức nhà văn Thạch Lam) nói trong bài viết đăng ở tờ Ngày Nay số 1 (30/1/1935): "Vật chất thường bao giờ cũng đi trước tinh thần; sự cải cách về y phục nên và phải đi trước sự cải cách về tính tình và tư tưởng của phụ nữ. Sự cải cách này giúp và cần yếu cho sự cải cách kia" (tr. 12). Bên những việc về chiếc áo Lemur, tác giả còn viết chuyện hỏi vợ của người hoạ sĩ trẻ trai để bạn đọc hiểu thêm cuộc đời ông và hoàn cảnh xã hội thời ông.

Phần hai cuốn sách tác giả dành nói về nhóm Tự Lực Văn Đoàn và hai tờ báo của họ. Tác giả Phạm Thảo Nguyên (tên thật Phạm Thị Thảo) là con dâu nhà thơ Thế Lữ, 1 trong 6 người sáng lập Tự Lực Văn Đoàn, nên phần viết của bà về văn đoàn này ngoài độ tin cậy của người nghiên cứu, còn có cảm xúc của người trong gia đình. Bà đã khái quát vai trò canh tân văn hoá xã hội Việt Nam thời 1930 - 1945 của hai tờ báo do Tự Lực Văn Đoàn lập ra, đã lược lại lịch sử kịch nói thời kỳ này. Nhờ bà ta biết được những điều chưa nói về Tự Lực Văn Đoàn, biết được gốc gác của Lý Toét, Xã Xệ, hai hình tượng hý hoạ nổi tiếng trên "Phong Hoá" và "Ngày Nay" đem lại tiếng cười châm biếm đả kích khoái trá và sâu cay vào các hủ tục phong kiến làng quê. Bà cho ta biết cuộc sống của vợ chồng nhà thơ Thế Lữ, bố mẹ chồng mình, với những buồn vui thời thế.

Phần ba cuốn sách (tr. 171 - 261) là ảnh chụp một số tranh vẽ của hoạ sĩ Lemur Cát Tường và những hoạ sĩ nổi tiếng cùng thời ông như Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Đỗ Cung, Tô Ngọc Vân in trên "Phong Hoá" và "Ngày nay". Cùng với các bài viết sắc sảo, hóm hỉnh, sâu cay, những bức hoạ trên hai tờ báo đó đã là một thứ vũ khí lợi hại của Tự Lực Văn Đoàn trong công cuộc phá cũ xây mới do họ phát động và tiến hành thông qua con đường báo chí.

Cuốn sách của Phạm Thảo Nguyên quả thực là một sự tìm về Cái Đẹp tưởng đã bị chìm trong quên lãng và lâu nay bị người đời nhìn còn phiến diện, lệch lạc. Đây không chỉ là chuyện một tà áo dài và hai tờ báo giấy. Phạm Thảo Nguyên đã cho người đọc thấy ở sau cái đó là những con người. Những con người muốn dùng báo chí, văn chương nghệ thuật truyền bá những tư tưởng mới để mở mang trí óc cho người dân, từ đó thực hiện sự cải cách xã hội sâu rộng. Tự Lực Văn Đoàn và hai tờ báo của nó đã trở thành một phần của lịch sử tư tưởng và văn hoá Việt Nam. Và những người làm nên hiện tượng lịch sử đó cần phải được nhìn nhận và đánh giá đúng vai trò, giá trị lịch sử của họ. Tác giả Phạm Thảo Nguyên chắc cũng nghĩ vậy nên dù là một giáo sư Toán nhưng bà vẫn muốn góp phần soi tỏ lịch sử cho Tự Lực Văn Đoàn. Bà là một trong những người đã tham gia sưu tầm và số hoá đầy đủ hai bộ báo "Phong Hoá" và "Ngày nay". Và cùng với những bài viết của mình, bà đã góp phần làm sáng tỏ hiện tượng Tự Lực Văn Đoàn. Cuốn sách này của bà đã được tái bản lần 1 và đó là bản tôi giới thiệu đây cùng bạn.

Hẹn bạn lần tới với một cuốn sách mới khác.

Vinh 3/12/2020