Nghị định 130/2020/NĐ-CP về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị được Chính phủ ban hành vào ngày 30/10/2020.
Nghị định 130 có hiệu lực từ ngày 20/12/2020.
Theo Nghị định này, kê khai tài sản, thu nhập là việc ghi rõ ràng, đầy đủ, chính xác các loại tài sản, thu nhập, biến động tài sản, thu nhập phải kê khai, nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm.
Điều 10 Nghị định 130 quy định rõ về người có nghĩa vụ kê khai tài sản hàng năm. Theo đó sẽ có 3 đối tượng phải kê khai tài sản.
Thứ nhất, các ngạch công chức và chức danh: Chấp hành viên, Điều tra viên, Kế toán viên, Kiểm lâm viên, Kiểm sát viên, Kiểm soát viên ngân hàng, Kiểm soát viên thị trường, Kiểm toán viên, Kiểm tra viên của Đảng, Kiểm tra viên hải quan, Kiểm tra viên thuế, Thanh tra viên, Thẩm phán.
Thứ 2, những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên làm việc thuộc nhiều lĩnh vực như: Thủ quỹ, kế toán, Đấu thầu, Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, Quản lý thị trường…
Thứ 3, người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Những người phải kê khai tài sản sẽ thực hiện việc kê khai theo Mẫu bản kê khai tài sản, thu nhập ban hành kèm theo Nghị định này.
Nguyên tắc kiểm soát tài sản, thu nhập là phải bảo đảm minh bạch, khách quan, công bằng; được thực hiện đúng thẩm quyền, đúng đối tượng, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; không xâm phạm quyền tài sản của người có nghĩa vụ kê khai.
Mọi vi phạm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc kiểm soát tài sản, thu nhập phải được xử lý nghiêm minh, kịp thời theo quy định của pháp luật.
Điều 20 Nghị định 130 nêu rõ, người có nghĩa vụ kê khai mà tẩu tán, che dấu tài sản, thu nhập, cản trở hoạt động kiểm soát tài sản, thu nhập, không nộp bản kê khai sau 02 lần được đôn đốc bằng văn bản thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý bằng một trong các hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, bãi nhiệm, buộc thôi việc, giáng cấp bậc quân hàm, giáng cấp bậc hàm.
Đặc biệt, người có nghĩa vụ kê khai mà kê khai không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý theo quy định tại Điều 51 của Luật Phòng, chống tham nhũng.
Nghĩa là, người có nghĩa vụ kê khai mà kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc hoặc bãi nhiệm; nếu được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý thì còn bị đưa ra khỏi danh sách quy hoạch; trường hợp xin thôi làm nhiệm vụ, từ chức, miễn nhiệm thì có thể xem xét không kỷ luật.