Dân Việt

Tổng thống Mỹ Nixon từng đe dọa Việt Nam bằng hạt nhân ra sao?

T.H 04/12/2020 18:32 GMT+7
Tháng 10/1969, Tổng thống Mỹ ra lệnh báo động hạt nhân trên toàn cầu nhằm dồn Liên Xô đến bước ép Bắc Việt Nam nhượng bộ trên bàn đàm phán Paris. Nhưng chiến thuật không thành công, bởi Matxcơva dường như làm ngơ.

Có thể Liên Xô không quan tâm, hoặc không có ảnh hưởng mạnh với Việt Nam như Nixon tưởng, hoặc cũng giống như cả thế giới lúc bấy giờ, hầu như không biết đến lệnh báo động.

Mục đích của báo động được giữ bí mật đến mức ngay cả những viên tướng thực hiện nó cũng không hay biết. Xảo thuật này nằm trong cái mà cựu tổng thống Nixon gọi là chiến lược “người điên” đưa ra năm 1969: tăng cường sức ép quân sự với Bắc Việt bằng những lực lượng can thiệp bất ngờ, đẩy Hà Nội đến chỗ nhượng bộ ở Paris, chấp thuận sự tồn tại của chính quyền Nam Việt Nam thân Mỹ.

Tổng thống Mỹ Nixon từng đe dọa Việt Nam bằng hạt nhân ra sao? - Ảnh 1.

Cựu Tổng thống Mỹ Richard Nixon.

Trong số những tài liệu được Kho lưu trữ An ninh Quốc gia Mỹ tiết lộ cách đây ít năm, có một văn bản gửi Cố vấn An ninh Quốc gia Henry Kissinger, từ một trợ tá của ông này là tướng Alexander Haig. Nó mô tả kế hoạch tỏ những dấu hiệu cho thấy “ý định của Mỹ leo thang các chiến dịch quân sự ở Việt Nam trong bối cảnh đối phương (tức Hà Nội) không khoan nhượng trên bàn đàm phán ở Paris”.

Một trong số những “dấu hiệu” ở văn bản đề ngày 2/3 của Haig được gạch đậm: ném bom những căn cứ của đối phương ở Campuchia. Ngày 17/3, Nixon phát động một chiến dịch oanh kích dữ dội nhằm vào các cơ sở của Bắc Việt ở nước láng giềng.

Bất chấp sức ép đó, các cuộc thảo luận ở Paris vẫn bế tắc, và Nixon bắt đầu nghiền ngẫm chiến thuật báo động hạt nhân mùa hè năm 1969.

Bức điện tín ngày 19/10 của tướng Earle Wheeler, chủ tịch Hội đồng tham mưu quân đội Mỹ, gửi các sĩ quan thuộc quyền, ra lệnh thực hiện “một loạt hành động trong giai đoạn từ 13 đến 25/10, nhằm kiểm tra khả năng sẵn sàng của quân đội ở một số khu vực trên thế giới, ứng phó với nguy cơ đối đầu quân sự với Liên Xô. Những hành động này cần để Liên Xô biết, nhưng không hàm ý đe dọa họ”.

Ông Wheeler yêu cầu các phi đội mặt đất ở những khu vực nhất định kiểm tra sự chuẩn bị, định kỳ chặn thu tín hiệu và tăng cường giám sát hoạt động của các tàu Liên Xô. Đó là những đường nét vẽ lên bức tranh xung đột hạt nhân, mà người Mỹ biết là Matxcơva không thể bỏ qua. Một tài liệu khác sau đó còn cho biết tham mưu trưởng ra lệnh nâng cao mức báo động đối với bộ binh.

Lệnh báo động áp dụng không chỉ có hiệu lực ở khu vực Đông Nam Á, mà với cả lực lượng Mỹ ở Trung Đông và châu Âu. Các viên tư lệnh cũng không biết mục đích của nó. Wheeler chỉ nói với họ rằng “chúng ta phục tùng sự chỉ huy của cấp trên”, ám chỉ những mệnh lệnh trực tiếp của Nixon.

Trong nhật ký ngày 17/10, tham mưu trưởng H.R. Haldeman viết: “Kissinger có mọi sự lựa chọn các hành động ‘ra dấu hiệu’ trên toàn cầu nhằm đánh đòn cân não Liên Xô và Bắc Việt Nam”.

Bằng cách giữ bí mật mục đích của kế hoạch này trong phạm vi một số cố vấn an ninh, chiến thuật của Nixon đã làm lan rộng thái độ hoảng loạn và phản đối trong dân chúng. Nhưng kết quả cuối cùng lại là "gậy ông đập lưng ông”.

Theo một báo cáo đăng trên tờ Tin khoa học hạt nhân số tháng 1/2003, nói về lệnh báo động hạt nhân nói trên, đại sứ Liên Xô tại Mỹ lúc bấy giờ, ông Anatoly Dobrynin, tỏ ra không biết gì - hoặc không thèm quan tâm - đến chiến thuật của tổng thống Mỹ Nixon. Người đứng đầu Nhà Trắng thậm chí còn đưa vấn đề Việt Nam vào các cuộc thảo luận giải trừ vũ khí và Trung Đông.

Liên Xô không bằng lòng với cách Mỹ dùng những phương tiện không liên quan trực tiếp đến cuộc chiến ở Việt Nam để buộc Matxcơva gây áp lực với Hà Nội. Lý do có thể là ảnh hưởng của nước này có thể bị thay đổi nếu họ có ý định gây sức ép với Bắc Việt, bởi trong tam giác Xô - Việt - Trung, hai nước lớn vẫn được Hà Nội sử dụng làm đối trọng lẫn nhau.