Trầm cảm vì không sinh được con trai
Chị Nguyễn Thị Lan (34 tuổi, Bắc Giang) đã có 3 đứa con gái. Gia đình chồng luôn lấy lý do chồng chị là trưởng họ và yêu cầu chị phải đẻ bằng được đứa con trai để nối dõi tông đường, thờ phụng tổ tiên. Do đó, từ khi cưới về, suốt 10 năm nay chị chỉ ăn và mang thai. Trong 7 năm đầu, chị sinh liền 3 đứa con gái. Gia đình chồng vô cùng thất vọng. Vì thế, chị lại nỗ lực mang thai. Lần nào, chị đều lén lút đi siêu âm ở tháng thứ 3, thấy giới tính thai là nữ là bỏ.
Theo bà Hà Thị Quỳnh Anh, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc đang hỗ trợ T.Ư Hội NDVN và nhiều tổ chức xã hội khác triển khai thí điểm chương trình "Người cha trách nhiệm" nhằm thu hút sự tham gia của nam giới trẻ, lần đầu làm cha, tham gia các câu lạc bộ sinh hoạt hàng tháng và cùng cam kết thực hiện các hành vi bình đẳng giới, tôn trọng quyền của phụ nữ và trẻ em".
Nhưng chị đã mang thai thêm 4 lần nhưng cả 4 lần đều không được như ý. Đến lần thứ 4 này, bác sĩ tuyên bố, nếu chị tiếp tục phá thai có thể nguy hiểm đến tính mạng cả mẹ lẫn con. Chị lo lắng không dám phá thai, tuy nhiên, chị chịu sự lườm nguýt ghét bỏ của cả chồng và gia đình nhà chồng. Mẹ chồng chị còn bóng gió nói sẽ cho chồng chị đi kiếm con trai ở phụ nữ khác. Chị cảm thấy u uất, muốn đấm đánh con trong bụng... Những câu chuyện như của chị Lan không hiếm khi tình trạng trọng nam khinh nữ vẫn đè nặng lên nhiều gia đình.
Theo báo cáo của Tổng cục DS- KHHGĐ, tỷ số giới tính khi sinh luôn ở mức cao và lan rộng từ năm 2006 đến nay. Năm 2019, tỷ số giới tính khi sinh ở thành thị là 110,8 bé trai/100 bé gái và nông thôn là 111,8/100 bé gái. Một số tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh cao trên 120 bé trai/100 bé gái.
Áp lực phải sinh con trai khiến nhiều phụ nữ đã lựa chọn giới tính thai nhi, dẫn đến phá thai nhiều lần, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe...
Đàn ông thiếu vợ, phụ nữ bị bạo lực nhiều hơn
Bà Hà Thị Quỳnh Anh - chuyên gia của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc UNFPA về giới và nhân quyền nhận định, những định kiến giới, tâm lý yêu thích con trai hơn con gái khiến cho nhiều trẻ em gái không được sinh ra. Theo báo cáo dân số thế giới năm 2020, mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 40.800 trẻ em gái không được sinh ra. Con số này được tính dựa trên sự khác biệt giữa con số ước tính trẻ em gái phải được sinh ra theo quy luật tự nhiên và số trẻ em gái thực tế được sinh ra trong một năm.
Trọng nam khinh nữ cũng khoét sâu bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em gái. Khi tình trạng mất cân bằng giới tính nghiêm trọng và kéo dài, nam giới thiếu vợ và bạn tình, điều này dẫn đến nguy cơ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực và xâm hại tình dục nhiều hơn. Những vấn đề nêu trên ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ em gái.
Theo bà Quỳnh Anh, để thay đổi tư tưởng trọng nam khinh nữ như hiện nay đòi hỏi sự nỗ lực của từng cá nhân, gia đình, cộng đồng và cả hệ thống. Để thay đổi chuẩn mực xã hội về giới cần đẩy mạnh truyền thông thay đổi hành vi, xóa bỏ các định kiến giới và xây dựng các chuẩn mực mới về giới như xây dựng các hình mẫu nam tính và nữ tính tích cực. Ví dụ như nam giới sẵn sàng chia sẻ công việc nhà với phụ nữ; phụ nữ có thể làm những công việc trước đây thường được nghĩ chỉ có nam giới mới làm được như: Phi hành gia, phi công, lãnh đạo quốc gia...
Đồng thời, xây dựng những chuẩn mực về giới mới ở trong gia đình: Con cái sinh ra có thể mang họ mẹ, con gái có thể thờ cúng tổ tiên, đứng ra tổ chức tang lễ cho bố mẹ; thúc đẩy thực hiện chính sách pháp luật như cả vợ và chồng cùng đứng tên trên sổ đỏ, con trai con gái cùng có quyền thừa kế như nhau...; tăng cường vị thế trong gia đình và xã hội thông qua thúc đẩy bình đẳng giới; tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào chính trị, đảm bảo tuổi nghỉ hưu giống nhau cho cả nam và nữ.