Ngày 3/12, đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó giám đốc Công an TP.HCM, chủ trì họp báo công bố khởi tố vụ án Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo Điều 240 BLHS 2015.
Bệnh nhân 1342 đã vi phạm nghiêm trọng quy định tại khu cách ly riêng của Vietnam Airlines, sau đó tiếp tục vi phạm quy định cách ly khi được cho về nhà.
Cơ quan chức năng xác định, bệnh nhân 1342 từ Nhật Bản nhập cảnh về Việt Nam hôm 14/11, lưu tại khu cách ly do Vietnam Airlines quản lý ở số 115 Hồng Hà, phường 2, quận Tân Bình, từ ngày 14 đến 18/11.
Theo quy định, những thành viên thuộc từng tổ bay khi về nước phải cách ly, không được tiếp xúc với nhau. Tuy nhiên, nam tiếp viên này đã đi sang khu cách ly khác, sau đó bị nhiễm bệnh từ một bệnh nhân thuộc một tổ bay về từ Rumani.
Sau khi xét nghiệm hai lần kết quả âm tính, tiếp viên này về cách ly tại nhà trọ ở đường Bạch Đằng, phường 2, quận Tân Bình. Anh này không tuân thủ quy định, tiếp xúc gần với nam giáo viên 32 tuổi của trung tâm Anh ngữ Key English, gặp mẹ (ngụ huyện Hóc Môn), 1 người phụ nữ (trú Bình Thạnh) và bạn nam (ở quận 6)...
Ngày 28/11, tiếp viên này xét nghiệm dương tính. Ba người tiếp xúc với tiếp viên được cách ly và xét nghiệm, kết quả giáo viên tiếng Anh nhiễm Covid-19, là bệnh nhân 1347.
Bệnh nhân 1347 cũng khiến hai trường hợp ở quận 6 nhiễm Covid-19 là bé trai một tuổi (BN 1348) và nữ học viên Trung tâm Anh ngữ Key English, 28 tuổi (BN 1349).
Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn Luât sư Tp Hà Nội cho biết, sau khi khởi tố vụ án hình sự, Cơ quan điều tra sẽ điều tra toàn diện, khách quan, cá thể hóa trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan.
Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra sẽ làm rõ ý thức, động cơ, mục đích của cá nhân, tổ chức để làm rõ hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân có liên quan và có thể ra quyết định khởi tố bị can khi đủ căn cứ.
"Trường hợp khởi tố bị can, theo quy định tại điều 109 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội hoặc để bảo đảm thi hành án thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong phạm vi thẩm quyền của mình có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn như giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh.
Thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú không quá thời hạn điều tra, truy tố hoặc xét xử theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Người ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú phải thông báo về việc áp dụng biện pháp này cho chính quyền xã, phường, thị trấn nơi bị can, bị cáo cư trú, đơn vị quân đội đang quản lý bị can, bị cáo và giao bị can, bị cáo cho chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc đơn vị quân đội đó để quản lý, theo dõi họ", luật sư Cường nói.
Cũng theo vị luật sư, nếu bị can, bị cáo vi phạm nghĩa vụ cam đoan thì chính quyền xã, phường, thị trấn nơi bị can, bị cáo cư trú, đơn vị quân đội đang quản lý bị can, bị cáo phải báo ngay cho cơ quan đã ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú biết để xử lý theo thẩm quyền.
Ngoài ra một số trường hợp phạm tội nghiêm trọng, ít nghiêm trọng mà có vi phạm khi được áp dụng biện pháp ngăn chặn khác hoặc không có nơi cư trú rõ ràng, bỏ trốn, có dấu hiệu tiếp tục phạm tội thì có thể bị áp dụng biện pháp tạm giam.
"Trường hợp nam tiếp viên hàng không bị khởi tố bị can về hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo quy định tại khoản 1 Điều 240 BLHS 2015 thì có thể được áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú và tạm hoãn xuất cảnh theo quy định tại điều 123, 124 BLTTHS 2015.
Trường hợp người này bị khởi tố bị can theo quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 điều 240 BLHS 2015 thì có thể được áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh hoặc có thể bị áp dụng biện pháp tạm giam nếu cơ quan điều tra xét thấy cần thiết và phù hợp quy định pháp luật.
Điều 240 Bộ luật Hình sự quy định về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người với 3 khung hình phạt.
Theo đó hành vi làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Trong trường hợp dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc làm chết người thì người phạm tội có thể bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm.
Trường hợp phạm tội dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ hoặc làm chết 2 người trở lên thì có thể bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.