Dịch bệnh diễn biến phức tạp
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhận định, hiện nay tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục bùng phát; bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như bệnh MERS-CoV và một số bệnh lưu hành như bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, bạch hầu vẫn gia tăng tại nhiều quốc gia; các chủng cúm gia cầm độc lực cao vẫn có nguy cơ bùng phát và xâm nhập vào nước ta.
Trong gần 90 ngày qua, Việt Nam đã làm tốt công tác phòng chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, chỉ vì nam tiếp viên của Vietnam Airline lơ là, không tuân thủ tốt các quy định khi đang cách ly khiến cho TP.HCM lại có 3 ca mắc tại cộng đồng trong ngày 30/11 vừa qua. "Điều này cho thấy, chúng ta chỉ lơi lỏng phòng dịch là dịch có thể có nguy cơ quay trở lại Việt Nam" - Thứ trưởng Tuyên nhận định.
Ông Phạm Hùng - Trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế cho biết, mùa đông - xuân, những bệnh thường gặp chủ yếu là các bệnh lây qua đường hô hấp. Các bệnh thường gặp lây qua đường hô hấp như cúm mùa, sởi, ho gà, bạch hầu, cúm gia cầm... Hầu hết các bệnh đã có vaccine phòng bệnh, vì vậy, người dân nên cho con em mình đi tiêm phòng để ngăn chặn bệnh. Riêng với cúm mùa nên đi tiêm từng năm để phòng cúm.
Theo ông Tuyên, dự báo trong những tháng mùa đông - xuân cuối năm 2020, đầu năm 2021, tình hình dịch bệnh có nguy cơ cao tiếp tục diễn biến phức tạp khi Covid-19 chưa có vaccine dự phòng. Đồng thời, thời tiết mùa đông - xuân cũng có nhiều yếu tố bất lợi (hiện vẫn đang trong mùa mưa khu vực miền Nam, thời tiết lạnh ẩm khu vực miền Bắc, ngập lụt khu vực miền Trung, thay đổi bất thường về khí hậu…) tạo điều kiện rất thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm bùng phát, đặc biệt là các bệnh như: Sởi, rubella, bạch hầu, ho gà, sốt xuất huyết, tay chân miệng...
Theo Bộ Y tế, trong 10 tháng năm 2020, cả nước ghi nhận 3.031 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 247 trường hợp dương tính với sởi; 103.050 trường hợp mắc sốt xuất huyết (15 ca tử vong); 449 trường hợp viêm màng não do vius (10 ca tử vong); 208 trường hợp dương tính với bạch hầu (5 ca tử vong)… So với cùng kỳ năm 2019, số ca mắc và tử vong của hầu hết dịch bệnh truyền nhiễm đều có xu hướng giảm.
Tuy nhiên, ông Đặng Quang Tấn - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhận định, dù đa số bệnh truyền nhiễm lưu hành có xu hướng giảm nhưng vẫn có số ca mắc cao, gia tăng cục bộ. Các ổ dịch cúm trên gia cầm vẫn ghi nhận rải rác tại một số tỉnh, thành phố. Dịch Covid-19 đã và đang được kiểm soát tốt nhưng nguy cơ xuất hiện ca bệnh mới vẫn hiện hữu. Dự báo, trong mùa đông - xuân cuối năm 2020, đầu năm 2021, tình hình dịch bệnh có nguy cơ cao diễn biến phức tạp.
Giám sát chặt, phát hiện nhanh
Về tình hình phòng dịch Covid-19, Thứ trưởng Tuyên nhấn mạnh: "Tuyệt đối không lơ là, chủ quan, kiên quyết ngăn chặn các nguồn lây, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch; duy trì và thực hiện hiệu quả của tổ phòng chống dịch Covid-19 tại cộng đồng để phát hiện nhanh các ca mắc, giám sát các ca cần cách ly...".
Thứ trưởng yêu cầu các địa phương phải quản lý chặt, giám sát chặt các chuyên gia, công nhân tay nghề cao đang cách ly tại khu ký túc xá. Hàng ngày phải cử cán bộ y tế theo dõi sức khoẻ, nếu có vấn đề gì lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm và đưa đi cách ly ngay. Đồng thời yêu cầu các đơn vị y tế dự phòng tăng cường giám sát tại cộng đồng, cửa khẩu, phát hiện sớm, đáp ứng kịp thời, xử lý triệt để các ổ dịch, khoanh vùng, không để bùng phát lan rộng. Đặc biệt duy trì, dự phòng các tình huống dịch có thể xảy ra.
Đáng lưu ý, tình hình mưa lũ diễn ra ở nhiều tỉnh miền Trung. Do đó, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương có mưa lũ, ngập sâu cần chú trọng đề phòng các dịch bệnh sau khi nước rút như bệnh tiêu chảy, bệnh ngoài da, đau mắt đỏ, sốt xuất huyết...
Đáng lưu ý là chùm ca bệnh do vi khuẩn Whitmore xảy ra ở nhiều tỉnh có mưa lũ như Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Hà Tĩnh, Quảng Bình khiến hàng chục người mắc. Điều lo lắng, không ít bệnh nhân đến viện ở giai đoạn muộn của bệnh, khi đã có tình trạng nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn hoặc suy đa tạng..., điều trị khó khăn, chi phí điều trị cao nhưng kết quả không khả quan. Riêng Quảng Trị đã có 4 người tử vong vì bệnh Whitmore.
"Các tỉnh có mưa lũ cần triển khai ứng phó y tế, phòng chống dịch bệnh, cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường, kịp thời phát hiện xử lý các ổ dịch truyền nhiễm sau mùa mưa bão; củng cố đội phòng chống dịch cơ động, sẵn sàng lên đường chống dịch khi có yêu cầu" - Thứ trưởng Tuyên nhấn mạnh.