Dân Việt

Bạo lực gia đình ảnh hưởng đến trẻ em: Cú sốc về thể xác và tinh thần

Diệu Linh 07/12/2020 11:07 GMT+7
Bị cha mẹ đánh mắng hay chứng kiến bạo lực trong gia đình đều là những cú sốc với trẻ em, để lại di chứng nặng nề về cả thể xác lẫn tinh thần.

Tử tử vì bị mẹ đánh

Bác sĩ Ngô Anh Vinh (Khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi T.Ư) chia sẻ, mới đây, Khoa đã tiếp nhận 1 bệnh nhân 14 tuổi, vừa tự tử vì bị mẹ đánh.

Theo chia sẻ của bệnh nhân, mới đây, trong đợt dịch Covid-19, do được nghỉ học nên cháu học online. Cháu thường xuyên phải sử dụng máy tính để học. Mẹ cháu sợ cháu lên mạng xem linh tinh nên yêu cầu cháu mở cửa phòng để giám sát. Tuy nhiên, cháu không hài lòng vì việc này, cho đó là xâm phạm quyền riêng tư.

Bạo lực gia đình ảnh hưởng đến trẻ em: Cú sốc về thể xác và tinh thần - Ảnh 1.

Bạo lực gia đình ảnh hưởng nghiêm trọng đến trẻ em. Ảnh: I.T

"Những hành vi bạo lực gia đình sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến thể chất và tinh thần của trẻ, đặc biệt là đối với trẻ vị thành niên. Nghiêm trọng hơn, một số trẻ có những suy nghĩ bồng bột và có thể những hành vi nguy hiểm như tự tử, tự cứa mình, làm đau mình...".

Bác sĩ Ngô Anh Vinh

Cháu nhất định đóng cửa mà không thực hiện yêu cầu của mẹ. Người mẹ bực bội nên đã đánh cháu để "dạy dỗ". Chị gái cũng vào hùa đánh em. Do đó, cháu đã rất đau đớn về thể xác lẫn tinh thần, cảm thấy tủi hổ nên đã uống thuốc trừ sâu để tự tử. Rất may gia đình đã phát hiện kịp thời, đưa đi bệnh viện cứu chữa.

Sau khi sức khỏe cháu hồi phục, gia đình lo lắng nên đưa cháu đén Khoa Sức khỏe Vị thành niên để được tư vấn và điều trị về sức khỏe tâm thần.

"Đánh giá của các bác sĩ cho thấy cháu có những tổn thương về tâm lý và cần phải điều trị hỗ trợ. Ngoài ra, các bác sĩ cùng với nhà tâm lý cũng đã gặp gia đình để trao đổi và hướng dẫn về việc giáo dục đối với trẻ.

Sau một thời gian trị liệu tâm lý, tinh trạng tinh thần của cháu được cải thiện và cháu được ra viện để tiếp tục học tập và hòa nhập với cộng đồng. Tuy nhiên, các bác sĩ cũng lo lắng về tương lai của cháu vì khi về nhà nếu tình trạng bạo hành gia đình vẫn tiếp tiếp xảy ra thì việc trẻ chọn đến cái chết là điều khó tránh khỏi và hậu quả lần sau sẽ còn đau lòng hơn"- bác sĩ Vinh lo lắng.

Mẹ bị đánh, con trầm cảm

Chị Trần Thị M chịu đựng chồng ghen tuông, hành hạ suốt 15 năm. Tuy nhiên, chồng chị đánh vợ rất "tinh tế", hầu như chỉ đánh chị khi đã đóng phòng ngủ, cấu véo ở những vùng kín, quần áo che khuất. Chồng chị còn dọa sẽ đánh con nếu như chị tố cáo hay kêu với ai. Do đó, chị gần như ngày cười đêm khóc. Chị cứ nghĩ các con chị không hề biết chuyện mẹ bị bố đánh. Cho đến ngày, chị phát hiện con gái 13 tuổi của mình thường xuyên bứt tóc ăn, thậm chí còn lấy dao cứa lên đùi, ở những vùng chị cũng khó phát hiện ra.

Chị sợ hãi đưa con đi khám và sự thật bác sĩ chia sẻ khiến chị muốn gục xuống vì đau đớn. Hóa ra, việc chị bị chồng đánh đập, hành hạ con chị biết cả. Điều đó khiến con chị bị tra tấn về tinh thần và trầm cảm nặng.

Theo Điều tra Quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam 2019 vừa được công bố, phụ nữ bị chồng đánh cho biết, con cái họ đã từng chứng kiến hoặc nghe thấy bạo lực (61,4%). Con cái họ thường gặp các vấn đề về hành vi như thường xuyên bị ác mộng 21,7%), tè dầm 918,4%), lặng lẽ, thu mình một cách bất thường (29,9%), trẻ hung hăng (16,6%).

Ngoài ra, những người phụ nữ bị bạo lực cũng thường từng lớn lên trong một gia đình bạo lực hoặc chồng/bạn tình của họ đã từng chứng kiến cảnh bạo lực và/hoặc bị bạo lực do cha của người đó gây ra khi còn nhỏ. 32,9% cho biết mẹ đẻ của họ từng bị chồng đánh; 16,4% mẹ chồng từng bị chồng đánh và tới 34,1% chồng của bị nữ bị đánh cũng từng bị đánh khi còn nhỏ.

Theo các chuyên gia tâm lý, những người chồng bạo hành có nhiều khả năng đã từng chứng kiến mẹ mình bị cha đánh đập, hoặc chính họ đã từng bị đánh đập khi còn nhỏ. Những điều đã trải qua thời thơ ấu chính là một yếu tố nguy cơ quan trọng liên quan đến việc bản thân họ sau này trở thành người gây ra bạo lực gia đình.