Chỉ cần có tiền, bất chấp bệnh tật
Tại chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội), mỗi ngày có hàng trăm lao động tự do túc trực, chờ đợi để nhận việc, nhiều nhất là việc bốc hàng, vận chuyển hàng hóa, hoa quả.
Bà Nguyễn Thị Nhâm (49 tuổi, quê Nam Định) làm công việc vận chuyển, bốc vác hàng hóa ở chợ Long Biên đã được 6 năm. Nhìn dáng người to khỏe, vạm vỡ của bà, nhiều người thuê làm và giao việc. Thế nhưng, ít ai biết đằng sau cơ thể to lớn ấy, bà Nhâm đang đau ốm, mắc đủ thứ bệnh.
Theo bà Nguyễn Thu Giang, hiện nay lao động ở khu vực phi chính thức, nhất là lao động di cư tự do chưa được tiếp cận với phần đa những chính sách về an sinh xã hội. Ngoài ra, họ cũng bị giới hạn trong việc tiếp cận với việc làm an toàn, môi trường làm việc an toàn, phòng ngừa bệnh nghề nghiệp. Vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu để mở rộng độ bao phủ về các chính sách hỗ trợ an toàn lao động với nhóm lao động phi chính thức này.
"Nhà nghèo, hai vợ chồng tôi chỉ làm ruộng không đủ tiền nuôi 2 con ăn học đại học nên phải lên Hà Nội làm việc. Công việc này tuy vất vả nhưng thu nhập cao hơn làm ruộng. Thế nên dù có mệt, có nguy hiểm thì vợ chồng tôi vẫn cố gắng làm vài năm rồi nghỉ" - bà Nhâm nói.
Mỗi ngày trung bình bà phải làm việc từ 8-10 tiếng đồng hồ, có lần phải vác trên người bao tải hàng nặng tới 20-25kg. Vác qua vác lại mấy chục bao như vậy, tối về cơ thể đau mỏi. Nghỉ ngơi chút sáng hôm sau bà lại phải làm, vì không làm thì lấy gì mà ăn. "Trước chồng tôi chạy xe ôm, ông ấy đi xe nhàn hơn bốc vác. Nhưng vì không quen địa bàn, chạy được thời gian ngắn thì bị người ở đây giành địa bàn, rồi đánh đến mức nhập viện. Sau đó thì ông ấy bỏ làm đi bốc vác. Mới bốc vác được 2 năm nay, vừa rồi kêu đau lưng đi khám thì phát hiện bị thoái hóa cột sống, thành ra giờ có làm được đâu" - bà Nhâm nghẹn ngào kể gia cảnh.
Giờ thì chỉ có mỗi thân bà gánh vác gia đình, hai con học đại học cũng đi làm thêm đỡ đần mẹ. Chia sẻ về tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp, bà Nhâm chỉ thở dài, bảo rằng, biết thế nhưng không làm thì lấy gì ăn: "Công việc có khổ thế, chứ khổ nữa tôi vẫn phải làm, chỉ cần có tiền lo cho gia đình thôi".
Với tư tưởng sinh nghề, tử nghiệp, nhiều lao động tự do vẫn bất chấp nguy hiểm, bệnh tật chỉ làm việc với mong muốn kiếm thật nhiều tiền.
Thời điểm này, tại những vườn đào ở Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội) nhiều nông dân đang tất bật tuốt lá, phun thuốc diệt nấm, chăm sóc đào để phục vụ cho vụ đào tết. Thoạt nhìn thì tưởng công việc đơn giản, nhưng thực tế lại ẩn chứa rất nhiều nguy cơ về TNLĐ và bệnh nghề nghiệp. Anh Nguyễn Văn Nam (Phú Thượng, Tây Hồ) cho biết, 3 năm trước có lần anh vận chuyển đào cây, trong lúc dùng xe lăn di chuyển gốc đào to, không may xe lăn trượt đường ray làm chậu đào và cây đào đổ vào người, anh bị gãy chân. Sau 3 năm, chân anh đã lành nhưng vẫn còn tật, đi lại khó khăn. Đó là chưa kể tới căn bệnh đau lưng vì thoái hóa vẫn hành hạ, vì trước đây anh hay tự bê vác các gốc đào một mình.
Chưa thể can thiệp tới lao động tự do
Mặc dù hiện nay trong Luật An toàn lao động đã đề cập tới vấn đề kiểm soát an toàn lao động trong khu vực phi chính thức, thế nhưng thực tế chưa thể luật hóa vấn đề đảm bảo an toàn lao động cho lao động trong khu vực này.
Ông Phạm Anh Thơ - Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐTBXH) cho biết, hiện tại Cục mới đang triển khai dự án chuỗi hoạt động trong chương trình mục tiêu giáo dục nghề nghiệp và việc làm an toàn. Tuy nhiên dự án cũng mới chỉ dừng lại ở việc triển khai trong các làng nghề mà chưa thể mở rộng ra các nhóm đối tượng khác như lao động tự do, lao động di cư, hay lao động ở lĩnh vực nông nghiệp trong cả nước. "Tuy vậy, chúng tôi đã và đang mở rộng các hoạt động động nhằm đảm bảo an toàn lao động cho người lao động ngoài khu vực phi chính thức không có hợp đồng lao động. Trước mắt là hỗ trợ thực hành đảm bảo an toàn lao động các làng nghề có sử dụng đông lao động, trong năm 2020 chủ yếu là làng nghề chế biến gỗ" - ông Thơ nói.
Bà Nguyễn Thu Giang - Phó Viện trưởng Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh sáng (Light) - mạng lưới M.Nét cho rằng, cần có chính sách toàn diện hơn để đảm bảo an toàn lao động cho lao động làm việc khu vực phi chính thức, nhất là lao động tự do, lao động di cư, lao động làm nông nghiệp.
Hiện nay lao động di cư tự do ở các nhóm như: Chạy xe ôm; bốc vác; giúp việc gia đình; hay nhặt phế liệu... đều đối mặt với rất nhiều các nguy cơ gây TNLĐ và bệnh nghề nghiệp. Thế nhưng hầu như không ai được dự phòng, hay được điều trị khi gặp các TNLĐ và bệnh nghề nghiệp. Thậm chí vì túng thiếu, nhiều lao động khi gặp các TNLĐ thì tự chữa trị tại nhà, hoặc bỏ qua việc khám bệnh định kỳ.