Bị đánh không có chỗ chạy
Chị Lê Minh H (31 tuổi, ở Duy Tiên, Hà Nam) chia sẻ, chị đã lập gia đình được 9 năm. Trước đây, chồng chị cũng nóng tính, nhưng khi cáu giận chỉ văng tục, đập đồ đạc. Trong đợt cách ly phòng chống dịch Covid-19 vừa qua, hai vợ chồng lại thường xuyên ở nhà, "ra đụng, vào chạm". Hơn nữa, chồng chị mất việc, kinh tế khó khăn, anh càng bộc lộ sự nóng nảy, bạo lực của mình. Đã không ít lần chị bị chồng mắng chửi bằng những lời lẽ tệ hại, đỉnh điểm là những cú đấm không thương tiếc.
Gần 6.000 phụ nữ trong độ tuổi từ 15 - 64 được phỏng vấn và khẳng định hầu hết bạo lực do chồng gây ra. Gần 63% bị hơn một hình thức bạo lực thể xác, tinh thần và kinh tế. Trong đó, 26% phụ nữ từng bị bạo lực thể xác do chồng gây ra. 13% phụ nữ từng bị bạo lực tình dục do chồng gây ra. 47% phụ nữ từng bị bạo lực tinh thần do chồng gây ra. 21% phụ nữ từng bị bạo lực kinh tế do chồng gây ra.
(Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ năm 2019)
"Các con đều ở nhà nên tôi lo các con sợ hãi. Vì thế, khi anh ta đánh, tôi chỉ chạy vào phòng ngủ, cắn răng chịu đựng. Chồng tôi không tìm được việc, anh ta càng cộc tính" - chị H cho biết.
Theo bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và vị thành niên (CSAGA), từ lúc dịch Covid-19 diễn ra, Trung tâm nhận được nhiều cuộc điện thoại nhờ tư vấn về tình hình bạo lực nhiều hơn, có nhiều cuộc vào lúc nửa đêm. Đặc biệt, các cuộc điện thoại này càng gia tăng vào thời gian cách ly phòng dịch Covid-19. Vì phải cách ly, nhiều phụ nữ bị chồng đánh không thể chạy sang tá túc ở nhà hàng xóm hay chạy sang bố mẹ, bạn bè... "Thiên tai thảm họa, giống như dịch Covid-19, càng làm bộc lộ bạo lực giới ở mức trầm trọng hơn. Đáng nói, do khó khăn về tiếp xúc nên các nạn nhân bị bạo lực đều khó tìm được sự hỗ trợ, giúp đỡ. Do đó, họ càng phải chịu đựng bạo lực" - bà Vân Anh nói.
Bà Naomi Kitahara - Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cũng nhận định, tình hình gia tăng bạo lực giới, bạo lực gia đình (BLGĐ) trong đại dịch Covid-19 không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước khác, kể cả các nước phát triển. "Đại dịch bùng phát, việc cách ly xã hội khiến các cặp vợ chồng ở nhà cùng nhau nhiều, tình trạng bạo hành gia đình diễn ra nhiều hơn. Đáng lo ngại là nhiều người phụ nữ không dám nói ra cũng không dám kêu gọi sự hỗ trợ" - bà Naomi nói.
Tăng cường tuyên truyền cho nam giới
Theo bà Naomi, phụ nữ bị BLGĐ ít dám tìm kiếm giúp đỡ là vì họ lo sợ lại bị đánh hơn nữa. Nhưng nếu họ không lên tiếng thì bạo lực sẽ càng trầm trọng hơn. Ngoài ra, việc tuyên truyền cho phụ nữ hiểu về việc phòng chống BLGĐ thì cũng cần phải tuyên truyền cho đàn ông, để họ hiểu đánh chửi vợ là phạm luật, là gây thiệt hại cho gia đình cả về tinh thần lẫn kinh tế.
Bà Vân Anh cũng cho rằng, nam giới gây ra bạo lực cho vợ và bạn tình vì họ nghĩ rằng đó là cách thể hiện sức mạnh, như thế mới là người đàn ông thực sự theo khuôn mẫu lỗi thời. Đàn ông cho rằng, phụ nữ, trẻ em là tài sản của mình, được sử dụng theo cách mình muốn. "Cần thay đổi quan điểm hôn nhân, đó là sự chia sẻ, hướng đến mục tiêu chung chứ không phải sự sở hữu. Nam giới cần biết cách ứng xử với tức giận, bất an, không hài lòng…" - bà Vân Anh khuyến cáo.
Hiện, CSAGA có nhiều chương trình làm việc với nam giới. Trong đó, có chương trình can thiệp làm việc với người đã từng bạo lực hoặc có nguy cơ bạo lực. Nhiều người tham gia chia sẻ cuộc sống thay đổi tốt hơn khi biết cách ứng xử với cơn tức giận của mình. Chương trình phòng ngừa với mục tiêu định hướng, hoạt động school tour đi qua 14 trường đại học để chia sẻ với nam giới chuẩn bị bước vào đời sống tình yêu, hôn nhân. Nam giới cần hiểu làm thế nào có được hạnh phúc trên cơ sở tôn trọng, chia sẻ.