Câu chuyện Công ty TNHH Grab tăng chiết khấu đối với các "đối tác" là tài xế xe ôm Grabike vẫn chưa ngã ngũ.
Nguyên nhân xuất phát từ việc Grab chuyển đổi cách tính thuế GTGT theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Quản lý thuế, có hiệu lực thi hành từ ngày 5/12.
Những ngày qua, nhiều tài xế Grab đã tắt ứng dụng, diễu hành trên nhiều tuyến phố Hà Nội để phản đối mức khấu trừ mới.
Cụ thể, Grab tăng tỷ lệ khấu trừ tính trên doanh thu cuốc xe. Trong đó tỷ lệ khấu trừ tính trên doanh thu cuốc xe đối với đối tác tài xế GrabBike tăng từ 20% lên 27,273% và tăng từ 28,375% lên 32,841% đối với tài xế chịu phí sử dụng ứng dụng 25%.
Tỷ lệ khấu trừ tính trên doanh thu cuốc xe bao gồm hoa hồng trả cho hãng, thuế VAT và 1,5% thuế thu nhập cá nhân của tài xế.
Mức này tăng từ 20-25% lên 27,273-32,841% (tùy theo hợp đồng hợp tác 2 bên).
Tuy nhiên, Grab cho biết vẫn giữ nguyên mức hoa hồng, việc tăng khấu trừ là ở phần tăng thuế VAT theo Nghị định 126. Để bù lại lại phần tăng thuế VAT lên 10%, Grab chủ động tăng giá dịch vụ GrabBike.
Việc thay đổi mức chiết khấu ngay lập tức ảnh hưởng đến "nồi cơm" của cánh xe ôm sử dụng ứng dụng Grab.
Chạy từ 7h sáng đến 12h trưa nghĩa là nửa ngày làm việc, anh H.V.A (Mỹ Đình, Hà Nội) mở cho phóng viên xem mức doanh số anh nhận được, chỉ gần 150 nghìn đồng. Đây là số tiền chưa khấu trừ về Công ty, chưa trừ các chi phí khác.
Anh V.A cho biết, lượng khách đã ít, nay công ty lại tăng chiết khấu khiến công việc của anh em tài xế khó khăn lại thêm khó khăn.
"Anh nhìn xem, như cuốc xe này có giá 13 nghìn đồng, tuy nhiên em chỉ cầm về được khoảng 9 nghìn đồng khi trừ các khoản phí. Tính cả tiền xăng, hao mòn xe và một số khoản lặt vắt khác, tài xế chỉ thu về được từ 6-7 nghìn đồng", anh V.A nói.
Một tài xế đứng cạnh cũng bộc bạch, trung bình, nếu cứ chạy được doanh thu 100 nghìn đồng, chúng tôi phải chịu gần 30 nghìn đồng tiền phí, VAT, rồi tiền xăng, xe, lãi được bao nhiều.
"Chúng tôi những người tài xế, mong muốn Grab nếu coi chúng tôi là đối tác hãy lắng nghe những lời chúng tôi nói. Anh em tài xế là Grab giữ mức ăn chia 20% doanh thu như cũ để có cơ hội tồn tại, còn phần thuế VAT thì khách đi xe sẽ chịu", tài xế Grab nói.
Theo V.A, không chỉ bản thân anh, những ngày gần đây trên những hội nhóm tài xế, nhiều người cũng kêu khó khi thu nhập giảm, kinh tế gia đình khó khăn.
Anh L.Đ (quê Thanh Hóa) bảo, bản thân anh để vợ con ở nhà, lên đây làm tài xế xe ôm công nghệ cũng được mấy năm nhưng thấy bây giờ chiết khấu cao.
"Ngày xưa chiết khấu 15% rồi đến 20% nay lên gần 30%, cánh tài xế chúng tôi kham không nổi. Nếu trừ hết chi phí, chúng tôi chỉ cầm về nửa tiền tính trên tổng doanh số.
Những người như chúng tôi, ngày ngày bám đường, nắng cũng như mưa, trong khi lương và một số khoản khác chúng tôi không có. Tài xế chỉ làm bao nhiêu ăn bấy nhiều, bán sức khỏe ăn dần.
Rồi nhà còn vợ con, trước nay do dịch Covid-19 đã gửi về nhà không được nhiều, nay dịch vừa đỡ, công ty lại tăng chiết khấu, chắc tôi bỏ làm công việc khác", anh Đ nói.
Theo anh Đ, khi công ty tăng giá cước, tài xế sẽ hưởng lợi, nhưng lượng khách hàng chắc chắn giảm, bởi còn nhiều hãng khác sẽ cạnh tranh về giá cả và dịch vụ.
Mới đây, Công ty TNHH Grab vừa có chương trình hỗ trợ 5% đối với mỗi cuốc xe khi hoạt động vào mùa lạnh.
Trước đó, từ ngày 5/12, Công ty TNHH Grab điều chỉnh giá cước tối thiểu của GrabCar tại Hà Nội từ 25.000 đồng lên 27.000 đồng cho 2km đầu và tăng thêm 1.000 đồng (từ 8.500 đồng lên 9.500 đồng) cho mỗi kilômét tiếp theo.
Tương tự, GrabCar 7 chỗ sẽ áp dụng mức tăng từ 30.000 đồng lên 32.000 đồng cho 2km đầu tiên và từ 10.000 đồng lên 11.000 đồng cho mỗi kilômét tiếp theo.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, giá cước tối thiểu của GrabCar cũng tăng thêm 2.000 đồng, từ 25.000 đồng lên 27.000 đồng cho 2km đầu tiên và tăng thêm 500 đồng cho mỗi kilômét tiếp theo. Giá các dịch vụ GrabBike, GrabFood, GrabExpress cũng được điều chỉnh tăng.