Thời gian qua, một số loài ngoại lai xâm hại đã xuất hiện tại một số địa phương trong cả nước, có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến đa dạng sinh học, môi trường, kinh tế xã hội, nhất là trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp.
Cụ thể, ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã từng xuất hiện rùa tai đỏ. Đây là loài ăn tạp, rất nguy hại cho môi trường tự nhiên. Rất may, các ngành chức năng đã kịp thời phát hiện và có biện pháp quản lý, xử lý.
Sau rùa tai đỏ, ở ĐBSCL xuất hiện ốc bươu vàng ở khắp các cánh đồng làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất lúa (giai đoạn lúa non) của người dân. Hiện nay, ốc bươu vàng vẫn sinh sôi, phát triển trong tự nhiên rất nhanh mặc dù đã có thuốc bảo vệ thực vật đặt trị.
Cũng như ốc bươu vàng, cá lau kính cũng đang phát triển rất mạnh ở vùng ĐBSCL, có nguy cơ phá vỡ hệ sinh thái và đa dạng sinh học ở nhiều địa phương.
Ngoài rùa tai đỏ, ốc bươu vàng, cá lau kính, vài năm qua, tôm càng đỏ (còn gọi là tôm hùm đất) cũng xuất hiện tại Việt Nam. Ở một số địa phương đã xuất hiện tình trạng bày bán tôm càng đỏ này.
Được biết, tại Trung Quốc, trên mẫu tôm càng đỏ từng bị phát hiện có bệnh Decapod Iridescent Virus 1 (gọi là virus DIV1).
Do đó, để ngăn chặn virus DIV1 trên tôm từ Trung Quốc sang Việt Nam, trong đó có tôm càng đỏ, tháng 5/2020 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản đề nghị Ban chỉ đạo 389 quốc gia và các tỉnh biên giới chủ động phòng chống dù chưa có thông tin virus DIV1 xuất hiện ở Việt Nam...
Nguyên nhân các loài ngoại lai xuất hiện tại Việt Nam là do thiếu nhận thức về nguy cơ gây hại của việc nhập lậu, nuôi trồng, phóng thích các loài ngoại lai xâm hại. Ở một số địa phương, vấn đề kiểm soát loài ngoại lai còn chưa được quan tâm đúng mức, thiếu chủ động, khi phát sinh vụ việc với triển khai xử lý và thiếu sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng về thực thi pháp luật.
Liên quan đến loài ngoại lai xâm hại đã xuất hiện tại một số địa phương, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng vừa ký ban hành Chỉ thị số 42/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại.
Chỉ thị số 42/CT-TTg nhấn mạnh, việc kiểm soát loài ngoại lai là quan điểm nhất quán của Việt Nam trong thực tiễn để duy trì cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và sức khỏe người dân, góp phần phát triển bền vững đất nước…
Theo Chỉ thị số 42/CT-TTg, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ ngành có liên quan, UBND các địa phương có chỉ đạo thực hiện nghiêm những quy định của pháp luật về nuôi trồng, phát triển, kinh doanh loài ngoại lai xâm hại, tăng cường quản lý, kiểm soát theo thẩm quyền được giao.
Riêng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ trì, phối hợp với các bộ ngành và địa phương tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện đề án ngăn ngừa và kiểm soát loài ngoại lai xâm hại ở Việt Nam đến năm 2020.
Trong đó có rà soát, đánh giá các quy định pháp luật và đề xuất các phương án bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về kiểm soát, diệt trừ loài ngoại lai xâm hại nhằm đáp ứng nhu cầu của thực tiễn.
Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phối hợp các đơn vị liên quan tăng cường kiểm soát loài ngoại lai xâm hại và có nguy cơ xâm hại trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, quản lý chặt hoạt động nuôi, trồng loài ngoại lai xâm hại.
Về phía Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu có chỉ đạo Tồng cục Quản lý thị trường phối hợp với các cơ quan chuyên môn tăng cường kiểm tra, xử lý hoạt động kinh doanh trái phép các loại ngoại lai xâm hại theo quy định pháp luật.
Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, địa phương đấu tranh phòng chống và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong nhập khẩu, phát tán, nuôi trồng, vận chuyển và kinh doanh trái phép loài ngoại lai xâm hại...