Dân Việt

Thời Lý, Trần ở nước ta gọi vua là gì?

Lê Tiên Long 09/12/2020 20:32 GMT+7
Thời phong kiến, bề tôi thường gọi vua là “bệ hạ”, nhưng thời Lý, Trần ở nước ta có những quy định cách xưng hô với nhà vua khác thường.

Đại Việt sử ký toàn thư viết: Năm Thiên Thành thứ 7 (1034), đời Lý Thái Tông, nhà vua xuống chiếu cho các quan khi có việc ở trước mặt vua thì gọi vua là "triều đình".

Sử thần Lê Văn Hưu bình luận rằng: “Thiên tử tự xưng là ‘trẫm’, là ‘dư nhất nhân’. Bề tôi gọi vua là ‘bệ hạ’, chỉ chỗ thiên tử ở là triều đình, chỉ chỗ chính lệnh ban ra là triều sảnh, từ xưa không thay đổi xưng hô. Nay Lý Thái Tông lại bảo các quan gọi mình là ‘triều đình’, sau Lý Thánh Tông lại tự xưng là ‘vạn thặng’, Lý Cao Tông bảo mọi người gọi mình là Phật, đều không theo phép ở đâu, mà là thích khoe khoang”.

Lấy tư tưởng Nho giáo, Lê Văn Hưu cho rằng: "Khổng Tử nói: ‘Danh bất chính thì ngôn không thuận’ là thế”.

Sang đến thời Trần, đời vua đầu tiên là Trần Thái Tông, sau khi vua lên ngôi tới 25 năm, đến năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 18 (1250), Đại Việt sử ký toàn thư viết rằng: "Nhà vua xuống chiếu cho thiên hạ gọi vua là quốc gia".

Thời Lý, Trần ở nước ta gọi vua là gì? - Ảnh 1.

Vua Trần Thái Tông yêu cầu gọi vua là "Quốc gia".

Ta không rõ cách gọi vua là Quốc gia duy trì trong bao lâu, chỉ biết rằng đến năm 1258, vua Trần Thái Tông nhường ngôi cho Thái tử Hoảng (tức Trần Thánh Tông) để lên làm Thái thượng hoàng. Từ đó về sau, thì sử đều viết bề tôi gọi hai vua Trần là Thượng hoàng và Quan gia.

Việc gọi vua bằng Quan gia lần đâu xuất hiện trong Đại việt sử ký toàn thư ở đoạn chép về việc khi có sứ phương Bắc đến mà Tư đồ Trần Quang Khải đang theo vua Thánh Tông đi đánh giặc, Thượng hoàng Trần Thái Tông mới gọi Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đến, muốn trao cho ông chức Tư đồ để tiếp sứ Bắc.

Hưng Đạo vương trả lời: "Dự tiếp sứ giả, thần không dám chối. Còn như thăng chức Tư đồ, thần không dám vâng mệnh, vì Quan gia đi đánh giặc phương xa, Quang Khải đi theo hộ giá mà bệ hạ tự làm việc phong chức, e lòng người trên dưới sợ có chỗ không yên và cũng không vừa ý Quan gia và Quang Khải. Đợi xa giá trở về, việc phong chức cũng chưa muộn”.

Như vậy, khi xưng hô với Thượng hoàng, Hưng Đạo vương vẫn gọi Thượng hoàng là Bệ hạ.

Cũng theo Đại Việt sử ký toàn thư, vào năm Bảo Phù thứ 5 (1277), vua Trần Thánh Tông đã hỏi Uy Văn vương Trần Toại về nghĩa của từ “Quan gia”. Uy Văn vương đáp rằng: “Thời ngũ đế coi thiên hạ là của chung, thời tam vương coi thiên hạ là nhà chung. Cho nên gọi là Quan gia”. Vua Trần Thánh Tông khen ngợi Uy Văn vương là có kiến thức rộng.

Trước khi cướp ngôi của nhà Trần, khi cháu ngoại của mình vẫn đang làm vua (Trần Thiếu Đế), Hồ Quý Ly đã tự xưng là Quốc Tổ Chương Hoàng, khi làm công văn thì đề là Phụng Nhiếp chính Quốc Tổ Chương Hoàng, dù vẫn chỉ tự xưng là "dư" mà chưa dám xưng là "trẫm".

Trong cuộc kháng chiến chống quân Minh, năm 1425, sau khi từ Nghệ An vào lấy được Tân Bình và Thuận Hóa, các tướng suy tôn Bình Định Vương Lê Lợi là "Đại thiên hành hóa". Từ đó, các mệnh lệnh, dụ văn, phần nhiều lấy bốn chữ ấy để xưng.

Khi cuộc kháng chiến chống quân Minh thắng lợi, Lê Lợi lên ngôi vua nhưng chưa xưng danh hiệu Hoàng đế, chỉ xưng là Thuận Thiên Thừa Vận Duệ Văn Anh Vũ Đại vương, hiệu là Lam Sơn Động chủ. Sau khi lên ngôi, vua Lê Thái Tổ xưng với quần thần là “trẫm”, quần thần gọi vua là “bệ hạ”.

Vua Lê Thái Tổ phong cho con trai trưởng là Lê Tư Tề làm Quốc vương, hoàng tử Lê Nguyên Long (vua Lê Thái Tông sau này) làm Hoàng thái tử. Lê Thái Tổ ban lệnh chỉ quy định, nếu ai có việc đến Quốc vương và Hoàng thái tử thì dùng chữ "khải", chứ không được dùng chữ "tấu" và xưng là "Quốc vương điện hạ", "Thái tử điện hạ". Nếu Quốc vương có tuyên cáo hiệu lệnh gì thì dùng chữ "Quốc vương chỉ huy", không được dùng chữ "sắc". Tuy nhiên sau đó Tư Tề bị phế, từ đó về sau nhà Lê không còn vị thân vương nào được phong tước Quốc vương nữa.

Thời Lê trung hưng, quyền hành trong nước vào cả trong tay các chúa Trịnh. Các chúa Trịnh đều được vua Lê phong tước vương. Các quan, nhân dân gọi các chúa Trịnh là “điện hạ”, khi có việc trình lên chúa thì gọi là "khải" chứ không dùng chữ "tâu".

Trong thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh, ở đàng trong, vị chúa Nguyễn thứ 8 là Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát năm 1744 đã lên ngôi vương ở Phú Xuân và thực hiện một loạt thay đổi để nâng cao vị thế của mình, như đổi phủ là điện, đổi chữ "thân" làm chữ "tấu", gọi chính dinh là đô thành, lập lục bộ. Với các thuộc quốc (Chiêm Thành, Chân Lạp) thì Vũ vương xưng là Thiên vương, nhưng văn thư vẫn dùng niên hiệu của vua Lê.