Lời xin lỗi của Hiếu Hiền liệu có lặp lại?
Đặc biệt, nam diễn viên hài Hiếu Hiền đưa lên mạng xã hội những bài viết khai thác quá sâu vào sự ra đi của đàn anh.
Thậm chí, vợ chồng Hiếu Hiền còn đến tận nhà quàn để quay video và chiếu trực tiếp khoảnh khắc nhân viên bàn giao thi thể nghệ sĩ Chí Tài, đặt tên câu khách "Chí Tài trong nhà xác".
Ngay lập tức, nhiều nghệ sĩ lên tiếng phản đối hành động vô cảm của vợ chồng diễn viên Hiếu Hiền, nhiều cư dân mạng kêu gọi họ ngừng chia sẻ những hình ảnh riêng tư của người đã khuất.
Ngay sau đó, Hiếu Hiền đã viết những dòng xin lỗi và giải thích cho hành động của mình. Mặc dù đã xin lỗi, song cộng đồng mạng khó chấp nhận chuỗi thói quen lặp đi lặp lại nhiều lần này, mục đích câu view bằng mọi giá. Họ cũng cho rằng việc kiếm tiền bằng đám ma của người đã khuất là hành vi phản cảm đáng bị lên án, tẩy chay.
Nhà văn trẻ Hà Thanh Phúc, chủ một phòng trà ở TP.HCM từng đến tiễn nghệ sĩ Chí Tài lần cuối, đến nơi mới tá hỏa vì cả một khúc đường tắc nghẽn vì hàng trăm Youtuber. Anh tự hỏi: "Người ta vừa live vừa kêu gọi share (để làm gì?)" và điều đó có vẻ quá vô tình với người mới mất.
"Một chú bảo là từ đây tới sáng sẽ không mở xác anh Tài ra nữa, tốp này là tốp cuối, đợi chị Việt Hương quay lại làm thủ tục giấy tờ để đưa xác anh về Mỹ vì mở ra hoài sẽ không tốt cho việc bảo quản.
Chú bảo là giờ công an sẽ mở đường cho tụi con ra ngoài và bên trong sẽ tắt đèn hết để giải tán đám đông bên ngoài, rồi tí nữa quay lại, không còn ai ở trong này nữa thì đám đông kia mới chịu đi. Bọn mình quyết định thôi đi về luôn vì nghĩ là mở xác anh ra hoài vậy cũng không nên", Thanh Phúc đau lòng viết. Và anh cho rằng, việc cho ca sĩ hát bài "Nhỏ ơi" – ca khúc quá quen thuộc của Chí Tài ở phòng trà của mình cũng là một cách tưởng nhớ nam nghệ sĩ một cách trân trọng nhất.
Hãy là Youtube văn minh
Chuyện livestream từng diễn ra ở nhiều đám tang nghệ sĩ, từ những người bạc mệnh chết tha hương như Anh Vũ, đến người mất vì bệnh ung thư như Duy Nhân… hay những người được công chúng yêu mến mà ra đi khi còn quá trẻ như ca sĩ Wanbi Tuấn Anh.
Còn nhớ, không ít người đã đến đám tang nghệ sĩ Anh Vũ với mục đích livestream, thu hút người xem và kêu gọi chia sẻ, bình luận gây phản cảm và từng bị cư dân mạng phản ứng mạnh mẽ.
Như thường lệ, có một nhóm người tìm cách livestream để kiếm views trên các trang cá nhân của mình. Họ "dí" cận mặt từng nghệ sĩ đến viếng, không tôn trọng quyền riêng tư của người nổi tiếng. Nhóm người livestream ồn ào khiến khu vực diễn ra tang lễ hỗn loạn. Nhiều người đến viếng không thể chen chân để đi vào thắp nhang cho nghệ sĩ Anh Vũ.
Trước đó, tại sân bay sáng cùng ngày, một nhóm livestream tương tự cũng có mặt từ sớm để chờ quay cảnh đưa thi hài Anh Vũ ra.
2 năm sau, đến đám tang của Duy Nhân, đám đông hiếu kỳ đó vẫn quây lại bất chấp sự can ngăn của thân nhân người quá cố. Cảnh tượng thật xấu xí với hàng trăm người hiếu kì vây quanh đám tang của Duy Nhân, cười nói, la hét, chen chân, thậm chí, vỗ tay hoan hô khi thấy Hoài Linh đến viếng. Trong lúc hỗn loạn, có người móc túi và thậm chí là vào thẳng đám tang đặt điều, đòi tiền người nhà Duy Nhân. Nhiều năm đã qua, dư luận đã lên án, xã hội cũng tiến bộ về văn hóa nhưng những hành động không tôn trọng đến tang gia vẫn mãi tiếp diễn.
Cho nên, trước những hình ảnh phản cảm như vậy, nên chăng có sự nhắc nhở từ phía chính quyền, hoặc bản thân công chúng cũng nên chọn quyền tẩy chay với những ai trục lợi từ đám tang của những người nổi tiếng.
Ngay như Hiếu Hiền, mặc dù anh đã xin lỗi nhưng thử hỏi, nếu lần sau còn lặp lại những việc làm thiếu ý thức như vậy thì hình phạt đối với anh sẽ ra sao? Ngày nay, công chúng, khán giả đều có kiến thức và trình độ để phân biệt những người tử tế và háo danh, háo lợi.
Chính vì thế, cộng đồng Youtuber hay Facebooker cũng nên thay đổi suy nghĩ của mình, bớt câu khách bằng mọi giá, vì những hành vi phản cảm, phi văn hóa sẽ bị công chúng quay lưng. Xây dựng một cộng đồng mạng văn minh là điều vô cùng cần thiết ngay từ bây giờ.