Sáng 9/12, Tòa án quân sự Trung ương xem xét đơn kháng án của bị cáo Nguyễn Văn Hiến (cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng), Đinh Ngọc Hệ (cựu Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn) và 5 bị cáo trong vụ án Quân chủng Hải quân mất quyền quản lý, sử dụng trong 49 năm đối với 3 lô đất nằm trên đường Tôn Đức Thắng, quận 1, TP.HCM.
Tại tòa, ông Nguyễn Văn Hiến và một số bị cáo khác xin giảm nhẹ hình phạt, hưởng hình phạt cải tạo không giam giữ hoặc hưởng án treo. Còn Đinh Ngọc Hệ và Trần Trọng Tuấn kháng cáo kêu oan.
Dành gần 20 phút để nêu lý do kháng cáo, đô đốc Nguyễn Văn Hiến cho rằng tòa sơ thẩm chưa đánh giá hết bối cảnh, nguyên nhân, tính chất, mức độ và vai trò của ông trong vụ án cũng như chưa xem xét toàn diện các tình tiết giảm nhẹ về nhân thân.
Ông Hiến cho biết trước phiên phúc thẩm, bị cáo đã cung cấp thêm một số tài liệu liên quan vụ án làm căn cứ để HĐXX xem xét.
Nói về bối cảnh khi 3 lô đất của Quân chủng Hải quân trên đường Tôn Đức Thắng được bàn giao cho đối tác, bị cáo Nguyễn Văn Hiến cho rằng tòa sơ thẩm chưa đánh giá hết vai trò của ông.
"Về hành chính, tôi là chỉ huy cao nhất. Nhưng về lãnh đạo, tôi là người chấp hành nghị quyết", ông Hiến nói và cho biết việc sử dụng đất đai để làm kinh tế là vấn đề nhạy cảm và quan trọng. Do đó, bị cáo kiến nghị HĐXX xem xét thêm nghị quyết để đánh giá vai trò liên quan của ông trong vụ án.
Đô đốc lý giải nghị quyết đã chỉ thị rõ cách lựa chọn đối tác, phương thức hợp tác đầu tư cũng như thời gian giao đất 49 năm và giao ai chỉ huy việc hợp tác.
Ngoài ra, bị cáo Hiến cũng cho rằng HĐXX cấp sơ thẩm quy kết chưa phù hợp khi đánh giá bị cáo với tư cách Tư lệnh Quân chủng Hải quân đã thiếu kiểm tra đôn đốc, không chỉ đạo kiểm tra năng lực đối tác, không kiểm tra việc góp vốn, phê duyệt các văn bản cấp dưới trình ký dẫn đến việc quân chủng mất quyền quản lý, sử dụng 3 khu đất.
"Tôi có kiểm tra và có chỉ đạo cụ thể. Sau đó, tôi chỉ thị thành lập đoàn kiểm tra tất cả dự án, trong đó có dự án về khu đất", ông Hiến trình bày và chỉ thừa nhận bản thân "chưa đủ sát sao, quyết liệt".
Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Hiến còn cho rằng tòa sơ thẩm chưa áp dụng hết tình tiết giảm nhẹ về nhân thân, cụ thể là công lao và đóng góp của ông trong quá trình công tác. Bị cáo mong cấp phúc thẩm áp dụng thêm các tình tiết này, trong đó có việc xem xét ông từng có nhiều huân huy chương.
Đối với việc khắc phục hậu quả vụ án, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho rằng tòa sơ thẩm cũng chưa áp dụng tình tiết này khi lượng hình. "Trong đó có số tiền 438 tỷ được Công ty Hải Thành nộp về cho quân chủng chưa được tòa sơ thẩm nêu", bị cáo liệt kê.
Trả lời HĐXX về lý do kháng cáo kêu oan, bị cáo Đinh Ngọc Hệ cho rằng trong quá trình điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm, các bị cáo Phạm Văn Diệt cùng Vũ Thị Hoan đều khai không đúng sự thật.
Đinh Ngọc Hệ trình bày bị cáo và Diệt chỉ có mối quan hệ ngoài xã hội, không như lời anh Diệt nói là “quan hệ giữa ông chủ và người giúp việc”.
"Vũ Thị Hoan là con chị gái ruột kêu tôi bằng cậu, nhưng tôi không nhờ Hoan làm Giám đốc Công ty Yên Khánh", Đinh Ngọc Hệ nói và xin giữ nguyên các lời khai trước đây về việc những chữ ký của bị cáo trong các văn bản, quyết định liên quan vụ án đều không trái pháp luật.
"Tôi cho rằng lỗi trong vụ việc này không phải của tôi, là lỗi của các bị cáo thuộc quân chủng", Đinh Ngọc Hệ trình bày.
Ngoài ra, ông Hệ cũng cho rằng các cá nhân tại Công ty Yên Khánh đã làm đúng quy định của Luật đất đai và Luật doanh nghiệp, không có hành vi lừa đảo. Do đó, bị cáo đánh giá bản án của tòa sơ thẩm chưa phù hợp.
Đối đáp tại tòa phúc thẩm, các bị cáo Phạm Văn Diệt và Vũ Thị Hoan cùng khẳng định Đinh Ngọc Hệ thành lập Công ty Yên Khánh và chỉ đạo các công việc liên quan doanh nghiệp này.
"Ông Hệ nhờ bị cáo đứng tên làm Giám đốc Công ty Yên Khánh. Còn tất cả công việc đều do ông Hệ điều hành", Vũ Thị Hoan trình bày. Còn bị cáo Diệt nói ông ta là người làm công ăn lương cho công ty do ông Hệ thành lập, chỉ có quan hệ cấp dưới và cấp trên.
Chiều nay, HĐXX tiếp tục xét hỏi các bị cáo.
Tại phiên sơ thẩm diễn ra hồi tháng 5, Tòa án quân sự Quân chủng Hải quân tuyên phạt đô đốc Nguyễn Văn Hiến 4 năm tù về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Đinh Ngọc Hệ (Út “Trọc”, cựu Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn) bị tuyên phạt 20 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bị cáo Bùi Như Thiềm lĩnh 9 năm tù về tội Vi phạm các quy định về quản lý đất đai. Các bị cáo còn lại lĩnh các mức án 4-15 năm tù.