Nhiều năm qua, tại các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa ở Gia Lai, tình trạng người dân tự ý đấu nối điện để phục vụ nhu cầu sinh hoạt gây mất an toàn vẫn xảy ra. Ngoài ra, mạng lưới điện cung cấp cho các vùng nông thôn một số nơi đã xuống cấp, thường phải vượt qua những địa hình hiểm trở, đồi núi nên mỗi khi có thiên tai mưa bão, sự cố mất an toàn lưới điện là khó tránh khỏi.
Từ đầu năm đến nay, lưới điện trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã xảy ra 871 sự cố, trong đó 360 sự cố do ảnh hưởng của mưa, bão, giông sét và các hiện tượng thời tiết cực đoan khác. Đặc biệt, bão số 9 đã gây ra 38 sự cố, làm mất điện tại 78 xã, hơn 150.000 hộ dân; trong đó có sự cố mất điện kéo dài 2 ngày thuộc đường dây 110kV An Khê – Đồn Phó.
Nhằm giảm thiểu sự cố điện, PC Gia Lai đã huy động nhân lực tổng kiểm tra các vị trí cột điện xung yếu ở các khu vực triền dốc, bờ sông, bờ suối, kênh rạch… có nguy cơ sạt lở. Xử lý kịp thời hệ thống dây chằng néo (móng néo, tăng đơ, dây néo…) và tiếp địa để đảm bảo vận hành an toàn trong trường hợp mưa bão, ngập lụt. Đồng thời, lực lượng toàn ngành đã tiến hành phát quang, chặt tỉa xử lý dứt điểm, đặc biệt là các cây lớn vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp có khả năng va chạm, ngã đổ vào đường dây gây sự cố. Sử dụng camera nhiệt để kiểm tra lưới điện theo kế hoạch đã phân công, tập trung vào các thời điểm cao điểm của phụ tải, tăng cường kiểm tra đêm, các vị trí nghi ngờ để phát hiện những điểm phát nóng bất thường...
Ông Lê Hồng Công - Phó Giám đốc Điện lực huyện Kbang (PC Gia Lai) cho biết: "Để đảm bảo an toàn lưới điện, đơn vị đã tập trung tuyên truyền người dân nâng cao nhận thức an toàn về điện và sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Thời gian tới, Điện lực huyện Kbang tiếp tục tranh thủ nguồn vốn để cải tạo lưới điện nhằm đảm bảo công tác an toàn cho ngành điện và người sử dụng điện. Điện lực huyện đã, đang phối hợp cùng chính quyền địa phương triển khai đồng bộ quy hoạch đường điện, hệ thống điện, đường dây sau công tơ cho khách hàng phục vụ cho xây dựng nông thôn mới".
Cùng với việc cải tạo, nâng cấp lưới điện, cán bộ, nhân viên Điện lực huyện Kbang còn đến tận các hộ dân tuyên truyền, hướng dẫn người dân nâng cao nhận thức, tuân thủ chặt chẽ các quy định về an toàn sử dụng điện sau điện kế nhằm đề phòng nguy cơ xảy ra tai nạn điện.
Chị Triệu Thị Hin (ở xã Tơ Tung, huyện Kbang) chia sẻ, vừa rồi do ảnh hưởng của mưa bão, nhà chị và nhiều hộ dân trong xã bị mất điện. Các công nhân ngành điện đã kịp thời đến sửa chữa, khắc phục sự cố cấp điện trở lại để phục vụ sinh hoạt nên rất yên tâm.
PC Gia Lai hiện đang quản lý vận hành, đầu tư cải tạo lưới điện phân phối từ 0,4-110kV bao gồm: 11 trạm biến áp 110kV (tổng công suất 536MVA), 12 trạm biến áp trung gian (dung lượng hơn 66 MVA), hơn 4.600 trạm biến áp phân phối (dung lượng hơn 900 MVA) và gần 10.000 km hạ tầng đường dây.
Để nâng cấp, cải tạo, sửa chữa từng bước nâng cao chất lượng hệ thống lưới điện nông thôn, từ đầu năm đến nay, PC Gia Lai đã đầu tư hơn 63 tỷ đồng thay gần 110 km dây bọc trung áp và 54 km dây bọc hạ áp. Ngoài ra, hạ tầng lưới điện hoàn thiện, chống quá tải đã hoàn thành 31 công trình xây mới 72 Trạm biến áp (dung lượng 20.000 KVA), nâng dung lượng 37 Trạm biến áp (dung lượng 9.200 KVA), xây dựng cải tạo 22 km đường dây trung áp, 95 km đường dây hạ áp với tổng kinh phí 94 tỷ đồng.
Phó Giám đốc PC Gia Lai Lê Quang Trường cho biết, để đảm bảo an toàn cung cấp điện vùng nông thôn, hàng năm PC Gia Lai đã ưu tiên triển khai ngay các chương trình thay dây trần trung áp bằng dây bọc trung áp qua các rừng cao su, rừng tự nhiên; xử lý các điểm xung yếu, điểm mất an toàn, hạn chế thiệt hại do giông sét. Ngoài ra, trước tháng 5 hàng năm công tác thí nghiệm định kỳ, vệ sinh hotline và những vấn đề còn tồn tại sẽ được tập trung xử lý triệt để. Nhờ đó, việc cung cấp điện cho các vùng nông thôn thời gian qua không xảy ra sự cố lớn gây thiệt hại cho khách hàng.
Song song với việc cải tạo, nâng cấp lưới điện, ngành điện Gia Lai còn đang tích cực triển khai dự án KFW 3.1 (150 tỷ đồng từ vốn vay Ngân hàng Tái thiết Đức) xây dựng 192 km đường dây trung áp, 213 km đường dây hạ áp, 86 trạm biến áp, 864 công tơ, 47 thiết bị đóng cắt để đưa điện đến những thôn, buôn cuối cùng chưa có điện lưới quốc gia, đặc biệt là các thôn, làng vùng biên của tỉnh Gia Lai.