Thung lũng Ô Kha thuộc địa phận xã Sơn Trung, huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) được mệnh danh “thung lũng tử thần” từ trước năm 1975 bởi nhiều máy bay đã từng rơi ở khu vực này. Điển hình nhất cho những thảm nạn hàng không ở đây là vụ rơi máy bay Yak-40 vào ngày 14/11/1992 khiến 30 người tử nạn, người sống sót duy nhất là một cô gái Hà Lan.
Điều chưa hé lộ về “thung lũng tử thần”
Ông Cao Văn Nhiến, nguyên Chỉ huy trưởng Cơ quan Quân sự huyện Khánh Sơn cho biết: Ô Kha là ngọn núi có hình yên ngựa, cao hơn 1.200 mét (có tài liệu ghi Ô Kha cao hơn 1.400 mét so với mực nước biển) cách thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn hơn 10km và nằm giữa hai ngọn núi cao là Ma Hang án ngữ phía Đông và núi Suối Chè nằm ở phía Bắc của huyện này.
Vào mùa đông, thung lũng này mưa lâm thâm suốt ngày đêm, sương mù và mây rất dày đặc. Vào mùa khô khi người ta quan sát thì ít khi thấy ánh nắng mặt trời. Do không khí ở đây rất loãng nên khi máy bay bay qua khu vực này thường bị “kéo” xuống vài trăm mét.
“Ngay cả chiếc trực thăng Mi-8 trước khi bị rơi ở gần thung lũng này đã từng chở tôi và mấy đồng chí hàng không dân dụng đi thị sát 4 lần, nhưng không dám bay qua thung lũng vì ở đây không khí rất loãng, chúng tôi chỉ bay vòng quanh thung lũng nhưng vẫn bị kéo xuống 300-400 mét như muốn rơi”, nguyên Chỉ huy trưởng Cơ quan Quân sự huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa - ông Cao Văn Nhiến - nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Chung, nguyên Phó Chỉ huy tham mưu trưởng Cơ quan Quân sự huyện Khánh Sơn cho biết, không chỉ có chiếc Yak-40 hay sau đó là chiếc Mi-8 của quân đội bị rơi tại đây mà từ thời Pháp và thời Mỹ - Ngụy, nhiều máy bay đã rơi khi bay qua thung lũng này.
“Ô Kha được người dân địa phương gọi là dãy núi “khó hiểu” và họ cho rằng ở thung lũng này có sự hiện diện của một “luồng không khí bí hiểm”, nguyên Phó Chỉ huy tham mưu trưởng Cơ quan Quân sự huyện Khánh Sơn, ông Nguyễn Thành Chung tiết lộ.
Theo thông tin được công bố bởi một cán bộ trong ngành hàng không lúc bấy giờ, vào ngày 14/11/1992, khi chiếc Yak-40 gặp nạn, ngoài khơi Nha Trang có bão gây gió lớn và thời tiết xấu ở Nam Trung Bộ. Hướng gió thổi tạo góc với hướng của dãy núi gây ra hiện tượng gió thung lũng và sóng núi. Dòng gió bị biến dạng khi thổi qua sườn núi tạo nên dòng giáng mạnh ở sườn phía khuất gió.
Máy bay khi vào khu vực này bị tác động bởi nhiễu động địa hình, bị giật lắc bất thường, nguy hiểm hơn là có thể tạo hiệu ứng như một “lực hút”. Chiếc Yak-40 có thể đã xin hạ độ cao hơi sớm khi đang trong khu vực hiểm trở, gió núi, sóng núi mạnh, tầm nhìn bị che khuất… và điều tồi tệ đã xảy ra.
Tiếp đó chiếc trực thăng Mi-8 chở theo 7 người sau đó bay từ Nha Trang lên Khánh Sơn tiếp tế có thể đã gặp tình huống tương tự khi buộc phải bay qua thung lũng trong tình thế nguy cấp.
Bài học nào sau thảm nạn Ô Kha?
Từ câu chuyện máy bay bị rơi xuống thung lũng khiến 30 người tử nạn, trực thăng được điều đi cứu hộ lại tiếp tục bị rơi làm 7 người hi sinh, cho thấy việc tìm kiếm máy bay mất tích (dù trong trường hợp nào) không phải chuyện đơn giản và luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm.
Vấn đề đặt ra ở đây là công tác tìm kiếm máy bay bị nạn luôn phải được thực hiện kịp thời, mau lẹ, nhất quán nhưng không vì thế mà xem nhẹ sự an toàn cho người đi tìm kiếm.
Ông Nguyễn Thành Chung từng tham gia tìm kiếm chiếc Yak-40 kể: “Mình xác định tìm kiếm máy bay là phải đi những vùng hiểm trở, rất nguy hiểm. Thung lũng Ô Kha điều kiện địa hình hiểm trở, trên đường đi toàn hang gộp, chúng tôi nghe tiếng suối chảy mà không thấy nước, núi đá thì dựng đứng nên sơ sảy là trượt chân ngay… Biết vậy nhưng anh em vẫn phải băng qua”.
Cũng theo ông Chung, đi tìm kiếm máy bay mất tích có khi phải đối mặt với tai nạn và việc phòng ngừa tai nạn không bao giờ là chuyện thừa. “Vì thế, an toàn cho người đi tìm kiếm cũng là một vấn đề mà người chỉ huy phải quan tâm và phải luôn nhắc nhở anh em chuyện đó”, nguyên Phó Chỉ huy tham mưu trưởng Cơ quan Quân sự huyện Khánh Sơn chia sẻ.