Hôm nay (12/12) diễn ra Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) giai đoạn 2013-2020, nhất là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay. Nhân dịp này PV có trao đổi với ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội xung quanh công tác PCTN.
Có thể thấy trong nhiệm kỳ Đại hội XII, công tác PCTN, tiêu cực được đẩy mạnh và đạt được kết quả tích cực, ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
- Công tác đấu tranh PCTN thời gian qua tiếp tục có những chuyển biến tích cực cả về phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng.
Năm 2020, tình hình trong nước và quốc tế có những tác động lớn, chưa từng có do đại dịch Covid-19 và thiên tai gây ra. Kinh tế thế giới rơi vào tình trạng suy thoái; các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế nước ta chịu ảnh hưởng nặng nề, nhiều hoạt động kinh tế - xã hội ngưng trệ.
Thế nhưng, công tác PCTN đã không "chững lại" hay "chùng xuống" mà tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh và đạt được nhiều kết quả tích cực, khẳng định mạnh mẽ quyết tâm chống tham nhũng "không có vùng cấm", "không có ngoại lệ" của Đảng.
Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN trực tiếp là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước là Trưởng Ban tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, bảo đảm đồng bộ, toàn diện, kết hợp chặt chẽ giữa "xây" và "chống", tạo bước đột phá mới trong đấu tranh PCTN.
Đơn cử, chỉ riêng từ sau phiên họp thứ 18 (25/7/2020) của Ban Chỉ đạo đến nay đã xử lý dứt điểm 12 vụ án, 4 vụ việc; kết thúc điều tra 13 vụ án/53 bị can; ban hành cáo trạng truy tố 11 vụ án/98 bị can; xét xử sơ thẩm sáu vụ án/33 bị cáo; xét xử phúc thẩm 4 vụ án/6 bị cáo.
Hoạt động kiểm tra, giám sát trong đảng do Ủy ban Kiểm tra và tổ chức đảng các cấp thực hiện tiếp tục được tăng cường. Nhiều vi phạm của cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ cao cấp được phát hiện và xử lý nghiêm.
Quốc hội đã cho ý kiến, thông qua nhiều dự án luật, nghị quyết quan trọng, góp phần hoàn thiện thể chế nhằm PCTN.
Chính phủ, các ngành, các cấp chú trọng đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành, tập trung vào công tác hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội, xây dựng bộ máy chính quyền, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm toán, chú trọng thanh tra, kiểm toán các dự án đầu tư lớn, việc quản lý, sử dụng đất đai, tài chính công, tài sản công.
Cơ quan điều tra, Viện VKSND, TAND thì tập trung khám phá, đẩy nhanh tiến độ khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế, nhất là các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm…
Có ý kiến cho rằng, trong nhiệm kỳ Đại hội XII này, công tác PCTN, tiêu cực được đẩy mạnh nên không có chuyện "hạ cánh an toàn", "không còn vùng cấm", ông nghĩ sao?
- Dưới sự chỉ đạo kịp thời, kiên quyết, sát sao của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp đã được phát hiện, khởi tố, xử lý nghiêm minh theo hướng làm rõ đến đâu, xử lý đến đó.
Cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp tăng cường chỉ đạo, chủ động, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn đối tượng, lĩnh vực, địa bàn nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng để kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời các sai phạm.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra, làm rõ nhiều sai phạm đặc biệt nghiêm trọng, quyết định kỷ luật và đề nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật nhiều cán bộ cao cấp do tham nhũng, vi phạm các quy định về quản lý kinh tế.
Các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng cũng tích cực, chủ động trong thực hiện nhiệm vụ được giao…
Những kết quả về phát hiện, xử lý tham nhũng đã có tác dụng cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, thể hiện sự quyết liệt, nghiêm minh trong xử lý tội phạm về tham nhũng. Nhất là, khi có nhiều cán bộ, trong đó có cả Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Trung ương, tướng lĩnh quân đội, công an, kể cả những người đã nghỉ hưu bị kỷ luật, xử lý hình sự thì đúng là không còn chuyện "hạ cánh an toàn".
Mặc dù công tác PCTN đã đạt được kêt quả tích cực nhưng tình trạng tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp, ngày càng tinh vi. Điều mà người dân mong muốn là trong thời gian tới công tác PCTN tiếp tục được đẩy mạnh, không bị trùng xuống, theo ông để công tác PCTN được phát huy mạnh mẽ cần phải có quyết tâm thế nào?
- Đảng, Quốc hội, Chính phủ đều nhận định rằng, tình hình tham nhũng "vẫn diễn biến phức tạp, có biểu hiện tinh vi hơn và khó phát hiện".
Để đáp ứng được kỳ vọng của người dân, tôi cho rằng, năm 2021 và các năm tiếp theo, công tác đấu tranh PCTN cần tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh, phát huy tối đa nhiều kết quả tích cực đã đạt được.
Trong cuộc họp thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN ngày 25/11/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh rằng, những vụ án, vụ việc đã đề ra theo kế hoạch phải quyết tâm thực hiện cho bằng được, theo đúng tiến độ, làm ngày, làm đêm cũng phải làm.
Tại nghị quyết được thông qua tại kỳ họp thứ 10 vừa qua, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao "nghiên cứu, xây dựng bộ tiêu chí đánh giá kết quả công tác phòng, chống tham nhũng của các Bộ, ngành. Tăng cường phát hiện, xử lý tham nhũng; tập trung thanh tra những lĩnh vực trọng điểm, nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, được dư luận xã hội quan tâm.
Tôi tin rằng, cả hệ thống chính trị sẽ tiếp tục vào cuộc quyết liệt. Công tác đấu tranh PCTN thời gian tới nhất định có những chuyển biến tích cực cả về phòng ngừa, phát hiện và xử lý, củng cố thêm niềm tin và đáp ứng kỳ vọng của nhân dân.
Xin cảm ơn ông (!).