Từ năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 16/2015/QĐ-TTg quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ, quy định rõ trách nhiệm của nhà sản xuất phải tổ chức thu hồi sản phẩm thải bỏ đã bán ra thị trường Việt Nam, qua các điểm thu hồi, sau đó xử lý hoặc xuất khẩu ra nước ngoài để xử lý. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác này vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu sót.
Những điểm sáng đơn lẻ
Thực hiện Quyết định 16/2015 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều địa phương trong cả nước đã và đang đẩy mạnh thực hiện mô hình thu gom pin, rác thải điện tử; đồng thời vận động nhân dân không vứt pin lẫn với rác thải thông thường.
Tại Đà Nẵng, mô hình phân loại rác thải nguy hại dựa vào cộng đồng tại phường Nam Dương cũng đã được triển khai từ năm 2018 đến nay. Hội Liên hiệp Phụ nữ phường đã thực hiện mô hình thu gom pin đã qua sử dụng với tên gọi "Mô hình phân loại rác thải nguy hại dựa vào cộng đồng". Số lượng pin thu gom được từ tháng 5/2019 đến nay là hơn 55kg. Đây là một hoạt động cần thiết, ý nghĩa trong việc bảo vệ môi trường. Hiện tại, Đà Nẵng đang có 2 điểm thu gom pin cũ tập trung là tầng 2 của siêu thị Big C (quận Thanh Khê) và siêu thị VinMart Đà Nẵng (quận Sơn Trà).
Tại TP.Hà Nội hiện có 5 điểm thu gom rác thải điện tử miễn phí: Nhà văn hóa phường Nghĩa Tân (45 Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy); Ban quản lý công trình công ích Hoàn Kiếm (số 1 Trần Quang Khải, Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm); UBND phường Quán Thánh (12 - 14 Phan Đình Phùng, quận Ba Đình); UBND phường Thành Công (quận Ba Đình); Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội (số 17 Trung Yên 3, Trung Hòa, quận Cầu Giấy)…
Tại TP.HCM có 5 điểm tiếp nhận đặt tại UBND phường 9 quận 3; UBND phường 15 quận 4; UBND phường 17 quận Phú Nhuận; UBND phường 2 quận Bình Thạnh và Trung tâm MM Mega Market An Phú (quận 2).
Công ty cổ phần Giải pháp Môi trường ARES (ARESEN) cũng triển khai Dự án "Hãy cho tôi pin" tại TP.Long Xuyên (An Giang). Hiện tại, ARESEN đã làm việc với một số trường tiểu học trên địa bàn TP.Long Xuyên để triển khai mô hình thu gom pin cũ miễn phí ngay tại trường nhằm giáo dục ý thức và hình thành thói quen phân loại rác cho các em học sinh ngay khi từ còn nhỏ.
Việc thu gom rác thải điện tử cũng được thực hiện qua các nguồn không chính thức, là những người thu mua đồng nát, cơ sở thu gom tự phát. Điểm đến của những nguồn thu gom này là các làng nghề để tái chế như Tề Lỗ (Vĩnh Phúc), Đan, Bùi Dâu, Dị Sử (Hưng Yên) hoặc Tràng Minh (Hải Phòng)... Tại các làng nghề này, các thiết bị điện tử sẽ được tháo gỡ những bộ phận bên trong để lấy đồng, sắt. Ngoài ra, các hoạt động được gọi là tái chế hiện nay thực ra chỉ mới là sơ chế.
Mới dừng lại ở thu gom, tháo dỡ thủ công
Theo báo cáo của Viện Khoa học công nghệ môi trường, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, lượng chất thải điện tử ở Việt Nam mỗi năm tăng khoảng 100.000 tấn, chủ yếu phát sinh từ hộ gia đình (đồ gia dụng điện tử), văn phòng (máy tính, máy photocopy, máy fax...). Ngoài ra, các bộ sản phẩm điện tử lỗi và các thiết bị thải được nhập khẩu bất hợp pháp cũng "đóng góp" vào số rác thải điện tử này. Với sự phát triển của ngành công nghệ chóng mặt như hiện nay, rác điện tử đang có tốc độ tăng nhanh gấp 3 lần so với các loại rác thải khác.
GS-TS Đặng Thị Kim Chi - Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường cho biết, việc tái chế chất thải điện tử ở Việt Nam hiện mới dừng ở khâu tháo dỡ, phân loại (tách nhựa, đồng, nhôm... một cách thủ công).
Việc tái chế không đúng quy cách là mối họa lớn khi các chất độc hại và kim loại nặng như chì, thủy ngân rò rỉ. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, lượng thủy ngân có trong một viên pin nếu chôn xuống đất có thể làm ô nhiễm 500 lít nước hoặc 1m3 đất trong 50 năm. Thủy ngân từ các nguồn ô nhiễm khi xâm nhập vào cơ thể qua đường ăn uống hoặc hít thở, chúng có thể gây hại não, thận, hệ thống sinh sản và tim mạch… Một lượng nhỏ của chì cũng có thể gây hại cho cơ thể.
Theo các chuyên gia về môi trường, mặc dù đã có nhiều mô hình, nhiều đợt tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân nhưng đến nay hiệu qua chưa cao, các nhóm hỗ trợ thu gom vẫn chưa đủ mạnh… Hệ thống pháp luật về thu gom, xử lý, tái chế rác thải điện tử vẫn còn khá sơ sài, thiếu các chế tài mạnh, cụ thể.
Nhiều ý kiến cho rằng, ở nhiều nước trên thế giới, nếu mang bỏ 1 cục pin ra môi trường sẽ bị phạt tù, riêng nước ta, người dân vô tư mang bỏ bóng đèn, pin vào sọt rác mà không lường trước tác hại của nó. Thu hồi, xử lý rác thải điện tử ở Việt Nam chỉ có thể chuyển biến tốt hơn nếu có được sự đồng bộ từ cơ quan quản lý, doanh nghiệp cho tới người tiêu dùng. Trước mắt cần thực hiện 3T: Tiết giảm, tái chế, tái sử dụng.