Dân Việt

Loạn mua bán, cầm cố, thế chấp sổ BHXH trái phép

Bạch Dương 15/12/2020 12:42 GMT+7
Thời gian gần đây, đặc biệt do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình trạng mua bán sổ BHXH của người lao động tại TP.HCM và một số địa phương lân cận sôi động trở lại.
Cảnh báo tình trạng mua bán sổ BHXH trái phép - Ảnh 1.

Xuất hiện nhiều trang mời chào mua bán sổ BHXH.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều người lao động rơi vào cảnh thất nghiệp và gặp không ít khó khăn về tài chính. Nhiều người đã chọn cách nhận BHXH một lần để trang trải đời sống.

Tuy nhiên, nhiều người lao động chưa đủ điều kiện về thời gian nhận BHXH một lần nhưng do đang cần tiền, nên đã tìm đến một số người thu mua, cầm cố sổ BHXH, chấp nhận nhiều thiệt thòi, thậm chí rủi ro.

Trên những trang facebook dành cho công nhân ở tỉnh Bình Dương như: Công nhân KCN Mỹ Phước Club; Công nhân KCN Bàu Bàng Group; Nhà đất Mỹ Phước 1,2,3,4... xuất hiện dày đặc các đối tượng vào mời chào mua bán sổ BHXH.

Facebook có tên T. mời chào với cam kết: "Có sổ là có tiền. Thủ tục nhanh gọn giao sổ là có tiền liền. Ai mượn hồ sơ đi làm mà không rút được tiền bảo hiểm thì cứ nhắn với em". Chủ tài khoản này đề nghị những công nhân nào cần bán thì chụp hình sổ BHXH gửi qua Zalo "thẩm định" trước.

Theo báo cáo của Công an huyện Củ Chi (TP.HCM), trên địa bàn huyện đã phát hiện hơn 1.000 công nhân thực hiện cầm cố, bán sổ BHXH với hình thức ủy quyền nhận BHXH một lần cho một chủ tiệm cầm đồ vào đầu năm 2020.

Đối với những sổ cầm cố kèm theo CMND, chủ tiệm nhận thế chấp và nhận dịch vụ ủy quyền (có công chứng) cho người này trực tiếp đi nhận tiền tại cơ quan BHXH thay cho người lao động để lấy hoa hồng. Riêng đối với một số lao động ở tỉnh xa thì đã bán luôn sổ.

Quá trình điều tra, Công an huyện Củ Chi đã kiểm đếm, thống kê có hơn 1.000 hồ sơ vay tiền, cầm cố bán sổ theo dạng ủy quyền với số tiền hơn 7,7 tỉ đồng.

Cảnh báo tình trạng mua bán sổ BHXH trái phép - Ảnh 2.

Hành vi mua bán, cầm cố, thế chấp sổ BHXH là phạm pháp.

Phó Giám đốc BHXH TP.HCM Trần Dũng Hà - cho biết: Theo Luật BHXH năm 2014, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp phải chuyển giao sổ BHXH cho người lao động tự quản lý và theo dõi quá trình tham gia BHXH của mình. Đây cũng là biện pháp phòng ngừa tình trạng doanh nghiệp không trả sổ BHXH khi người lao động nghỉ, thôi việc, dùng sổ BHXH này để mua bán trục lợi như trước đây.

Sổ BHXH được xem như một loại sổ tiết kiệm cho người lao động để được hưởng các trợ cấp sau này. Tuy nhiên, từ khi giao sổ BHXH cho người lao động tự quản lý lại xảy ra tình trạng cầm cố, thế chấp, thậm chí bán sổ, làm giấy ủy quyền cho bên mua đi nhận trợ cấp BHXH một lần. Việc mua bán này diễn ra công khai nhưng để chứng minh đây là hành vi mua bán thì lại rất khó vì núp dưới hình thức "ủy quyền".

"Dấu hiệu để nhận biết hiện tượng mua bán sổ BHXH là một người nhận được nhiều giấy ủy quyền để đi nhận trợ cấp BHXH một lần. BHXH TP.HCM đã chỉ đạo các quận huyện kiểm tra, rà soát lại các trường hợp một người được ủy quyền nhận trợ cấp BHXH một lần cho 2 người trở lên, lập văn bản gửi công an thành phố để theo dõi và xử lý theo đúng quy định của pháp luật" - ông Hà nói.

Ông Trần Dũng Hà cho biết thêm: Việc mua bán sổ BHXH không chỉ bất lợi cho người lao động mà còn tiềm ẩn rủi ro cho người mua sổ BHXH. Đối với người bán, số tiền họ nhận được từ người mua sẽ rất ít ỏi so với số tiền cơ quan BHXH chi trả cho họ. Đối với người nhận cầm cố, thế chấp, mua sổ BHXH theo ủy quyền cũng gặp không ít rủi ro. 

Có trường hợp người lao động sau khi cầm cố, thế chấp, bán sổ thì gọi điện cho cơ quan BHXH báo mất sổ, hỏi các thủ tục nhận trợ cấp và làm luôn hồ sơ. Khi đó, người đang cầm sổ BHXH theo ủy quyền đến làm hồ sơ nhận trợ cấp, thì không được cơ quan BHXH giải quyết. 

Trường hợp khác là chẳng may người lao động qua đời, theo luật, BHXH sẽ giải quyết trợ cấp tuất cho thân nhân người lao động. Người mua hoặc nhận thế chấp, cầm cố sổ BHXH sẽ không được giải quyết trợ cấp nhận BHXH một lần, lúc đó sổ BHXH không có giá trị.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM: "Từ khi có dịch Covid-19 đến nay, trên facebook và thị trường xuất hiện tình trạng rao bán sổ BHXH. Đây là một hành vi vi phạm pháp luật. Dịch Covid-19 khiến nhiều lao động thất nghiệp, khó khăn khi tìm công việc mới nên nhiều người muốn nhận tiền BHXH một lần để trang trải cuộc sống.

Lợi dụng tình hình đó, một số đối tượng đi thu mua sổ BHXH của người lao động nhằm mục đích trục lợi. Sổ BHXH không phải là vật để cầm cố, thế chấp, mua bán, vì thế hành động thu gom sổ BHXH dù dưới bất kỳ hình thức nào cũng là hành động bất hợp pháp. Một số tài khoản facebook còn mang tên cơ quan bảo hiểm xã hội là hành vi mạo danh.

Nhiều địa phương đã đề nghị công an phối hợp điều tra xử lý nghiêm các đối tượng mạo danh, trục lợi này theo đúng quy định của pháp luật. Người dân cần tố giác những trang thu mua, gom sổ BHXH của người lao động để công an xử lý các đối tượng này trên môi trường mạng".