Dân Việt

Đọc sách cùng bạn Người của "đại dương thứ năm"

Phạm Xuân Nguyên 15/12/2020 07:00 GMT+7
Chào bạn, ta gặp lại nhau. Hôm nay tôi đưa đến bạn cuốn sách "Nhật ký phi công tiêm kích" của Nguyễn Đức Soát.
Đọc sách cùng bạn "Người của đại dương thứ năm" - Ảnh 1.

Bạn đọc trẻ bây giờ nghe cái tên Nguyễn Đức Soát có thể không biết đó là ai. Nhưng tôi và những người cùng thế hệ thì nhớ rõ ông vì ông là phi công lính chiến  đã bắn rơi nhiều máy bay Mỹ trong thời chiến. Tên ông được ghi bảng vàng chiến công của quân chủng Không Quân cùng các phi công khác như Trần Hanh, Nguyễn Văn Bảy, Nguyễn Văn Cốc, Phạm Thanh Ngân, Phạm Tuân, Vũ Xuân Thiều… Họ đều là những anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Đã biết hay chưa biết Nguyễn Đức Soát thì cả bạn và tôi bây giờ đều là lần đầu tiên được đọc nhật ký đời lính của ông. Ông bắt đầu viết nhật ký ngày 20.3.1966 (khi gần hai mươi tuổi) sau khi sang Liên Xô học bay được 8 tháng và viết đều từ khi học bay đến khi về nước tham gia chiến đấu và ngừng lại ở ngày 31.1.2.1972, một ngày sau khi Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc. Trong bảy năm đó ông đã ghi nhật ký vào 5 cuốn sổ nhỏ, nhưng hai cuốn đã bị mất.

Nhật ký là riêng tư, cá nhân. Người ghi nhật ký là ghi cho mình, không ai được quyền đọc nó. Nguyễn Đức Soát ý thức rõ điều này từ những dòng nhật ký đầu tiên được viết ra. Trong lời "trải lòng" đầu sách ông viết: "Bởi vậy, suốt những năm chiến tranh tôi đã luôn mang theo cuốn sổ nhỏ bên mình, đút vào túi áo ngực bên trái, bên cạnh khẩu súng ngắn trong cả những chuyến bay huấn luyện lẫn xuất kích chiến đấu, một mặt để tiện ghi chép, song chủ yếu là để nếu không may lâm nạn, nhật ký sẽ mãi mãi đi theo tôi." (tr. 150). Ông đã không lâm nạn và cuốn nhật ký vẫn bên cạnh ông. Lẽ thường nó sẽ giữ lại cho riêng ông những ký ức quá khứ để một lúc nào đó rảnh rỗi ông đem ra đọc lại một mình hồi tưởng những tháng ngày đời lính bay của mình. Nhưng trong một lần lục tìm tài liệu để viết một bài truyền thống cho Quân chủng Không quân ông chợt nhận ra nhật ký của ông không chỉ viết về riêng bản thân ông. "Những trang nhật ký trải dài suốt 7 năm tuổi trẻ của tôi đã mô tả một cách trung thực những suy nghĩ của lớp thanh niên thuở ấy về tình yêu Tổ Quốc, về trách nhiệm công dân trước vận mệnh mang tính sống còn của dân tộc; thấy được lòng ham mê và quyết tâm nắm chắc kỹ năng bay để được tham gia chiến đấu; thấy được cả những chiến công oanh liệt và những tổn thất không gì bù đắp của cả một lớp phi công trẻ tuổi vừa rời ghế nhà trường phổ thông, giảng đường trường đại học." (tr. 15). Thế là ông quyết định cho in nhật ký riêng ra thành sách chung để các bạn trẻ hôm nay có cơ hội biết đến cuộc đời của những chàng lính bay trẻ tuổi thời chiến tranh.

NHẬT KÝ PHI CÔNG TIÊM KÍCH

Tác giả: Nguyễn Đức Soát

Nhà xuất bản Trẻ, 2020

Số trang: 438 (khổ 15.5x23cm)

Số lượng: 2.000

Giá bán: 150.000

Nguyễn Đức Soát đã nói đúng về tính chất cuốn nhật ký lính bay của ông, rộng ra là của những cuốn nhật ký lính một thời. Một thời lãng mạn, bay bổng. Một thời hồn nhiên, trong sáng. Một thời được sống và chết cho nhân dân, đất nước là điều cao đẹp giản dị. Nhật ký của người lính bay Nguyễn Đắc Soát cũng như phần nhiều nhật ký của bao người lính ở các quân binh chủng khác đều được viết trong tâm thức và tình cảm của một thời đẹp đẽ như vậy. Trong đó cái riêng tư, cá nhân tự nguyện bị lấn át và che phủ bởi cái tập thể, cộng đồng. Trong đó toát lên sức sống và sức mạnh của lý tưởng. Trong đó người ghi nhật ký như không phải là chủ thể của cuộc đời mình mà như một phần tử của cuộc đời chung. "Nhật ký phi công tiêm kích" vì vậy mở ra trước bạn đọc hành trình Nguyễn Đức Soát trở thành người lính bay với những chiến công của ông và các đồng đội trên mặt trận bảo vệ vùng trời của tổ quốc thân yêu.

"Đại dương thứ năm" là tên gọi bầu trời của lính không quân. Tôi không biết đây là tên do tác giả cuốn sách đặt ra hay đã thông dụng từ lâu trong lính bay, nhưng đọc sách này tôi mới nghe tên gọi đó lần đầu. Và tôi thích tên gọi đó. Chàng trai hai mươi tuổi Nguyễn Đức Soát đã dẫn đưa người đọc cùng anh đi lên đại dương trong không trung từ những ngày học bay ở Liên Xô, từ những buổi trực chiến ở các sân bay trong nước chờ đánh địch, đến những trận đánh trên không quyết liệt và dũng cảm, mưu trí và gan dạ. Ta vui cùng anh niềm vui lần đầu tiên bắn rơi một chiếc máy bay không người lái của Mỹ (tr. 135-37). Càng vui hơn khi đọc được tình cảm đầu tiên của anh là dành cho những người thợ máy dưới mặt đất đã vất vả chuẩn bị máy móc cho chiếc máy bay mình lập được chiến công. Cũng trong niềm vui này ta còn được biết một cách ăn mừng chiến thắng của anh theo kiểu không quân ("làm một chiếc khoan lên") học theo cách của một một phi công huyền thoại - nguyên soái không quân Liên Xô. Ta đau khi anh kể lại việc tên lửa ta bắn trúng máy bay ta (tr. 226). Đặc biệt là nỗi đau đớn của anh khi chính anh bay MiG 21đã bắn trúng một MiG 19: "Máy bay cháy mới biết là nhầm. Bàng hoàng như có ai bất ngờ đập mạnh vào đầu mình. Mình bay về như thằng mất hồn, miệng thì đắng mà mắt mình cay xè". Đó là ngày 19.1.1972. Cấp trên đã xác định lỗi trong việc này không phải của anh nhưng anh không thể vơi đi nỗi buồn đau: "Trong đời chiến đấu của mình nếu có lúc nào đau khổ nhất, nỗi lòng dằn vặt nhất, ân hận nhất thì chính là lúc này. Muốn khóc lên mà không khóc được. Chắc là suốt đêm nay, dù có khóc, có kêu đến hết hơi cũng không nhẹ đi được." (tr. 230). Càng về những tháng ngày năm 1972 nhật ký Nguyễn Đức Soát càng ghi nhiều những sự hy sinh của đồng đội trong các chuyến bay chiến đấu, hoặc hy sinh cùng máy bay bị bắn rơi, hoặc hy sinh sau khi nhảy dù thoát khỏi máy bay. Những trang viết đó của anh trĩu nặng nỗi tiếc thương đồng đội bạn bè đã hy sinh và hừng hực lòng căm thù quân địch cùng quyết tâm chiến đấu cao hơn để trả thù.

Nhật ký Nguyễn Đức Soát viết kỹ lưỡng, tỉ mỉ, cụ thể các hoạt động huấn luyện, chiến đấu của ông và các đồng đội cùng biên đội, đại đội, trung đoàn. Trên các trang nhật ký thấy rõ tên tuổi từng người, những trường hợp chiến đấu và hy sinh, cả những nét phác họa chân dung, tính cách. Khi in thành sách tác giả còn bổ sung những đoạn viết thêm nói rõ một số sự kiện, nhân vật đã ghi trong nhật ký nhưng do là nhật ký viết cho mình nên chỉ vắn tắt, ngắn gọn, nay diễn giải ra để bạn đọc hiểu hơn, nhất là những người không ở trong không quân. Nhưng nhật ký dù sao vẫn là nhật ký, nghĩa là cái phần cá nhân dù cố thu gọn lại vẫn cứ hiện diện, nên anh thanh niên Nguyễn Đức Soát đã thấy buồn khi không được phong quân hàm trung úy đúng niên hạn. Hỏi ra thì là vì "người ta nghĩ mình đã dao động khi tình hình ác liệt và xin đi nằm viện". Nhưng anh đã nhanh chóng vững vàng lại và ghi vào cuối trang nhật ký ngày 23.1.1972: "Lẽ nào mình lại tầm thường đến mức ấy! Mình sống, làm việc và chiến đấu vì một mục đích rõ ràng. Nào phải chỉ vì một lý do ấy mà đã đổ ngã như cành bưởi vững chắc vàng úa vì một con sâu con mềm yếu." (tr. 237) Cũng là vì tính chất nhật ký nên Nguyễn Đức Soát đã ghi lại câu chuyện từ năm 1969 của đứa em trai việc gì cũng biết lên thăm anh ở sân bay kể chuyện làng cho anh nghe: "Từ việc ông chủ nhiệm báo tăng sản lượng lúa lấy thành tích đến đến việc ông Sang tham ô thóc ở trại nuôi lợn." (tr. 176) Những chi tiết đời thực này làm cuốn nhật ký sinh động và chân thực. Thật thú vị khi nghe được một câu văn tục như thế này của lái 1 với lái 2 khi đang quần đảo với giặc trên trời: "Kệ mẹ nó, nó đéo làm gì được mình đâu!" (tr. 268). Câu văn này của chính Nguyễn Đức Soát và anh đã ghi lại trong nhật ký, bây giờ đọc lại thấy vẫn rất trẻ trung, sảng khoái. Hoặc từ chuyện tình của một đồng đội không được đơn vị cho yêu cô gái mình yêu vì cô có vẻ không đứng đắn, anh hạ một câu: "Mình nghiệm thấy bọn lái máy bay thường chả mấy đứa gặp may mắn trong hạnh phúc." (tr. 355).

Văn phong nhật ký này là văn phong của một người yêu thích văn thơ, có thể đã từng là học sinh giỏi văn, nên đọc trong sáng, rõ ràng, có cảm xúc. Nguyễn Đức Soát ghi lại trong nhật ký cả những bài thơ ông làm thời ấy, cả những tên sách ông đã đọc trong những ngày trực chiến. Tôi rất thích những ví von, so sánh của Nguyễn Đức Soát, nó chứng tỏ con mắt văn chương của một người trai thôn quê nay đang bay lượn trên bầu trời. Xin dẫn một số câu: "Trăng khuyết lơ lửng như một miếng khoai thái lệch treo giữa trời." (tr. 67), "Cả ngày trời quang mây, chỉ có vài vạt mây nhỏ lông bông chạy như lũ trẻ chăn trâu trên đồng nội." (tr. 132), "Mấy quả núi nhỏ ôm lấy phía Bắc, phía Tây và phía Đông khu nhà mình ở cong cong như chiếc vai cày, hiện lên rõ nét như một người họa sĩ khéo tay và cẩn thận nào đó sính dùng mực Tàu tô đậm giữa nền xanh." (tr. 170-71), "Trời đã xấu liền ba ngày, mây lúp xúp như một chiếc nồi đất khổng lồ, tựa vào mấy mỏm núi bao quanh khu mình ở như bắc ở trên bếp vậy." (tr. 174), "Cây gạo đang dập tắt nốt những ngọn đèn đỏ trên thân chúng." (tr. 241), "Những hố bom bọn Mỹ mới đào lên trưa mùng 2 tháng 9 ở sân bay này như những con mắt thiếu ngủ ngơ ngác nhìn trời." (tr. 323)…

Người lính bay Nguyễn Đức Soát mang một tâm hồn văn chương. Ngoài câu văn, giọng văn, bài thơ, trong nhật ký ông còn ghi lại những suy nghĩ của mình về văn chương nghệ thuật: "Đọc một quyển sách, một trang thơ, mình đặc biệt yêu thích, cũng có cảm tưởng họ viết về mình. Rồi sau mỗi chi tiết lý thú, mình lại suy nghĩ, so sánh và còn phê phán nữa. Tất nhiên là không phải để trở thành một nhà phê bình văn học." (tr. 217). Suy nghĩ này ông mở rộng hơn nhân lần được gặp nhà văn Hữu Mai, tác giả bộ tiểu thuyết "Vùng trời" viết về không quân đến đơn vị lấy tư liệu (tr. 295). Hơn thế ông còn có những nhận xét về nghệ thuật dân gian dân tộc tinh tế. Ngày 14.8.1972 khi đi dự Hội nghị điển hình tiên tiến Quân chủng Không quân tổ chức ở chùa Trầm, ông đã cùng mấy người bạn đến thăm chùa Trăm Gian. Ngắm nhìn những bức tượng Phật ở đây về ông đã ghi vào nhật ký: "Chính những nét hoa văn trong nghệ thuật dân gian này đã làm thế giới ngạc nhiên. Người ta không còn nghĩ nền nghệ thuật cũ của dân tộc mình chỉ là một hiện tượng lặp lại của Trung Quốc và Ấn Độ. Nó có sắc thái riêng: nhẹ nhàng, sắc sảo, tinh vi mà không kém phần độc đáo. Chỉ có những người nghèo mà thông minh mới sáng tạo nổi." (tr. 306). Quả đáng giật mình trước suy nghĩ này của một anh lính 26 tuổi giữa lúc chiến tranh ác liệt đang diễn ra!

Phi công tiêm kích Nguyễn Đức Soát sinh 1946, nhập ngũ 1965, bắn rơi 6 máy bay Mỹ, Anh hùng lực lượng vũ trang, từng kinh qua các chức vụ Tư lệnh Không quân, Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đó là sự nghiệp đáng tự hào của một con người làm lính bay thời chiến vẫy vùng ở "đại dương thứ năm" để bảo vệ vùng trời xanh đẹp của tổ quốc. Nhưng cuốn nhật ký của ông viết ở tuổi hai mươi bây giờ được công bố cho ta gặp ông như gặp chính mình khi đang là một chàng trai, một người lính trẻ đầy nhiệt huyết cống hiến sức lực cho tổ quốc. "Tổ Quốc ơi! Người lớn lao hơn mọi điều tôi biết. Người sâu xa hơn mọi điều tôi đã nghĩ. Đứng trên đồi cao này, một lần nữa tôi đã hiểu thêm rằng cuộc đời tôi đã được hiến trọn cho đất nước!" (tr. 302). Dòng máu nóng, ngọn lửa sáng ấy của lòng yêu nước vẫn nóng sáng trên từng trang nhật ký Nguyễn Đức Soát sau hơn nửa thế kỷ.

Hẹn bạn lần tới với một cuốn sách mới khác.

Hà Nội 14.12.2020