Dân Việt

Hà Nam: Doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao phải cam kết tuyển dụng lao động địa phương

Võ Hồng Nhân 09/12/2020 07:15 GMT+7
Những năm qua, Hà Nam được đánh giá là một trong những điểm sáng trong thu hút đầu tư. Làm được việc này, Hà Nam có nhiều kinh nghiệm quý để các địa phương có thể tham khảo từ việc tập trung đất đai, tạo nền tảng cho ứng dụng công nghệ, phát triển sản xuất nông nghiệp.

Trong cuộc trò chuyện với Dân Việt, ông Nguyễn Đức Vượng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam đã có những chia sẻ xung quanh các chính sách thu hút đầu tư doanh nghiệp, cách làm của tỉnh để thu hút đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao phát triển.

Những năm qua, Hà Nam được đánh giá là một trong những điểm sáng trong thu hút đầu tư, trở thành tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng. Xin ông điểm lại những kết quả thu hút doanh nghiệp đầu tư vào phát triển kinh tế nói chung, phát triển nông nghiệp nói riêng trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn vừa qua?

Trong những năm qua, các chính sách thu hút đầu tư đã đem lại hiệu quả, do đó tỉnh Hà Nam luôn đứng trong top 10 của cả nước về thu hút đầu tư.

anh-1 Thành phố phủ lý.jpg

Tỉnh Hà Nam luôn đứng trong top 10 của cả nước về thu hút đầu tư. Ảnh: Trung Nguyên.

Đến nay, toàn tỉnh Hà Nam có 710 dự án đầu tư còn hiệu lực với số vốn đăng ký là gần 7 tỷ USD. Trong đó có 200 dự án FDI và 7 dự án đầu tư nông nghiệp công nghệ cao. Nổi bật có 3 doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Tập đoàn Vingroup (Xuân Khê, Nhân Bình - Lý Nhân), Công ty giống cây trồng Trung ương (Nhân Khang - Lý Nhân) và Công ty Cổ phần công nghệ cao Phù Vân.

Ba khu vực này đã đi vào sản xuất với diện tích 205 ha, bước đầu đã đạt hiệu quả kinh tế cao, giá trị sản xuất đạt gần 2 tỷ đồng/ha/năm.

Ngoài ra, tỉnh Hà Nam đang triển khai dự án đầu tư xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Thụy Lôi - Kim Bảng với diện tích 50 ha.

Hiện nay, đã có 1.857 ha của các hộ dân, tổ hợp tác, HTX thực hiện tập trung đất đai để tham gia sản xuất liên kết chuỗi với các doanh nghiệp...

Sự tham gia đầu tư của các doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp đã tạo ra những đột phá gì cho quá trình tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của tỉnh, thưa ông?

Các doanh nghiệp đầu tư đã tạo điều kiện thúc đẩy nền sản xuất nông nghiệp của tỉnh Hà Nam phát triển theo hướng công nghiệp hóa, ứng dụng công nghệ cao, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến, có năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao, thân thiện với môi trường. Hình thành các chuỗi sản xuất liên kết giữa các hộ nông dân với các cơ sở chế biến, tiêu thụ nông sản.

Từ các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đã tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, vùng lõi để chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho các tổ hợp tác, hợp tác xã và các hộ nông dân.

Đồng thời nâng cao nhận thức của người nông dân từ sản xuất tự phát sang sản xuất theo hợp đồng kinh tế, từng bước khắc phục tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa.

Nhờ đó, góp phần chuyển dịch mạnh mẽ lao động nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, làm nền tảng để xây dựng Hà Nam phát triển nhanh bền vững, tăng thu nhập, nâng cao đời sống của người nông dân góp phần đẩy nhanh tốc độ thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Hà Nam có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (83/83 xã), trong đó, có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và 6/6 huyện, thành phố, thị xã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Một trong những rào cản khiến doanh nghiệp e ngại đầu tư vào nông nghiệp nông thôn là đất sản xuất manh mún, khó hình thành vùng sản xuất tập trung. Được biết, những năm qua, tỉnh Hà Nam đã có nhiều sáng kiến trong việc tập trung đất đai phục vụ xây dựng vùng nguyên liệu, khu nông nghiệp công nghệ cao của các doanh nghiệp. Những đột phá chính sách ấy là gì, thưa ông?

Từ tình trạng ruộng đất không đồng đều, nhỏ lẻ, manh mún, bình quân đầu người thấp, gây khó khăn cho việc đưa cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Đến việc, nhu cầu lao động cho các khu công nghiệp, cụm tiểu thủ công nghiệp và làng nghề ngày càng tăng.

Vì vậy, phát triển nông nghiệp hàng hóa trong giai đoạn mới đã đặt ra nhiều yêu cầu đòi hỏi tỉnh Hà Nam phải có những chính sách phù hợp để thúc đẩy phát triển sản xuất...

anh-2 Tp Phủ Lý.jpg

Tỉnh Hà Nam tập trung đột phá 6 hướng. Ảnh: Trung Nguyên.

Theo đó, chúng tôi tập trung vào những đột phá về 6 hướng, cụ thể: Thứ nhất, về công tác quy hoạch, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thành phố, thị xã rà soát, bổ sung quy hoạch để đảm bảo đồng bộ, thống nhất với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bên cạnh đó, cũng tổ chức tốt công tác quản lý quy hoạch và xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm quy hoạch.

Thứ hai, về cơ chế chính sách, tỉnh cũng tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chính sách phù hợp với chủ trương của Trung ương để thu hút đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp.

Trong đó đầu tư hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, thông tin liên lạc thông qua các văn bản cam kết giữa UBND tỉnh và doanh nghiệp.

Đồng thời, hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đầu tư các công trình hạ tầng như giáo dục, y tế, nhà ở cho công nhân, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng điện, đường, thủy lợi, thông tin liên lạc đến chân hàng rào cho các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Chúng tôi cũng đã hỗ trợ cho các tổ hợp tác, HTX tham gia tập trung đất đai để sản xuất nông sản sạch làm vệ tinh liên kết chuỗi với các cơ sở, doanh nghiệp….

Thứ ba về chính sách đất đai, lãnh đạo tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo dồn điền đổi thửa trên phạm vi toàn tỉnh. Kết quả đến nay, chỉ còn 1,2 - 1,7 thửa/hộ, giảm so với trước dồn đổi là trên 3 thửa/hộ, thuận lợi cho việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất.

Nhờ có những chính sách phù hợp về đất đai, tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi để các hộ dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhưng không làm thay đổi mục đích sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo chuỗi liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch.

Bên cạnh đó, chúng tôi còn khuyến khích hình thức tập trung đất đai thông qua hợp đồng thuê đất của người dân để phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Các cấp chính quyền huyện và xã trực tiếp chỉ đạo tập trung đất đai trong vùng quy hoạch nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo bình thức thuê đất của người dân 20 năm, sau đó tỉnh cho doanh nghiệp thuê lại đúng bằng giá thuê đất của người dân.

Thứ tư về thủ tục hành chính, chúng tôi cho rằng đây là vấn đề quan trọng cần phải làm ngay, làm triệt để. Chúng tôi đã cải cách thủ tục hành chính theo hướng giảm bớt thủ tục, rút ngắn thời gian cấp giấy phép đầu tư, nâng cao chất lượng thẩm định dự án đầu tư theo hướng lựa chọn những doanh nghiệp áp dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, sử dụng tiết kiệm đất…

Thứ năm là về xúc tiến đầu tư, UBND tỉnh Hà Nam đã đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư trong nước và nước ngoài thông qua các chương trình hợp tác giữa tỉnh Hà Nam với Hàn Quốc, Nhật Bản.

Đồng thời hỗ trợ cho các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất tham gia các chương trình xúc tiến đầu tư trong nước, hội chợ. Hỗ trợ các cơ sở sản xuất xây dựng thương hiệu, tem truy xuất nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa và hỗ trợ kinh phí thành lập tổ hợp tác, HTX….

 Cuối cùng về chính sách thuế, tỉnh Hà Nam tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp được hưởng các chính sách thuếưu đãi, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu….

148652386148841-tuong-3.jpg

Thủ tướng ấn nút khởi động sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại nông trường VinEco Hà Nam.

Nói đến đất đai, nhiều người vẫn nghĩ đây là vấn đề nhạy cảm, tâm lý người nông dân vẫn muốn giữ lại đất ruộng dù có thể không sản xuất, bỏ hoang. Vậy, tỉnh Hà Nam đã hóa giải những mâu thuẫn này như thế nào để tạo được sự đồng thuận trong tập trung đất đai, thưa ông?

Về vấn đề này, quan điểm chỉ đạo của tỉnh là phải làm tốt công tác tuyên truyền vận động để người dân đồng thuận với chủ trương tập trung đất đai của tỉnh. Phải tôn trọng và phát huy quyền làm chủ thực sự của người dân, thực hiện nghiêm quy chế dân chủ ở cơ sở, cán bộ làm công tác vận động phải lắng nghe đầy đủ tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để có biện pháp giải quyết phù hợp.

Những hộ dân thực sự có nhu cầu cần đất nông nghiệp để sản xuất thì chính quyền địa phương dồn đổi sang vị trí khác được đầu tư bổ sung hạ tầng giao thông thủy lợi có điều kiện sản xuất bằng hoặc tốt hơn vị trí hiện tại để sản xuất có hiệu quả.

Về giá thuê đất, tỉnh cũng đặt ra nhiều yêu cầu, trong đó phải đảm bảo khách quan và có lợi cho người dân có đất cho thuê (tối thiểu phải bằng hoặc cao hơn lợi nhuận của người dân thu được khi tổ chức sản xuất), thời gian thuê đất phải đảm bảo thuận lợi cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất và thu hồi được vốn đầu tư.

Bên cạnh đó, các hộ dân có đất cho thuê vẫn giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa đỏ), UBND huyện giao nhiệm vụ cho các phòng, ban chuyên môn liên quan theo dõi không để xảy ra tình trạng hộ dân đã cho thuê đất nhưng vẫn thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Về phía chính quyền địa phương, Huyện ủy, UBND các huyện ban hành nghị quyết chuyên đề và chỉ đạo các chi bộ họp triển khai thực hiện để tập trung sự lãnh đạo thống nhất phương án thực hiện hiệu quả.

Nhờ vậy, những mâu thuẫn về đất đai được hóa giải, tỉnh Hà Nam tạo được sự đồng thuận cao trong tập trung đất đại.

Việc phát triển các khu công nghiệp, khu nông nghiệp công nghệ cao đồng nghĩa với việc diện tích đất sản xuất tập trung sẽ lớn, một bộ phận nông dân sống phụ thuộc vào nông nghiệp sẽ bị ảnh hưởng, nhất là những người đã quá tuổi vào làm việc tại các khu công nghiệp. Hà Nam hóa giải những thách thức này như thế nào, thưa ông?

Chúng tôi đã yêu cầu các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh phải cam kết tuyển dụng lao động địa phương vào làm việc theo thứ tự ưu tiên: Hộ có ruộng cho thuê, thôn có ruộng cho thuê, xã có ruộng cho thuê sau đó mới đến các xã lân cận…

Những lao động có đất cho thuê có nhu cầu làm việc cho doanh nghiệp thì đăng ký để doanh nghiệp bố trí, sắp xếp cho phù hợp với độ tuổi, sức khỏe… Còn đối với lao động quá tuổi làm việc trong các khu công nghiệp, được đào tạo kỹ thuật nông nghiệp theo yêu cầu sản xuất.

Doanh nghiệp cũng phải xây dựng phương án bố trí việc làm phù hợp với từng lứa tuổi và sức lao động và được phân công cụ thể: Những lao động trẻ, tinh nhanh được bố trí làm việc trong khu công nghệ cao, lao động có sức khỏe, bố trí làm việc việc phổ thông ngoài trời…; những lao động đủ sức khỏe thì làm việc 8 giờ/ngày, những lao động sức khỏe không đảm bảo làm việc nhẹ nhàng hơn như thu hoạch rau buổi sáng, với thời gian 4 giờ/ngày…

Từ những cách làm đó, những thách thức về phía người nông dân được chính quyền địa phương tìm hướng giải quyết theo hướng có lợi nhất cho người dân.

anh-3Khu công nghệ cao tại xã Xuân Khê.JPG

Doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao phải cam kết tuyển dụng lao động địa phương. Ảnh ghi tại khu công nghệ cao tại xã Xuân Khê (Trung Nguyên).

Xin ông cho biết, trong nhiệm kỳ tới, tỉnh Hà Nam sẽ có những chính sách, giải pháp gì mang tính đột phá để tiếp tục thu hút doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn?

Trong kì Đại hội vừa qua, Hà Nam đặt ra nhiều mục tiêu phải làm, trong đó cũng vạch rõ những việc cần để đưa tỉnh nhà phát triển, tập trung vào một số ý chính sau:

Đầu tiên là cơ chế chính sách thu hút đầu tư của tỉnh giai đoạn 2015 - 2020 vẫn tiếp tục được áp dụng trong nhiệm kỳ 2021 – 2025.

Đồng thời, chỉ đạo các Sở, ngành rà soát những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để có giải pháp tháo gỡ kịp thời.

Tiếp đó, tỉnh phải đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn để hình thành những vùng sản xuất vệ tinh liên kết với các doanh nghiệp.

Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư trong nước và nước ngoài để kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư sản xuất.

Cuối cùng là làm tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân ủng hộ chủ trương tập trung đất đai để các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có mặt bằng sạch, giá thuê, thời gian thuê đất hợp lý, đảm bảo lợi ích của cả 2 bên: người cho thuê đất và doanh nghiệp thuê đất.

 Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!