11h trưa, trên diện tích 21ha trồng dưa lưới tại xã Nhân Khang (huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) vẫn tấp nập công nhân làm việc. Họ là những công nhân đang thụ phấn cho dưa lưới. Những bàn tay thoăn thoắt, đưa phấn từ hoa đực, rồi lại sang hoa cái, cứ thế từng quả dưa đảm bảo chất lượng bắt đầu ra đời.
Phía xa, ông Nguyễn Hải Thọ - Giám đốc Hà Nam Hitech tỉ mỉ quan sát sự phát triển của từng cây dưa. Ông Thọ cẩn thận nâng từng trái dưa xem xét kích thước, cân nặng để tính toán chất lượng tốt nhất.
Trao đổi với phóng viên, ông Thọ cho biết: "Mô hình dưa lưới công nghệ cao của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao Hà Nam có quy mô lên đến 22ha, trong đó gần 10ha trồng dưa trong nhà lưới theo tiêu chuẩn VietGAP.
Những giống dưa lưới đang được chúng tôi đưa vào sản xuất đều có nguồn gốc từ Nhật Bản như: Taki, Taka, Akina, Ichiba…
Cuối năm 2016, mô hình dưa lưới áp dụng công nghệ cao được xây dựng, trải qua 4 năm chúng tôi có cho mình được nhiều kinh nghiệm quý giá, mở rộng liên kết với người dân tạo nguồn dưa cung cấp ổn định cho thị trường".
Theo đó, mô hình tập trung trồng các giống dưa Nhật Bản, áp dụng công nghệ tưới, chăm sóc tiên tiến.
100% sản phẩm được kiểm soát về chất lượng chặt chẽ. Với những nỗ lực không ngừng, thành tựu đạt được là sản lượng đạt khoảng 20-30 tấn/ha.
Theo ông Nguyễn Hải Thọ, tại Lý Nhân, công ty đang áp dụng mô hình trồng gối vụ, vừa ươm cây, chăm sóc, và vừa có dưa lưới bán. Nhờ đó thị trường thu nhận được một lượng dưa ổn định, công ty luôn có nguồn dưa dồi dào cung cấp.
Mô hình trồng dưa tại đây cũng phát triển các vệ tinh xung quanh, tạo điều kiện cho người dân phát triển.
Hiện nay, tại Hà Nam có 4 gia đình trồng dưa và xây dựng nhà kính với diện tích 500m2/mô hình, thực hiện liên kết với Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển NNCNC Hà Nam.
Theo chị Nguyễn Thị Nhung (xã Bình Nghĩa, huyện Bình Lục) chia sẻ: "Với 500 m2 nhà kính trồng dưa lưới, sau một vụ giúp gia đình tôi lãi 20 triệu đồng.
Những vụ tiếp theo khi đã nắm được kỹ thuật chắc cây dưa sẽ cho năng suất cao hơn. Tôi thấy mô hình này hiệu quả kinh tế cao, nhà tôi vừa trồng xong một vụ, đang chuẩn bị đất để sản xuất vụ mới".
"Để giúp mô hình trong người dân phát triển, phía chúng tôi cung ứng toàn bộ vật tư, phân bón, giống, hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người dân địa phương. Hiện nay giá cả thị trường cạnh tranh khoảng 40.000 -50.000 đồng/kgtùy thuộc vào biến động thị trường", ông Nguyễn Hải Thọ cho biết.
Ông Nguyễn Hải Thọ đánh giá, việc trồng dưa lưới tại Hà Nam có nhiều điều kiện thuận lợi, từ khí hậu, đất đai đến chính sách của tỉnh.
"Thứ nhất, tại Hà Nam có điều kiện thời tiết khí hậu thích hợp, so với các vùng xung quanh số giờ năng cao hơn nhiều. Thứ hai, việc trồng dưa trên đất tại Hà Nam cho vị ngọt hơn một số vùng khác. Thứ ba là điều kiện giao thông, của ngõ thủ đô nên Hà Nam là nơi vận chuyển hàng hóa đi các tỉnh rất nhanh. Và cuối cùng là chính sách hỗ trợ của UBND tỉnh Hà Nam đối với doanh nghiệp và người dân, như tạo điệu kiện về đất đai, đường sá, cơ sở vật chất", ông Thọ nhấn mạnh.
Ông Tăng Xuân Hòa – Phó Trưởng ban Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nói: "Nhân Khang là trung tâm sản xuất dưa lưới của tỉnh, đem lại lợi ích kinh tế rất cao. Đồng thời tại đây cũng giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục lao động, người dân cho thuê đất cũng được hưởng lợi rất nhiều.
Không những thế, mô hình liên kết các nhà với nhau, tạo nên những vệ tinh vững chắc giúp mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao phát triển".
Theo ông Hòa, qua nghiên cứu thị trường những năm gần đây nguồn dưa lưới sạch thiếu rất là nhiều, trong nước cung cấp chỉ được 30% nhu cầu, còn lại phải đi nhập từ các nước.
"Giá trị sản xuất trong vùng tích tụ, tập trung đất đai bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, hiệu quả sản xuất tăng từ 20 - 30%. Giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nhà kính ước đạt từ 3-4 tỷ đồng/ha/ năm, khu sản xuất ngoài trời ước đạt từ 1,2-1,4 tỷ đồng/ha/năm, bình quân ước đạt 2 tỷ đồng/ha/năm.
Việc huyện Lý Nhân mạnh dạn với mô hình dưa lưới đã tạo tiền đề cho nông nghiệp công nghệ cao tại Hà Nam phát triển mạnh mẽ, thời gian tới tỉnh sẽ có những kế hoạch, chiến lược lâu dài đểđẩy mạnh hướng đi này", vị Phó trưởng ban nói.
Thông tin từ Sở NNPTNT tỉnh Hà Nam, toàn tỉnh đã quy hoạch 6 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 651,88 ha. Hiện nay đã có 3 khu đi vào hoạt động đem lại hiệu quả kinh tế cao với diện tích 204,2 ha (trong đó khu Nhân Khang 21,6 ha; Khu Xuân Khê - Nhân Bình 180 ha; Khu Phù Vân 2,6 ha).
Đã kêu gọi được một số doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế, kỹ thuật tham gia vào đầu tư sản xuất nông nghiệp úng dụng công nghệ cao, đây thực sự là những hạt nhân để dẫn dắt mở ra hướng sản xuất hàng hóa mới. Từ mô hình tập trung đất đai của các doanh nghiệp, các hộ dân, hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp trong tỉnh cũng tích cực tham gia.
Đến năm 2020 có 161 mô hình tích tụ, tập trung đất đai với diện tích 1.857 ha để sản xuất lúa, rau củ quả, hoa, cây dược liệu, cây ăn quả tham gia chuỗi liên kết sản xuất nông sản sạch.
Việc tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn đã góp phần thay đổi phương thức sản xuất nông hộ nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa tập trung theo chuỗi liên kết và hướng đến chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn, sản phẩm sạch.
Nhận thức của người dân về sản xuất nông sản sạch, nông sản an toàn đã được nâng lên, nhiều HTX, tổ hợp tác sản xuất chuyên khâu tham gia chuỗi liên kết được thành lập, bước đầu đem lại hiệu quả.