Trước khi Thế chiến II nổ ra, tướng Herman Goering, tư lệnh không quân phát xít Đức đã rất tự tin vào sức mạnh tấn công của các chiến đấu cơ nước này và hùng hồn tuyên bố rằng quân Đồng minh sẽ không bao giờ có cơ hội ném bom xuống các thành phố Đức được.
Ngày 25/8/1940, Không quân Hoàng gia Anh (BRAF) đã nhanh chóng đưa ra câu trả lời thích đáng cho tuyên bố này bằng cách điều oanh tạc cơ thực hiện 70 cuộc không kích vào thủ đô Berlin. Máy bay quân Đồng minh sau đó còn tiếp tục dội bom thêm 363 lần nữa trước khi chiến tranh kết thúc năm 1945.
Để tránh tổn thất nặng nề bởi không quân Đồng minh ngay tại thủ đô, trùm phát xít Adolf Hitler và đội ngũ tham mưu đã lên kết hoạch xây dựng ba pháo đài phòng không khổng lồ bằng bê tông kiên cố, có kiến trúc giống các tòa lâu đài thế kỷ 20, quanh Berlin. Ngoài ra, phát xít Đức còn xây thêm ba pháo đài nữa, một ở Vienna và hai công trình còn lại ở thành phố cảng chiến lược Hamburg.
Các pháo đài phòng không của phát xít Đức là một biện pháp đáp trả những cuộc không kích của quân Đồng minh trong Thế chiến II. Các tòa tháp khổng lồ này được trang bị pháo phòng không siêu lớn để ngăn chặn máy bay Đồng minh, đồng thời là nơi bảo vệ vũ khí đạn dược khỏi các vụ ném bom.
Ông trùm phát xít Đức tỏ ra rất quan tâm tới các pháo đài này đến mức tự tay phác họa mặt tiền cho chúng. Ngoài mục đích quân sự, các pháo đài này còn đóng vai trò như biểu tượng đáng sợ của Đức Quốc xã, nhằm phô trương thanh thế phục vụ mục đích tuyên truyền của Hitler.
Do quy mô khổng lồ của các pháo đài phòng không này, phát xít Đức đã huy động những nguồn lực chiến lược của quốc gia vào quá trình xây dựng. Hitler đã điều chỉnh kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt quốc gia và ra lệnh cho các xà lan đến những nơi xa xôi như Pháp và Hà Lan để chuyển những khối bê tông và nguyên vật liệu đến các địa điểm tập kết xây dựng.
"Để xây dựng một pháo đài phòng không kiểu này cần tới 100.000 tấn đá dăm, 78.000 tấn sỏi, 35.000 tấn xi măng, 9.200 tấn thép và 15.000 mét khối gỗ", sử gia Michael Foedrowitz nói trên kênh National Geographic. "Vấn đề lớn nhất với người Đức là làm thế nào để vận chuyển khối lượng nguyên vật liệu khổng lồ này".
Thế nhưng, phát xít Đức đã hoàn thành bà pháo đài phòng không ở Berlin chỉ trong vòng 6 tháng.
Các pháo đài phòng không được xây dựng theo từng cặp, với một tháp pháo gọi là Gefechsturm đi kèm với một tháp chỉ huy có tên là Leitturm. Nhờ sử dụng các chảo radar kích cỡ lớn, các tháp chỉ huy có thể phát hiện oanh tạc cơ Đồng minh từ khoảng cách 80,4 km.
Các tháp pháo được trang bị một khẩu đội gồm 8 pháo phòng không 128 mm, phiên bản siêu lớn của pháo 88 mm nổi tiếng. Ngoài ra mỗi tháp pháo còn có thêm một loạt pháo tự động nhỏ hơn để chống máy bay tầm thấp.
Khi khai hỏa đồng loạt, 8 khẩu pháo 128 mm này có thể bắn lên trời 48 quả đạn pháo đáng sợ mỗi phút, tạo ra lưới hỏa lực phòng không dày đặc vây quanh máy bay Đồng minh.
Tuy nhiên, việc cấp đạn dược cho các khẩu pháo siêu lớn này thực sự là một cực hình với đội ngũ hậu cần. Các kỹ sư Đức đã phải lắp một thang máy cơ khí chuyên dùng để vận chyển đạn pháo lên đỉnh tháp. Ngoài ra, họ cũng lắp các cần cẩu trên đỉnh để hỗ trợ cho nhiệm vụ chuyển những thùng đạn pháo nặng nề.
Giá trị quân sự lớn
Việc vận chuyển đạn khó khăn là vậy nhưng các tháp pháo phòng không này đã chứng minh được giá trị lớn về mặt quân sự. Khu vực trung tâm đô thị đông đúc của thành phố Berlin được xây dựng từ thời trung cổ, thế nên các khẩu đội phòng không trên mặt đất sẽ có tầm quan sát rất hạn chế vì vướng các tòa nhà. Khi được đặt trên đỉnh tháp cao 7 tầng, những khẩu pháo phòng không cỡ lớn có thể khai hỏa trúng mục tiêu ở cách xa 12,8 km từ mọi hướng.
Các pháo đài phòng không cũng đóng vai trò như những hầm trú bom cho hàng nghìn dân thường Berlin. Với trần dày 3,04 mét, các tòa tháp hoàn toàn đứng vững trước những đợt không kích của phe Đồng minh.
Các pháo đài phòng không này nguy hiểm đến mức không quân các nước Đồng minh phải khuyến cáo phi công khi thực hiện nhiệm vụ ném bom Berlin phải liên tục chuyển hướng bay và độ cao để né tránh hỏa lực phòng không đáng sợ của đối phương. Chỉ cần chuyển hướng chậm vài giây, máy bay rất dễ rơi vào lưới lửa phòng không từ những khẩu pháo 128 mm đang phục sẵn.
Khi Hồng quân Liên Xô tấn công dồn dập vào Berlin năm 1945, các tòa pháo đài phòng không này trở thành những cứ điểm vũ trang kháng cự cuối cùng, bởi đơn giản là chúng rất kiên cố và gần như không thể bị phá hủy. Các kíp pháo thủ phòng không đã hướng nòng pháo xuống để tấn công xe tăng Liên Xô trên mặt đất.
Các lực lượng xung kích của Liên Xô đã không tài nào xuyên thủng được những bức tường thành khổng lồ, và cuối cùng họ chỉ còn cách đi vòng qua các pháo đài này. Các pháo đài phòng không ở Berlin chỉ đầu hàng sau khi lực lượng hậu cần tháo chạy.
Phần lớn các tòa tháp này vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay ở Đức và Áo. Nếu muốn phá hủy những bức tường bê tông kiên cố, một số dày tới 3,35m, người ta phải cần tới một lượng thuốc nổ rất lớn ở khu vực rất gần với khu dân cư. Vì thế chúng vẫn cao sừng sững ở đó như chứng tích lịch sử đáng sợ của phát xít Đức một thời.