Xu thế dân số già hóa nhanh ở Việt Nam
Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73,6 tuổi; trong đó, tuổi thọ nam giới là 71 tuổi, nữ giới là 76,3 tuổi. Từ năm 1989 đến nay, tuổi thọ trung bình của Việt Nam liên tục tăng, từ 65,2 tuổi năm 1989 lên 73,6 tuổi năm 2019. Chênh lệch về tuổi thọ trung bình giữa nam và nữ qua hai cuộc tổng điều tra gần nhất hầu như không thay đổi, duy trì ở mức khoảng 5,4 năm.
Hiện tại, ở Trung tâm Bách Niên Thiên Đức có 400 người cao tuổi sinh sống, trong đó 70% là các cụ mang bệnh lý trong người. Những người cao tuổi sống tại đây cảm thấy rất hạnh phúc khi cuối đời nhận được sự quan tâm, chăm sóc phụng dưỡng như người thân trong gia đình.
Năm 1960, tuổi thọ bình quân của dân số thế giới là 48 tuổi, của dân số Việt Nam là 40 tuổi - thấp hơn tuổi thọ bình quân của thế giới 8 tuổi; nếu tính theo mức tăng tuổi thọ bình quân cao nhất là 0,1 tuổi/năm thì cần khoảng 80 năm để tuổi thọ bình quân của Việt Nam tăng lên bằng mức chung của thế giới.
Năm 2019, tuổi thọ bình quân của dân số thế giới là 72 tuổi, của dân số Việt Nam đã là 73,6 tuổi, cao hơn tuổi thọ bình quân của thế giới 1,6 tuổi. Nếu cũng tính theo mức tăng tuổi thọ bình quân cao nhất là 0,1 tuổi/năm thì dân số Việt Nam đã già hóa hơn dân số thế giới khoảng 16 năm. Như vậy tổng thời gian dân số Việt Nam già hóa nhanh so với mức chung của thế giới là khoảng 96 năm.
Với tốc độ già hóa dân số nhanh như hiện nay, để việc chăm sóc, bảo vệ người cao tuổi tốt hơn, thời gian qua nhiều cơ sở viện dưỡng lão đã được thành lập. Tuy nhiên, trên thực tế số lượng các viện dưỡng lão chuyên biệt về chăm sóc người gia vẫn ở con số khiêm tốn và hầu hết chưa đáp ứng được đầy đủ các điều kiện cơ sở vật chất.
Cần thay đổi quan điểm
GS Nguyễn Đình Cử - nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội cho biết, trước đây, phần lớn người cao tuổi ở nước ta sống chung với con cháu theo kiểu gia đình truyền thống "tam tứ đại đồng đường" và được người thân chăm sóc.
Tuy nhiên, trong xu hướng chuyển đổi mạnh từ gia đình truyền thống sang gia đình hạt nhân, con cái sống xa cách và bận rộn hơn, việc ở chung giữa các thế hệ cũng nhiều khó khăn. Theo GS Nguyễn Đình Cử, ở các nước phát triển, người cao tuổi thường sống trong các trung tâm dưỡng lão ban ngày hoặc cả tuần, cả tháng. Xu hướng này cũng sẽ ngày càng phát triển ở nước ta trong tương lai.
Cụ B.M.Q (80 tuổi, ở quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết, trước đây cụ từng làm qua giám đốc của nhiều công ty nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật Bản... Sau khi về hưu, cụ dành thời gian đi du lịch khắp thế giới, đến khi đi không được nữa thì chủ động đăng ký vào viện dưỡng lão để an dưỡng. Cụ cho hay: "Tôi có hai đứa con, con gái lớn lấy chồng và mở công ty riêng, còn cậu con trai hiện đang làm việc ở Pháp, thời gian về Việt Nam cũng không có mấy. Một mình tôi lủi thủi thì không ngại, nhưng con gái vì lo cho bố nên dù công việc bận rộn nó vẫn phải bận tâm. Sau khi vào viện dưỡng lão, tôi cảm thấy rất thoải mái. Ăn uống và vệ sinh thì có người chăm lo. Tôi cũng kết bạn được với rất nhiều bạn bè ở trong viện, không còn buồn chán như ngày trước".
Cụ N.V.T (82 tuổi, ở Nam Từ Liêm, Hà Nội) có 2 con gái, ông bị ung thư, sức khỏe giảm sút và bệnh viện cho về chăm sóc tại nhà vì bệnh tình nặng, ước tính chỉ sống được chưa đầy năm nữa. Ông quyết định vào Trung tâm Bách Niên Thiên Đức (Hà Nội). Khi vào trung tâm được 1 tháng, ông quen một cụ bà là bạn học cũ. Từ đó, hai ông bà chăm sóc nhau như đôi bạn tri kỷ. Nhờ tinh thần tốt lên, ông T sống thêm được gần 3 năm mới qua đời.