Đối diện nhiều thách thức
Cộng đồng kinh tế ASEAN đã thống nhất ký kết các thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRAs) về lao động kỹ năng ở trình độ cao trong 8 nhóm ngành nghề lĩnh vực gồm các dịch vụ: Kỹ sư, kiến trúc sư, khảo sát đo đạc bản đồ, bác sĩ, điều dưỡng, kế toán và du lịch. Đối với lao động có trình độ trung bình và thấp để tạo thuận lợi cho việc dịch chuyển lao động, Cộng đồng kinh tế ASEAN có thỏa thuận công nhận lẫn nhau về kỹ năng (MRS). Các thỏa thuận tạo ra sự công nhận một cách công bằng về trình độ đào tạo, kỹ năng của lao động khi di cư tới các quốc gia khác trong nội khối ASEAN.
Cùng với sự công nhận về trình độ và kỹ năng, người lao động Việt Nam sẽ được hưởng mức lương và thu nhập tương xứng khi tham gia thị trường lao động khu vực. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch – Đầu tư báo cáo gửi quốc hội tháng 10/2019, năng suất lao động của Việt Nam hiện chỉ bằng 7,6% mức năng suất của Singapore; 19,5% của Malaysia; 37,9% của Thái Lan; 45,6% của Indonesia; 56,9% của Philippines, 68,9% của Brunei. So với Myanmar, Việt Nam chỉ bằng 90% và khá bất ngờ khi chúng ta chỉ bằng 88,7% Lào. Trong khu vực, năng suất lao động của Việt Nam chỉ cao hơn Campuchia.
Theo lãnh đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTBXH) một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là lực lượng lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ của Việt Nam chỉ chiếm 22,37%.
Cụ thể, tính đến quý 2/2019, lực lượng lao động Việt Nam từ 15 tuổi trở lên của cả nước là 55,46 triệu người (chiếm hơn một nửa dân số với tỷ lệ 57,65%). Trong đó, lực lượng lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ chiếm 22,37%. Cụ thể, lao động có trình độ ĐH trở lên chiếm 10,82%, CĐ chiếm 3,82%, trung cấp chiếm 4,65% và sơ cấp là trên 3,08%. Điều đó đồng nghĩa với việc còn đến 77,63% lao động chưa qua đào tạo (chưa có văn bằng chứng chỉ), chưa được công nhận trình độ.
Đây là một trong những rào cản ảnh hưởng đến hiệu quả và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp. Người lao động cũng sẽ mất đi lợi thế tham gia thị trường lao động trong khu vực ASEAN và trên thế giới.
Không những thế, bệnh Covid – 19 đang có những tác động nặng nề lên nền kinh tế toàn cầu. Kinh tế đình trệ, doanh nghiệp bị phá sản dẫn đến 1 lực lượng lớn lao động bị mất việc đã tạo ra một sự cạnh tranh khốc liệt trong thị trường lao động. Để giữ được việc làm và tìm được việc làm đòi hỏi lao động phải có kỹ năng nghề ngày càng cao. Đó là thách thức của lao động Việt Nam nói riêng và của lao động trong khu vực ASEAN nói chung.
Chuyển đổi số nâng "chất" đào tạo
Tháng 5/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 24/CT-TTg về "Đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới", theo đó, tập trung triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển GDNN, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, tăng cường chuyển đổi số và đào tạo trực tuyến, bảo đảm người học có kỹ năng chuyên môn, kỹ năng số, kỹ năng mềm, khởi nghiệp và ngoại ngữ,… thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động, phấn đấu đến năm 2030, GDNN Việt Nam tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4, đến năm 2045 tiếp cận trình độ các nước G20.
Cụ thể, Theo lãnh đạo Tổng cục dạy nghề, về quy mô tuyển sinh, năm 2025 phấn đấu tăng gấp 2 lần hiện nay, đến năm 2030 tăng gấp 3 lần hiện nay với cơ cấu ngành, nghề và trình độ đào tạo phù hợp, không chỉ cho thị trường lao động hiện tại và trong ngắn hạn, mà cần tập trung chuẩn bị cho 5 - 10 năm tới. Phấn đấu ít nhất 90% người học sau khi tốt nghiệp có việc làm theo đúng nghề, trình độ đào tạo hoặc làm việc có năng suất, thu nhập cao hơn sau đào tạo.
Về mạng lưới, phát triển hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở và linh hoạt, chuẩn hoá, hiện đại hoá, có phân tầng chất lượng. Nhà nước tập trung đầu tư một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho các nhóm đối tượng đặc thù.
Bộ LĐTBXH đặt mục tiêu, đến năm 2025 có khoảng 70 trường được đánh giá, công nhận trường cao đẳng chất lượng cao, trong đó 3 trường tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20, 40 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN - 4; đến năm 2030 có khoảng 100 trường được kiểm định, đánh giá, công nhận đạt tiêu chí của trường chất lượng cao, trong đó 15 trường tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20; 50 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4. Giáo dục nghề nghiệp Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực ASEAN…
Theo các chuyên gia, nhu cầu lao động có kỹ năng nghề, nhất là kỹ năng nghề cao phục vụ phát triển kinh tế trong bối cảnh hội nhập lớn, chúng ta phải chuẩn bị nguồn nhân lực để đón làn sóng chuyển dịch đầu tư. Đồng thời, đào tạo, đào tạo lại là xu thế tất yếu để người lao động thích ứng với cuộc CMCN 4.0 - đã bộc lộ rõ qua đại dịch Covid - 19 vừa qua.
Tăng đội ngũ kỹ sư tay nghề cao
Trong bối cảnh dịch bệnh và nhiều biến đổi về nền kinh tế thế giới, với nỗ lực của ngành LĐTBXH, Việt Nam vừa có thêm 112 kỹ sư được cấp chứng chỉ kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN tại Hội nghị CAFEO 38, nâng tổng số kỹ sư được công nhận của Việt Nam lên 322 người. Đây được coi là bước đột phá trong việc hội nhập quốc tế của giới kỹ sư tại Việt Nam.
Để được đăng bạ kỹ sư chuyên nghiệp, người đăng ký phải tốt nghiệp đại học ngành kỹ thuật, hoạt động liên tục trong lĩnh vực 7 năm, trong đó 2 năm giữ vị trí chủ chốt như chủ nhiệm dự án, trưởng nhóm..., tham gia quá trình đào tạo liên tục và có đạo đức nghề nghiệp.
Khi áp tiêu chuẩn này, hàng năm hội đồng đăng bạ kỹ sư của Việt Nam do VUSTA chủ trì và đề xuất Ban Thư ký thường trực xét duyệt. Các ngành kỹ thuật có thể đăng bạ kỹ sư chuyên nghiệp gồm 45 lĩnh vực (xây dựng, cầu đường, điện, năng lượng...).
Hiện có khoảng gần 3.000 kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN được đăng bạ, trong đó nhiều nhất là Malaysia với gần 1.000 kỹ sư, Lào là quốc gia ít nhất (chỉ có 6 kỹ sư đăng bạ).
Việc đăng ký và được cấp chứng chỉ Kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN giúp các kỹ sư có nhiều lợi thế khi đấu thầu các dự án, xét giao nhiệm vụ.