Dân Việt

Bị tàu ngầm Nhật Bản tấn công, 900 lính thủy Mỹ trở thành... mồi cho cá mập

Duy Sơn 18/12/2020 08:31 GMT+7
Chiếc tàu chiến bị chìm vì ngư lôi của phát xít Nhật không phải là điều tồi tệ nhất với những người lính Mỹ, bởi cơn ác mộng thực sự đang chờ đợi họ giữa biển.

Tháng 7/1945, tuần dương hạm USS Indianapolis của hải quân Mỹ lên đường thực hiện một nhiệm vụ thuộc hàng tuyệt mật, đó là vận chuyển các thành phần quan trọng và lượng urani làm giàu đến đảo Tinian trên Thái Bình Dương để chế tạo quả bom nguyên tử thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản.

Bị tàu ngầm Nhật Bản tấn công, 900 lính thủy Mỹ trở thành... mồi cho cá mập - Ảnh 1.

Tuần dương hạm USS Indianapolis của Mỹ năm 1939. Ảnh: Wikimedia

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ này, con tàu neo đậu ngoài khơi đảo Guam và sau đó được điều đến vịnh Leyte, Philippines để hội quân với thiết giáp hạm USS Idaho chuẩn bị cho kế hoạch tấn công Nhật Bản. Khi USS Indianapolis đơn độc không có tàu khu trục hộ tống đang trên đường đến Philippine thì thảm họa xảy ra.

Đó là ngày 29/7/1945, chiếc tàu chiến chạy với tốc độ 31,4 km/h trên Thái Bình Dương một cách yên bình, các thủy thủ Mỹ thư giãn với các trò như đánh bài, đọc sách. Họ không hề biết được rằng một chiếc tàu ngầm của phát xít Nhật đang rình rập trong lòng biển ở phía trước.

Nửa đêm hôm đó, hạ sĩ thủy quân lục chiến Eggar Harrell rải chiếu rơm ngay trên boong tàu để ngả lưng sau khi kết thúc ca trực. Harrell chỉ mới chợp mắt được một lúc thì bất ngờ nghe thấy một tiếng nổ lớn, và chiếc tuần dương hạm bắt đầu nổ tung.

Tuần dương hạm hạng nặng USS Indianapolis dài 185,9 m với 1.196 thủy thủ và lính thủy quân lục chiến trên khoang đã trở thành mục tiêu để chiếc tàu ngầm Nhật phóng ra tới 6 quả ngư lôi. Trong đêm tối, một quả ngư lôi của Nhật đánh trúng mạn phải tàu, khiến phần mũi tàu dài gần 20 mét gần như bị thổi bay lên khỏi mặt nước, một bồn xăng lớn bốc cháy, tạo ra cột lửa cao hàng chục mét.

Quả ngư lôi thứ hai phóng ra từ chiếc tàu ngầm bắn trúng vào phần giữa tàu, nơi chứa các thùng nhiên liệu và đạn dược, kích hoạt chuỗi phản ứng nổ dây chuyền khiến con tàu bị vỡ làm đôi. Nước biển bắt đầu ồ ạt tràn vào, khiến con tàu bị chìm chỉ sau 12 phút. Trong tổng số 1.196 người có mặt trên tàu khi ấy, chỉ có 900 người kịp nhảy xuống biển thoát thân. Thế nhưng, đây mới chỉ là khởi đầu cho cơn ác mộng mang tên cá mập tồi tệ nhất trong lịch sử hải quân Mỹ và cả loài người.

Trong số những người nhảy xuống biển, nhiều người bị bỏng nặng, gãy xương, chấn thương sau vụ nổ. Hạ sĩ Harrell nhận thấy mình nằm trong một nhóm khoảng 80 người, trong đó có một lính thủy quân lục chiến bị thương nghiêm trọng. Harrell ôm lấy người này, giữ cho đầu anh ta ở trên mặt nước và bất lực nhìn người đồng đội dần kiệt sức và chết trong vòng tay mình.

Đến sáng 30/7, những người lính lênh đênh trên biển liên tục bị phơi thân dưới ánh mặt trời, trong tình trạng kiệt sức vì đói và mất nước giữa đại dương mênh mông. Và đúng lúc đó, những con cá mập xuất hiện.

Những người lính đang cố gắng bơi gần nhau thì những chiếc vây cá mập xuất hiện xung quanh họ, Harrell nhớ lại. Kết cục không thể khác được, một người lính ở vòng ngoài đột nhiên bị lôi tuột ra khỏi nhóm và chìm xuống mặt nước.

"Và sau đó tôi nghe thấy một tiếng thét rợn tóc gáy", ông nói. "Cơ thể anh ấy chìm nghỉm trong làn nước xanh, chỉ còn chiếc áo phao nổi lên".

Bị thu hút bởi âm thanh của vụ nổ và vết máu tanh loang trên mặt biển, những con cá mập kéo đến ngày càng nhiều. Trong số nhiều loài cá mập sống trên đại dương, cá mập vi trắng được cho là loài hung dữ nhất. Báo cáo của những người còn sống cho thấy lũ cá mập có xu hướng tấn công những nạn nhân còn sống đang gắng sức bơi trên biển, khiến các sử gia tin rằng thủ phạm gây ra thảm kịch này chính là cá mập vi trắng đại dương.

Bị tàu ngầm Nhật Bản tấn công, 900 lính thủy Mỹ trở thành... mồi cho cá mập - Ảnh 2.

Các chuyên gia tin rằng cá mập vi trắng là thủ phạm gây nên thảm kịch tồi tệ này. Ảnh: Atlanticshark

Trong buổi tối đầu tiên, những con cá mập nhằm vào những thi thể bồng bềnh trên biển. Nỗ lực sinh tồn của những người sống sót chỉ càng thu hút nhiều cá mập bơi đến bởi chúng có thể cảm nhận chuyển động của những người đang bơi trên biển.

Sau đó, lũ cá mập chuyển sự chú ý sang những người sống sót, đặc biệt là những người bị thương và đang chảy máu. Các thủy thủ đã cố gắng tránh xa những người bị thương và khi một ai đó chết, họ tìm cách đẩy thi thể đó ra xa với hy vọng những con cá mập sẽ tấn công xác chết.

Đến ngày thứ hai, những người sống sót phải chịu đựng cơn khát và tình trạng cơ thể mất nước không thể tưởng tượng nổi, Harrell kể lại. Lưỡi họ phồng rộp, môi nứt toác và muối đóng thành bánh trên mắt và khuôn mặt họ dưới ánh mặt trời. Trong cơn tuyệt vọng, một số người đã uống nước biển và sớm phải hối tiếc vì quyết định này. Theo Harrel, chỉ khoảng một giờ sau, những người uống nước biển đều rơi vào ảo giác kinh hoàng và chết.

Những người này trở thành mối hiểm họa cho đồng đội khi đàn cá mập vẫn lởn vởn bơi xung quanh, và rất nhiều người kéo theo cả đồng đội xuống nước khi họ chết.

Tới ngày thứ ba, chỉ có 17 trong số 80 người ban đầu ở cùng Harrell còn sống. Ngày hôm đó nhóm của ông tìm thấy một số vỏ thùng đạn và thùng đựng khoai tây, họ ghép chúng thành một chiếc bè tạm bợ để có chỗ bấu víu.

Nhiều người sống sót đã tê liệt vì sợ hãi đến mức không thể ăn uống số thực phẩm ít ỏi mà họ tìm được gần nơi con tàu bị đắm. Một nhóm tìm cách mở một lon thịt hộp, nhưng họ đã phạm sai lầm, bởi mùi hương của hộp thịt đã thu hút những con cá mập lao đến. Họ đành phải vứt ngay số thịt hộp quý báu này để tránh làm mồi cho cá mập.

Những con cá mập cứ thế tấn công những nạn nhân xấu số trong vài ngày, trong khi những người sống sót cố gắng tập trung ở giữa bởi những người ở ngoài cùng dễ bị cá mập tấn công.

Trong lúc họ tuyệt vọng chờ được giải cứu, tình báo hải quân Mỹ thu được một bức điện mật gửi từ tàu ngầm Nhật Bản về Tokyo thuật lại việc sử dụng ngư lôi đánh chìm một tàu chiến Mỹ trên hướng di chuyển của tàu USS Indianapolis. Tuy nhiên, Mỹ lại coi đây là một cái bẫy mà Nhật giăng ra để phục kích tàu cứu hộ, nên không điều lực lượng đến ứng cứu.

Bị tàu ngầm Nhật Bản tấn công, 900 lính thủy Mỹ trở thành... mồi cho cá mập - Ảnh 3.

Những người sống sót được đưa lên bãi biển. Ảnh: USNI

Mãi đến trưa ngày thứ tư, một phi cơ hải quân Mỹ bay qua khu vực này mới phát hiện những đám người đang trôi dạt trên biển, xung quanh vẫn còn những con cá mập lượn lờ, thậm chí lúc đó phi công còn không biết đây là lính Mỹ. Khi chiếc máy bay này liên lạc về đất liền, tàu chiến và máy bay hải quân Mỹ mới nhanh chóng kéo đến giải cứu.

Trong số 1.196 thủy thủ đoàn ban đầu trên tàu, chỉ có 317 người sống sót và không thể ước tính nổi chính xác có bao nhiêu lính Mỹ đã trở thành mồi của cá mập. Tuy vậy, đây vẫn được coi là thảm họa hàng hải tồi tệ nhất trong lịch sử hải quân Mỹ, cũng như vụ tấn công kinh hoàng nhất của cá mập trong lịch sử loài người.