Dân Việt

Vụ Liên Kết Việt: Nhà sư khoe khoang thế nào khi gặp Lê Xuân Giang đi lễ chùa?

Nguyễn Hoà 18/12/2020 15:48 GMT+7
Cáo trạng xác định, Lê Xuân Giang – cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Liên Kết Việt khi đi lễ chùa ở TP.HCM có gặp 1 nhà sư, và Giang được người này khoe có thể giúp được một số việc.

Sự thật về những quyết định, bằng khen của Công ty Liên Kết Việt

Trong quá trình điều tra vụ án xảy ra tại Công ty Liên Kết Việt, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thu giữ được một số các quyết định, bằng khen tặng cho cá nhân, đơn vị tại Công ty Liên Kết Việt.

Cụ thể, đó là quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 209 QĐ/TTg ngày 10/12/2014, số 2050 QĐ/TTg ngày 27/4/2015, số 2051 QĐ/TTg ngày 20/5/2015.

Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về việc tặng bằng khen cho 5 cá nhân tại Công ty Liên Kết Việt, BQP; bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiết bị y tế BQP – VN, đề ngày 10/12/2014.

Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng Công ty Cổ phần liên kết sản xuất thương mại Việt Nam, đề ngày 27/4/2015; bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng Lê Xuân Hà (Lê Xuân Giang), Lê Văn Tú, Lê Thanh Tùng, Đào Văn Điện (Tần).

Bằng khen của Chủ tịch UBND TP.HCM tặng Công ty Cổ phần liên kết sản xuất thương mại Việt Nam và Chi nhánh tại TP.HCM.

Vụ Liên Kết Việt: Nhà sư đã khoe điều gì khi gặp Lê Xuân Giang đi lễ chùa? - Ảnh 1.

Lê Xuân Giang khi đi chùa đã gặp nhà sư Thích Phước Từ và người này nói có thể giúp Giang làm các bằng khen, quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trong ảnh là một bằng khen giả mà các đối tượng đã làm.

Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao xác định, kết quả xác minh tại Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương, Bộ Nội Vụ, trong năm 2015, Thủ tướng Chính phủ không ký quyết định số 2050, các quyết định còn lại không phải tặng cho đơn vị, cá nhân của Công ty Liên Kết Việt hoặc Công ty BQP.

Kết quả xác minh tại Ban Thi đua Khen thưởng, Sở Nội vụ TP.HCM, quyết định số 2762 là quyết định của UBND TP.HCM do Chủ tịch UBND TP.HCM ký tặng bằng khen về thành tích xuất sắc tham gia hiến máu tình nguyện 20 lần nhân kỷ niệm ngày "Thế giới tôn vinh người hiến máu tình nguyện" năm 2014, đề ngày 5/6/2014.

Như vậy, có căn cứ xác định các quyết định bằng khen nêu trên là giả.

Về hành vi làm giả tài liệu của nhà sư Phạm Văn Út (SN 1972, hiệu đạo là Thích Phước Từ, tu ở 1 ngôi chùa ở TP.HCM), tháng 10/2014, khi gặp Lê Xuân Giang đi lễ chùa, Út khoe có thể giúp Giang làm bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho tập thể và một số cá nhân trong công ty.

Lê Xuân Giang đã hướng dẫn Út ghi tại Điều 1 trên các quyết định, bằng khen: "đã có nhiều thành tích phát triển kinh tế và hoạt động từ thiện xã hội từ năm 2010 – 2015, góp phần vào sự nghiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc".

Lê Xuân Giang đã đưa cho Út 31 triệu đồng. Út khai đã đưa 2,7 triệu đồng cho Nguyễn Duy Hùng – Chủ cửa hàng phô tô tại địa chỉ 64A Bạch Đằng (P2, quận Tân Bình, TP.HCM) để nhờ Hùng đánh máy, phô tô, scan màu.

Tuy nhiên, Hùng khai không thực hiện những việc trên như lời khai của Phạm Văn Út.

Ngày 26/7/2017, Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị Cơ quan điều tra để Giáo hội Phật giáo Việt Nam xử lý nội bộ đối với Phạm Văn Út. Do quá trình điều tra, Út khai báo thành khẩn, đã tự nguyện nộp lại số tiền 31 triệu đồng cho Cơ quan điều tra để khắc phục hậu quả nên Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an không đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với nhà sư này.

Đồng thời, đơn vị cũng có công văn đề nghị Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam có hình thức xử lý đối với nhà sư Phạm Văn Út.

Ngày 11/1/2018, Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam có văn bản thông báo về việc đã thi hành kỷ luật đối với Đại đức Thích Phước Từ (thế danh Phạm Văn Út).

Tường trình từ người trong cuộc

Trong số 68 nghìn người mà Lê Xuân Giang và đồng phạm đã thu tiền của họ, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiến hành ủy thác điều tra cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an 49 tỉnh, thành phố tiếp nhận đơn, ghi lời khai được 7227 người.

Tuy nhiên, chỉ có 6053 người có đầy đủ thông tin, địa chỉ, còn lại 1174 người không rõ được địa chỉ.

Về cơ bản, những người này đều thống nhất khai báo thông qua người quen, bạn bè giới thiệu, rủ rê nên họ đã đến các chi nhánh, văn phòng đại diện, đại lý ở các tỉnh hoặc văn phòng Công ty Liên Kết Việt ở Hà Nội để tìm hiểu về hoạt động kinh doanh đa cấp của Công ty Liên Kết Việt.

Ngoài ra, họ còn được Công ty Liên Kết Việt thuê xe đưa đón đến Trung tâm văn hóa quận Thanh Xuân, Thiên đường Bảo Sơn tại Hà Nội để tham dự các chương trình Đại hội hoa hồng, tôn vinh nhà phân phối có thành tích xuất sắc.

Vụ Liên Kết Việt: Nhà sư đã khoe điều gì khi gặp Lê Xuân Giang đi lễ chùa? - Ảnh 2.

Theo các bị hại, ban đầu họ được trả hoa hồng đầy đủ, tuy nhiên về sau không được thanh toán nữa. Trong ảnh là trụ sở Công ty Liên Kết Việt đã ngừng mọi hoạt động sau khi lãnh đạo công ty này bị bắt vào năm 2016. (Ảnh: Lâm Hoài)

Tại các địa hội này, Công ty Liên Kết Việt tổ chức rất hoành tráng, có hàng nghìn nhà phân phối tham dự.

Khi đến họ thấy trên tường có treo nhiều ảnh của Lê Xuân Giang mặc trang phục quân đội, chụp với lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các sỹ quan của quân đội; có nhiều giấy chứng nhận, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và các đơn vị tặng.

Họ được nhân viên công ty tuyên truyền Công ty Liên Kết Việt và Công ty BQP là Công ty trực thuộc Bộ Quốc Phòng, Lê Xuân Giang là đại tá quân đội; các sản phẩm hàng hóa của công ty, các loại thực phẩm chức năng là sản phẩm được liên doanh, liên kết với các đơn vị của Bộ Quốc Phòng, được thử nghiệm tại các bệnh viện uy tín.

Nếu bị hại tham gia nộp tiền mua mã sản phẩm sẽ được hưởng nhiều chính sách hoa hồng, khuyến mại, trả thưởng. Đặc biệt, được giới thiệu rất kỹ chương tình Hoa hồng đại thắng (nhà phân phối nộp 8,6 triệu nhận được tối đa hơn 35 triệu) và hoa hồng nhân văn tri ân khách hàng…

Ngoài việc họ được nhân viên Công ty Liên Kết Việt và BQP tuyên truyền những nội dung trên, họ còn được chứng kiến Giang và đông người khác mặc trang phục quân đội, tổ chức chào cờ, hát quốc ca;

Tổ chức đón nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trao tặng Công ty Liên Kết Việt, Công ty BQP và một số lãnh đạo của công ty;

Nhiều nhà phân phối lên sân khấu để công ty trao tặng hoa hồng lên tới nhiều tỷ đồng, trao tặng nhà, xe, bốc thăm trúng thưởng tiền, vàng…

Chính vì lý do đó, họ tin Công ty Liên Kết Việt, Công ty BQP là của Bộ Quốc Phòng, ham lãi suất cao hơn gửi ngân hàng, không phải làm gì cũng có tiền, vừa có tiền vừa có sức khỏe, nên họ đã tham gia nộp tiền và dẫn dụ, lôi kéo nhiều người khác là người nhà, bạn bè và người thân cùng tham gia nộp tiền.

Khi mới đóng tiền, hàng tháng họ được trả tiền đầy đủ hoa hồng, sau đó ít dần đến tháng 11/2015 thì công ty không còn thanh toán tiền hoa hồng đầy đủ nữa.