Dân Việt

Trường Đại học Đông Đô chưa liên hệ được với 55 người sử dụng bằng giả?!

Nguyễn Đức 19/12/2020 10:05 GMT+7
Đại diện Trường Đại học Đông Đô (Hà Nội) vừa thông tin liên quan đến việc 55 người sử dụng bằng cấp sai quy định để xét tuyển nghiên cứu sinh, bảo vệ luận án tiến sĩ, thạc sĩ…

Như Dân Việt đã đưa tin, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKS) đã ra quyết định trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung vụ án "giả mạo trong công tác" xảy ra tại Trường Đại học Đông Đô Hà Nội.

Theo VKS, danh sách thu tại Đại học Đông Đô có 626 người được cấp văn bằng 2 tiếng Anh, trong đó Cơ quan an ninh điều tra đã làm rõ 193 trường hợp được cấp bằng không qua đào tạo.  Tuy nhiên, kết luận điều tra mới chỉ nêu chung số liệu các trường hợp được cấp bằng không qua đào tạo từng lần cấp, và chưa rõ danh sách được cấp bằng không qua đào tạo từng lần.

Vì vậy, cần xác định rõ những trường hợp được cấp bằng không qua đào tạo của từng lần cấp bằng giả và từng bị can phải chịu trách nhiệm về việc làm giả đối với các trường hợp cụ thể.

Cũng theo kết luận điều tra, đối với 193 người được trường Đại học Đông Đô cấp bằng ngôn ngữ Anh giả, có 60 người đã sử dụng bằng. Đáng chú ý có 55 trường hợp sử dụng bằng giả này để xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ, 1 trường hợp làm điều kiện bảo vệ thạc sĩ, 1 trường hợp thi nâng ngạch thanh tra viên, 1 trường hợp thi tuyển công chức, 2 trường hợp kê khai vào hồ sơ cán bộ...

Chưa liên hệ được 55 trường hợp sử dụng bằng giả

Ngày 18/12, trao đổi với Dân Việt, ông Phạm Thanh Tùng, Phó phụ trách Phòng hành chính tổng hợp, Trường Đại học Đông Đô (Hà Nội) cho biết, hiện tại trường chưa có danh sách 55 trường hợp sử dụng bằng không đúng quy định.

"Đến nay, chúng tôi chưa có danh sách 55 trường hợp này nên chưa có cơ hội để liên hệ với họ", ông Tùng nói.

Trường Đại học Đông Đô có liên hệ được với 55 người sử dụng bằng giả? - Ảnh 1.

Trường Đại học Đông Đô. Ảnh: Nguyễn Đức

Liên quan tới vụ việc này, PV Dân Việt cũng đã liên hệ làm việc với Bộ GDĐT. Sau đó, đơn vị này đã gửi câu trả lời qua email. 

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, đơn vị này cũng chưa nhận được danh sách các trường hợp đã được Trường Đại học Đông Đô cấp văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ tiếng Anh.

"Quan điểm của Bộ GDĐT là kiên quyết xử lý những trường hợp sử dụng văn bằng được cấp sai quy định; thu hồi và hủy bỏ những văn bằng này. Lãnh đạo Bộ GDĐT đã giao Cục Quản lý chất lượng làm việc với Trường Đại học Đông Đô và có văn bản yêu cầu trường nghiêm túc thực hiện việc rà soát, thu hồi, hủy bỏ các văn bằng được cấp sai quy định", Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin.

Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã yêu cầu các các cơ sở đào tạo khẩn trương rà soát, báo cáo danh sách những người đã sử dụng văn bằng 2 Ngôn ngữ Anh của Trường Đại học Đông Đô và đề xuất phương án xử lý cụ thể cho từng trường hợp.

Đối với trường hợp sử dụng bằng không hợp pháp làm điều kiện đầu vào hoặc điều kiện bảo vệ luận án tiến sĩ, cơ sở đào tạo sẽ căn cứ tính chất và mức độ để có hình thức xử lý phù hợp theo quy định, như dừng học hoặc thu hồi bằng tiến sĩ đã cấp.

Về hành vi sử dụng văn bằng không hợp pháp, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, pháp luật đã có quy định đầy đủ về các hình thức xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm.

Các cơ quan, đơn vị quản lý cán bộ sẽ rà soát và phân loại những trường hợp người học biết hoặc không biết rõ về việc đào tạo và cấp bằng sai quy định của Trường Đại học Đông Đô để có biện pháp xử lý phù hợp, đúng bản chất. Việc công khai hay không công khai danh tính những cá nhân sử dụng văn bằng không hợp pháp sẽ do cơ quan có thẩm quyền xem xét theo quy định của pháp luật.

Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự người mua bằng giả

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho hay, kết luận điều tra cho biết, sẽ xem xét đến trách nhiệm của các phòng, ban, cán bộ đã xác nhận, giao chỉ tiêu đào tạo văn bằng 2 tiếng Anh cho trường Đại học Đông Đô. 

Trường Đại học Đông Đô có liên hệ được với 55 người sử dụng bằng giả? - Ảnh 3.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội).

Bởi vậy, thời gian tới đây cơ quan chức năng cần xem xét trách nhiệm của các cán bộ có liên quan trong việc đã giao khôi bằng cho trường này và ký xác nhận giao chỉ tiêu cho Trường Đại học Đông Đô.

Còn đối với những người không tham gia học, không thi, chỉ bỏ tiền ra để có được bằng đại học văn bằng hai tiếng Anh thì đây là những bằng giả, cần phải thu hồi, hủy bỏ và xem xét xử lý kỷ luật, hủy bỏ kết quả đối với thủ tục mà những người đó đã sử dụng văn bản giấy tờ giả mà có được thì mới đảm bảo công bằng, đúng pháp luật.

Bộ luật hình sự trước đây quy định là hành vi sử dụng tài liệu giả để "lừa dối cơ quan chức năng" sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên kể từ 1/1 2018, Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực pháp luật thì Điều 341 quy định: "sử dụng giấy tờ giả để thực hiện hành vi trái pháp luật" mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn về điều luật này nên rất khó để xác định việc bổ túc hồ sơ có được cho là hành vi trái pháp luật hay không.

Nếu sử dụng giấy tờ giả để lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc thực hiện các hành vi phi pháp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, còn việc sử dụng giấy tờ giả vào các thủ tục hành chính, pháp lý rất khó để xác định là hành vi trái pháp luật.

Bởi vậy, cơ quan chức năng cũng sẽ xem xét làm rõ ý thức chủ quan của người sử dụng bằng cấp này và hành vi có được xác định là trái pháp luật hay không mới có cơ sở để xác định có xử lý hình sự hay không.

Những người không thi tuyển, không tham gia đào tạo vẫn có bằng, tức mua bằng và nhóm này có thể giả về nội dung hoặc giả về hình thức. Giả về hình thức là con dấu, chữ ký, phôi bằng đều giả và đương nhiên không có giá trị. Giả về nội dung là phôi bằng thật nhưng người học bỏ tiền ra mua mà có được, bằng này không ghi nhận trình độ của họ.

Theo quy định, cán bộ công chức nếu dùng bằng giả sẽ bị kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc; người biết bằng giả vẫn sử dụng vào mục đích trái pháp luật sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Còn trường hợp những người học thật, thi thật và họ nhận bằng. Những người này là nạn nhân bởi Trường Đại học Đông Đô công khai đào tạo nhiều năm, được Bộ GD&ĐT công bố, giao chỉ tiêu, cấp phôi bằng...

Theo luật sư Cường, trong 55 người cơ quan điều tra cho rằng nhận bằng và sử dụng để học lên cao hơn hoặc thi nâng ngạch cũng phải chia ra 2 nhóm. 

Trường hợp thứ nhất là bỏ tiền ra mua nên kết quả đương nhiên bị hủy nhưng họ có bằng cấp, chứng chỉ khác tương đương vẫn có thể châm chước bởi đây chỉ là điều kiện.

Trường hợp thứ hai là những người không đủ trình độ, chỉ dùng mỗi bằng giả để "tiến thân" và không thể bổ sung bằng khác tương đương, cơ quan chức năng cần hủy kết quả họ có được từ bằng giả.