Dân Việt

Rà soát xử lý xe ô tô dán quảng cáo kín kính

Thế Anh 21/12/2020 15:01 GMT+7
Thời gian vừa qua, trên các tuyến đường phố TP Hà Nội thường xuyên xuất hiện xe ô tô khách 45 chỗ ngồi, xung quanh xe đều dán kín hình ảnh quảng cáo phủ kín gần như toàn bộ xe, hoạt động vào giờ cao điểm khiến nhiều người bức xúc.

Điều đáng nói, logo và hình ảnh quảng cáo về các dự án được in phủ kín các mặt xe khiến hành khách khó phân biệt được đây là xe khách hay là phương tiện quảng cáo chuyên dụng của thương hiệu này. Trong khi đó, nhiều quy định pháp luật cấm/hạn chế điều này, đặc biệt, là gây mất an toàn giao thông khi các phương tiện lưu thông trên đường.

Rà soát xử lý xe ô tô dán quảng cáo kín kính - Ảnh 1.

Xe dán quảng cáo chạy trên đường phố Hà Nội.

Để xử lý tình trạng này, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đề nghị Ban An toàn giao thông TP Hà Nội chỉ đạo lực lượng chức năng kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo bằng xe ô tô theo đúng quy định của pháp luật; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Nguyễn Trọng Thái nhận định, việc dùng đề can quảng cáo phủ kín gần như toàn bộ xe vi phạm các quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đối với xe ô tô tham gia giao thông như: Tự ý thay đổi màu sơn so với đăng ký xe; vô hiệu hóa gương chiếu hậu (đặt trong xe), thay đổi đặc tính kỹ thuật kính xe ô tô, ảnh hưởng tới tầm nhìn, quan sát của lái xe khi điều khiển xe, đồng thời hạn chế khả năng thoát hiểm của những người trong xe khi xảy ra sự cố.

Đặc biệt, khi xe ôtô xảy ra tai nạn, nếu chất liệu quảng cáo không đảm bảo, khiến người ở bên trong xe sẽ không thể đập vỡ kính để thoát hiểm.

Theo Luật Giao thông đường bộ 2008 và Nghị định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ hiện hành cấm hành vi liên quan đến các hành vi nêu trên được quy định như sau: Cấm tự ý thay đổi màu sơn xe so với đăng ký xe; không có đủ biển số hoặc biển số bị mờ (theo quy định của Bộ Công an, xe khách trên 9 chỗ ngồi phải in biển số 2 bên thành xe); lắp kính chắn gió không phải là kính an toàn (việc dán nilon lên kính xe làm biến đổi tính chất của kính chắn gió)... 

Được biết, về quy định trong hoạt động quảng cáo đối với loại hình này cũng tùy thuộc vào Luật Quảng cáo, tại mỗi địa phương lại có kích thước và các hình thức quảng cáo khác nhau, có thể dán quảng cáo 2 bên hông xe, cũng có thể dán quảng cáo tràn kính xe…

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cần phải thực hiện theo quy định tại Điều 32 Luật Quảng cáo, cụ thể: Không được thể hiện sản phẩm quảng cáo ở mặt trước, mặt sau và trên nóc của phương tiện giao thông; Sản phẩm quảng cáo không được vượt quá 50% diện tích mỗi mặt được phép quảng cáo của phương tiện giao thông và phải tuân thủ các quy định của pháp luật về giao thông.